Hiện tượng La Nina 3 năm liên tiếp hiếm gặp sẽ khiến khu vực Đông Bắc Á trở nên lạnh giá hơn bình thường trong vài tuần sắp tới. Điều này sẽ làm tăng thêm nhu cầu năng lượng toàn cầu và đẩy giá nhiên liệu lên cao.
Giá lạnh bất thường
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Môi trường quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đối mặt với hiện tượng nhiệt dưới mức đóng băng trong vài tuần tới. Trong khi đó, các nước ở châu Âu như Anh và Đức đang chứng kiến các đợt tuyết rơi dày đặc do ảnh hưởng của bão tuyết ở Bắc cực.
Thời tiết khắc nghiệt có thể đẩy giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tăng hơn nữa, khi giá LNG vốn đã tăng kể từ giữa tháng trước sau khi giảm từ mức đỉnh vào cuối tháng 8. Tình trạng tăng giá có thể ảnh hưởng tới các mặt hàng năng lượng khác như than đá, dầu diesel và dầu nhiên liệu - đều có thể được sử dụng để sưởi ấm và phát điện.
Cục Khí tượng Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ đón 2 đợt lạnh khắc nghiệt, trong đó đợt đầu tiên có thể ghi nhận nhiệt độ ở mức âm 36 độ C tại một số thành phố . Đợt lạnh thứ 2 xảy ra trong khoảng 3 ngày trên khắp khu vực miền Trung, Đông và Tây Bắc Trung Quốc, trong khi khu vực miền Nam cũng ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục vào thời điểm giữa tháng 12. Thời tiết khô và lạnh cũng làm giảm lượng mưa.
Nhiệt độ giảm đột ngột khiến nhu cầu điện tăng cao ở tỉnh Quý Châu, miền Nam Trung Quốc, buộc các quan chức giám sát lưới điện phải yêu cầu cắt điện tại một số nhà máy luyện nhôm trong tuần này. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết băng giá, 9 tỉnh của Trung Quốc cũng bị bão cát tàn phá trong tuần này, gây cản trở việc sản xuất điện mặt trời.
Nhà tư vấn Fengkuang Logistics của Trung Quốc cho biết nhu cầu về năng lượng tại nước này có thể vẫn ở mức cao cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1/2023, khi các nhà máy ngừng hoạt động trong dịp lễ. Tuy nhiên, hoạt động ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã bị đình trệ trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Tại Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng nước này (JMA) cho biết, thời tiết đang trở nên lạnh giá hơn ở miền Bắc. Thành phố Asahikawa ở Hokkaido có thể ghi nhận mức nhiệt độ âm 10 độ C vào tuần tới. Theo JMA, có 40% khả năng miền Đông và miền Tây Nhật Bản sẽ ghi nhận nhiệt độ dưới mức thông thường từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023. Nhật Bản đã tích trữ nguồn cung cấp LNG để chuẩn bị cho những tháng mùa đông, với lượng LNG dự trữ của các nhà sản xuất điện cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 5 năm. Chính phủ cũng đang yêu cầu người dân tiết kiệm điện hết mức có thể.
Trong khi đó, Cục Khí tượng Hàn Quốc cũng đưa ra cảnh báo về thời tiết lạnh tại hầu hết các khu vực của Hàn Quốc, bao gồm thủ đô Seoul và Incheon, trong tuần này dự kiến tuyết rơi dày ở tỉnh Chungcheong phía Bắc. Sáng 15/12, Cơ quan Phòng chống thảm họa thiên tai Hàn Quốc đã nâng cấp cảnh báo với tình trạng tuyết rơi dày, đồng thời kích hoạt cảnh báo thảm họa thiên tai tại khu vực miền Trung.
Cục Khí tượng Hàn Quốc dự báo, dù nhiệt độ đang giảm đáng kể, song 50% khả năng nhiệt độ sẽ bình thường trở lại trong hai tháng đầu năm 2023. Hàn Quốc sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân và tối ưu hóa lịch bảo trì, đồng thời mua thêm than và LNG trên thị trường giao ngay để đảm bảo nguồn cung năng lượng.
La Nina là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết trên, thường khiến nhiệt độ tại Bán cầu Bắc xuống thấp hơn thông thường. La Nina gây ra tác động trên diện rộng lên khí hậu Trái Đất, ngược lại với các tác động của chu kỳ nóng lên El Nino.
Hiểu hơn về La Nina
Bản cập nhật mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy nhiệt đới có thể gia tăng trên khắp thế giới do hiện tượng La Nina kéo dài qua 3 mùa đông ở Bắc bán cầu.
Có 70% khả năng La Nina sẽ tồn tại từ tháng 9 đến tháng 11 và khả năng thấp hơn một chút là 55% trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2. Nếu kéo dài như vậy, nó sẽ là một La Nina dài 30 tháng và là một trong những kỷ lục dài nhất. Theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA), hiện tượng La Nina dài nhất được ghi nhận là 37 tháng, từ mùa xuân năm 1973 đến mùa xuân năm 1976.
Trong hiện tượng La Nina, nhiệt độ bề mặt biển trên các đại dương ở Trung tâm và Đông Thái Bình Dương trở nên mát hơn bình thường. Điều này làm cho gió mậu dịch và các cơn bão liên quan thổi phía trên chúng mạnh hơn bình thường. Những cơn bão và gió mậu dịch mạnh này gây ra nhiều mưa hơn ở một số khu vực như Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và nhiều vùng của Australia, nhưng lại làm giảm đáng kể lượng mưa ở các khu vực khác như châu Phi và miền tây Mỹ.
La Nina 3 năm xảy ra vào thời điểm mà tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm trầm trọng thêm ENSO và bản thân hiện tượng này có thể bị ảnh hưởng bởi bầu khí quyển và đại dương ấm lên. Hiện tượng La Nina đặc biệt này đang tạm thời làm chậm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu - nhưng nó sẽ không ngăn cản hoặc đảo ngược xu hướng ấm lên trong thời gian dài.
La Nina bắt đầu vào tháng 9/2020 và được dự đoán sẽ tiếp tục trong 6 tháng tới. Điều này làm gia tăng các đợt hạn hán tàn khốc ở vùng châu Phi, phần phía Nam của Nam Mỹ, đặc biệt là Chile và Mỹ. Đợt La Nina kéo dài lần này - đợt dài đầu tiên trong thế kỷ 2 - cũng có thể dẫn đến một mùa Bão Đại Tây Dương hoạt động quá mức vào năm 2022. Sự tiếp tục của La Nina cũng có thể có nghĩa là một mùa gió Tây Nam kéo dài đối với Ấn Độ và phần còn lại của Nam Á với những đợt mưa đặc biệt và có thể xảy ra lũ lụt.
Bloomberg dẫn lời ông Renny Vandewege - Phó Chủ tịch phụ trách dự báo thời tiết của nhà cung cấp dữ liệu DTN cho biết: “Chúng tôi dự báo nhiệt độ sẽ lạnh hơn bình thường vào mùa đông năm nay trên khắp Đông Bắc Á”. Ông Vandewege cũng khẳng định, dữ liệu dự báo thời tiết là một thành phần quan trọng để dự đoán nhu cầu năng lượng.