Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức trao giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016 - 2019), trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020 cho 4 tác phẩm. Giải thưởng cao nhất của cuộc thi tiểu thuyết thuộc về tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai. Cuộc thi cũng đã mở ra niềm hi vọng mới đối với thể tài tiểu thuyết lịch sử khi có khá nhiều tác phẩm tham gia dự thi và đoạt giải thưởng.
Cuộc thi cũng đã mở ra niềm hi vọng mới đối với thể tài tiểu thuyết lịch sử khi có khá nhiều tác phẩm tham gia dự thi và đoạt giải thưởng.
Vụ mùa “bội thu”?
Theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh- khi đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng BTC cuộc thi, Hội đồng chuyên môn đã làm việc hết sức nghiêm túc, công tâm, đầy cân nhắc cũng như sự lắng nghe những “hồi âm” từ các tác phẩm tiểu thuyết đã được xuất bản trước đó. Từ 176 tác phẩm dự thi, Ban giám khảo đã chọn ra 27 tác phẩm vào chung khảo.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nhận định rằng, tư duy về một nền văn học coi trọng tiểu thuyết là đúng đắn đây là một cuộc “bội thu về tiểu thuyết”. Trong đó, một trong những thành công lớn nhất, cái được nhất của cuộc thi lần này, đó là có thêm rất nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử, viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Nhiều tác tác phẩm có những đóng góp rất đáng ghi nhận đối với đề tài lịch sử như “Ngô vương” của Phùng Văn Khai viết về Ngô Quyền; “Chim bằn và Nghé hoa” của Bùi Việt Sỹ viết về dũng tướng Lý Thường Kiệt; “Mệnh đế vương” của tác giả Trương Thị Thanh Hiền viết về triều Lý với cuộc chuyển giao quyền lực từ Lý Chiêu Hoàng sang Trần Cảnh; “Thị Lộ chính danh” của tác giả Võ Khắc Nghiêm viết về nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ vợ của danh nhân Nguyễn Trãi - người đã vượt ra khỏi thân phận nữ nhi thường tình trong thời phong kiến với những định kiến xã hội để chứng minh tài năng, nhân cách của mình; “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai viết về một giai đoạn lịch sử quan trọng triều Nguyễn...
Bên cạnh đó, những tác phẩm viết về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX như “Trong vô tận” của tác giả Vĩnh Quyền, “Quay đầu lại là bờ” của Hữu Phương, “Gió xanh” của Chu Lai, “Gió bụi đầy trời” của Thiên Sơn, “Đường về Thăng Long” Nguyễn Thế Quang... cũng đã góp phần quan trọng trong việc khỏa lấp những khoảng trống của mảng văn học sử Việt Nam.
Sự thành công về mảng tiểu thuyết lịch sử cũng phần nào cho thấy, trong những năm gần đây có rất nhiều tác giả dày công đi tìm tòi, nghiên cứu và viết về những giai đoạn, những góc khuất, những trang sử còn mờ nhòe của dân tộc. Tuy nhiên, bạn đọc chắc chắn sẽ chờ đợi nhiều hơn đối với những tác phẩm đi sâu vào bao quát, khắc họa đời sống đương đại ngày nay.
Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, các tác phẩm “Vỡ vụn”, “Cuộc vuông tròn” của tác giả Nguyễn Bắc Sơn, “Vùng xoáy” của Vũ Quốc Khánh, “Lạc lối” của Thùy Dương, “Đông trùng hạ thảo” của Mai Tiến Nghị... đã đi vào cuộc đấu tranh trọng tâm nhất của đời sống nội tâm ngày nay, đó là cuộc đấu tranh để hoàn thiện nhân cách, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội trong “quỹ đạo của đồng tiền” và vòng xoáy cơ chế thị trường.
Có thể nói, “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai - tác phẩm đoạt giải Nhất của cuộc thi là một bộ tiểu thuyết khá đồ sộ (2 tập, gần 1.000 trang) về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước và Triều Nguyễn. Thái hậu Từ Dụ đã sống một cuộc đời trải qua 3 đời vua, với những xung đột, mâu thuẫn dữ dằn phía sau quyền lực. Đọc tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu”, độc giả dễ dàng cảm nhận tính điện ảnh, tinh thần điện ảnh trong bộ tiểu thuyết khá rõ nét. Bởi vì, theo chia sẻ của nhà văn Trần Thùy Mai, ban đầu bà định xây dựng tác phẩm này thành một bộ phim lịch sử, song vì khó khăn trong khâu tìm nguồn kinh phí sản xuất cho nên nó được chuyển thành tiểu thuyết để đến với độc giả trước. Hi vọng rằng, sau khi đoạt giải thưởng lớn và danh giá này của Hội nhà văn, kịch bản “Từ Dụ Thái hậu” sẽ tìm được nhà sản xuất, nhà tài trợ để tác phẩm được hiện thực hóa thành phim.
Thêm những bất ngờ
Trong khi đó, ở Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt, các tác phẩm dự Giải thưởng năm nay rất phong phú, đa dạng. Với 2.500 đầu sách được NXB Hội Nhà văn ấn hành và hàng ngàn tác phẩm được in ở các NXB trong cả nước, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng và nghiêm túc chọn ra 4 tác phẩm ở 4 thể loại: Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình và Dịch để trao giải thưởng.
Sau 3 năm không có giải thưởng ở hạng mục Thơ, năm nay giải thưởng đã được trao cho nhà nhà thơ Trần Kim Hoa với tập thơ “Bên trời”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nhận định: “Nhà thơ Trần Kim Hoa không cố gắng dựng một tượng đài kỳ vĩ của đời sống, của thời đại trong thơ, mà khắc họa khiêm nhường bước đi của những còn người thánh thiện, trong trẻo, yêu người, từng bước tới cõi thiện. Tập thơ khá dày dặn, nhưng từ đầu đến cuối vẫn giữ được mạch cảm xúc trong vắt, tinh tế. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: “Trong thơ suy nghĩ sâu sắc thì rất khó, nhưng rung động sâu sắc còn khó hơn nhiều!”, thì tập thơ của Trần Kim Hoa đã làm được việc đó!”.
Với giải thưởng Văn xuôi, năm nay cũng đầy bất ngờ khi có hàng ngàn tác phẩm đã xuất bản trong năm, nhưng Hội đồng văn xuôi vẫn không chọn được tác phẩm nào để trình Hội đồng chung khảo. Cuối cùng, Hội đồng chung khảo đã vận dụng quy chế xét giải hàng năm của Hội để giới thiệu tác phẩm “Gánh gánh gồng gồng” - cuốn hồi ký của tác giả Trịnh Xuân Phượng (92 tuổi), chứ không phải là một tiểu thuyết hay tập truyện như mọi năm.
Tác phẩm “Gánh gánh gồng gồng” được đánh giá là “một cống hiến cho văn học Việt Nam, là một tác phẩm gây xúc động sâu sắc, nể phục về nhân cách một con người” khi tác giả đã 92 tuổi. Đồng thời, qua số phận một con người cụ thể là chính tác giả, còn thấy cả một giai đoạn trong lịch sử rạng rỡ mà cũng vô cùng khắc nghiệt, đáng trân trọng và tự hào.
Tất nhiên, giải thưởng chỉ là một thước đo để đánh giá tác phẩm. Còn có những thước đo khác, trong đó sức hấp dẫn bạn đọc của tác phẩm là điều quan trọng. Rất mừng là nhiều tác phẩm được giải lần này cũng đã “ra đời sống” và bước đầu được dư luận quan tâm, độc giả đón đọc. Cũng còn một số tác phẩm mới, hoặc đã xuất bản lâu nhưng chưa được độc giả “kiểm chứng”.
Và thời gian sẽ tiếp tục sàng lọc, định vị lại những tác phẩm văn chương nói chung, tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi nói riêng. Nhưng sau những vụ “mất mùa”, đời sống văn học những tháng cuối năm 2020 cho thấy những tín hiệu về một mùa văn chương có nhiều nét khác, nét mới. Hi vọng điều đó sẽ mở ra những ô cửa mới cho văn học, để văn chương Việt có những tác phẩm xứng tầm hơn nữa…