Kỳ vọng tuyển sinh theo nhóm trường

Thủy Anh 20/04/2016 14:10

Vừa qua, nhóm tuyển sinh GX (do ĐH Bách Khoa chủ trì), gồm nhiều trường ĐH tốp đầu đã chính thức ra mắt. Đây được kỳ vọng là giải pháp giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn trong tuyển sinh mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh.

Kỳ vọng tuyển sinh theo nhóm trường

Nhóm càng lớn càng ít ảo

Nhóm trường GX hiện đã có 11 trường ĐH tham gia: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải; Học viện Ngân hàng; và ĐH Thăng Long – Trường dân lập đầu tiên đăng ký tham gia nhóm. Hạn để đăng ký tham gia nhóm tuyển sinh này là ngày 22/4.

Theo ông Trần Văn Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT): Với quy chế tuyển sinh năm nay, tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh vào ngành yêu thích. Tuy nhiên phương thức tuyển sinh này cũng có khó khăn khác, đó là lượng ảo. Có những em trúng cả hai trường thì không biết sẽ chọn trường nào.

Ông Nghĩa khẳng định: Bộ GD&ĐT cũng lo lắng, nhưng sẽ cố gắng khống chế. Xử lý ảo vô cùng khó không đơn giản chút nào. Ngoài việc hướng dẫn thí sinh đăng ký hai ngành phải nói kèm theo về trường đăng ký thứ hai, nhằm minh bạch thông tin cho các trường tính toán ảo còn có giải pháp nữa là tuyển sinh theo nhóm. “Với nhóm GX này, nếu số lượng trường tham gia đến G20 thì chắc chắn không còn ảo” – ông Nghĩa nói.

“Khi đủ lớn thì sẽ không có ảo. Tại sao, vì các trường khi dùng phần mềm xét tuyển chung có thứ tự ưu tiên, học sinh chỉ trúng điểm vào số điểm cao nhất của mình. Khi khuyến khích thì đương nhiên quy chế phải có lợi theo nhóm. Tạo nhóm không chỉ tốt cho các trường, mà cũng có lợi cho thí sinh. Thí sinh có lợi vì được đăng ký tối đa bốn trường, có thể chọn hai ngành một trường, cứ đủ là được.

Đăng ký tham gia nhóm, các trường vẫn hoàn toàn tự chủ, không có ràng buộc. Các trường thống nhất cách xét nguyện vọng phải giống hệt nhau, là dùng kết quả thi THPT QG, không xét học bạ. Nguyên tắc các nhóm thống nhất với nhau số nguyện vọng giống bên ngoài. Việc xét bốn nguyện vọng cũng bình đẳng…”

Tuy nhiên, phía Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, việc tuyển sinh theo nhóm trường như GX với tuyển sinh theo nhóm trên phạm vi rộng ở tất cả các trường trên toàn quốc là hai chuyện khác nhau. “Năm 2015, Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện tuyển sinh chung nên có khoảng 200 trường ĐH sử dụng chung một phần mềm để xét tuyển chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều trường ĐH hoàn toàn bị động trong việc xử lý phiếu ĐKXT của thí sinh. Bởi vì toàn bộ dữ liệu đăng ký tuyển sinh của các trường phải về Bộ GD&ĐT. Như vậy, việc tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH không đảm bảo, việc phân công trách nhiệm trong việc xử lý những vướng mắc của thí sinh cũng phức tạp hơn nhiều. Chính vì thế nên việc triển khai tuyển sinh theo nhóm không thực hiện rộng ra ở tất cả các trường trên toàn quốc” – ông Trần Văn Nghĩa chia sẻ.

Trường dân lập cũng có thể tham gia

Về việc đăng ký tham gia nhóm tuyển sinh GX, lãnh đạo trường ĐH Bách khoa khẳng định: Đề án tuyển sinh theo nhóm GX không hạn chế bất cứ trường nào, nhưng đều phải tuân thủ đề án là không tuyển sinh bằng học bạ. Hiện nhóm vẫn chấp nhận trường vào nhóm với điều kiện chấp nhận đề án này, kể cả trường dân lập, nếu đủ điều kiện. Được biết, đến thời điểm hiện tại đã có thêm trường ĐH Thăng Long, là trường dân lập đầu tiên đăng ký tham gia nhóm tuyển sinh GX.

Về tiêu chí để đưa trường vào nhóm, lãnh đạo trường ĐH Bách khoa nhấn mạnh, chỉ liên quan về vấn đề kỹ thuật, và quyết định là do nhóm trường ngồi bàn bạc với nhau. Bởi vì về bản chất, phần mềm này cũng là thuật trì hoãn, như năm ngoái.

Là trường tham gia nhóm GX, ông Nguyễn Quang Kim- Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho rằng: Về lý thuyết tất cả các trường vào nhóm đều được nhưng phải trang bị kỹ thuật tốt hơn. Đặc biệt là những trường không thấy lợi thì sẽ không làm. Bởi vì có những trường xét học bạ có khi lại được hơn. Còn về số trường chúng tôi không giới hạn. Bởi vì “nhóm trường GX” là nhóm trường thực hiện một phương thức xét tuyển chung dựa vào kết quả thi THPT QG năm 2016 trên tinh thần tự nguyện và cam kết tham gia của các trường trong khu vực.

Thí sinh được đăng ký cả trong và ngoài nhóm

Đại diện nhóm trường GX cũng cho biết thêm: Thí sinh có thể đăng ký cả trường trong nhóm và trường ngoài nhóm, miễn sao tổng số trường đăng ký không quá 2 ở đợt 1 và không quá 3 ở các đợt bổ sung. Nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng xếp trên theo thứ tự ưu tiên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Như vậy, ngoài việc giảm ảo cho các trường, các thí sinh cũng có thể đăng ký nguyện vọng theo đúng sở thích của bản thân, không nhất thiết phải đăng ký hoàn toàn trong nhóm.

Tuy nhiên, với 2 phiếu ĐKXT khác nhau (ĐKXT theo nhóm trường có mẫu phiếu ĐKXT khác với mẫu ĐKXT chung của Bộ GD&ĐT), có nhiều nhà trường tỏ ra nghi ngại có thể sẽ xảy ra chuyện gian lận. Về điều này, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định: Nếu thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ GD&ĐT để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm thì phần mềm của Bộ phải điều chỉnh theo. Việc kiểm soát thí sinh nộp quá quy định có thể làm được bằng giải pháp công nghệ thông tin. Vì vậy, thí sinh bằng nhiều con đường như đăng ký trực tiếp, qua bưu điện có thể sẽ nộp đơn vào nhiều trường hơn quy định nhưng dữ liệu của thí sinh sẽ không nhập vào hệ thống được nếu quá nguyện vọng so với quy định. Việc thành lập nhóm tuyển sinh, phần mềm của Bộ cũng điều chỉnh và khống chế được. Thí sinh gian dối sẽ đánh mất cơ hội xét tuyển của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng tuyển sinh theo nhóm trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO