Việt Nam được xem là một trong những điểm đến nổi bật với năng lực sản xuất đạt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời cũng là thị trường hấp dẫn để đầu tư bởi rủi ro tương đối thấp. Những điều này đa và đang tạo động lực hút mạnh nguồn vốn FDI.
Khi các ông lớn muốn bắt tay
Việc Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế đã góp phần quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc tìm kiếm, triển khai các dự án của mình. Nhiều nhà đầu tư lớn khi nói về sức hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất giá trị của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đã cho rằng Việt Nam được xem là một trong những điểm đến nổi bật với năng lực sản xuất đạt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang trở thành khu vực trọng điểm đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP… Không những vậy, tại Diễn đàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Việt Nam vừa tổ chức hồi cuối tháng 8 vừa qua, một thông tin nóng đến với chúng ta khi ông Michael Nguyễn - Tổng giám đốc Boeing Việt Nam bày tỏ mong muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu thị trường và trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam, Boeing không chỉ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, mà còn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, nâng cao năng lực ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam lên tiêu chuẩn quốc tế.
Không giấu diếm tham vọng của mình, ông Michael Nguyễn cho biết, Boeing muốn “theo gương” Samsung, Intel trong phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Mỗi chiếc boeing được sản xuất ra trên thế giới, đều có linh kiện từ Việt Nam” - ông Michael Nguyễn nói và đưa ra ví dụ, một vài linh kiện máy bay đã được sản xuất tại Việt Nam, như cánh máy bay, cửa máy bay…
Chưa hết, thông tin khác được được tờ Nikkei Asia đăng tải cũng cho biết, Apple đang trong quá trình đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook – các sản phẩm máy tính, đồng hồ thông minh của Apple tại Việt Nam.
Trong hơn 1 năm qua, thị trường FDI ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng một cách rõ nét của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới... Và ông Dominic Harding - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới của Savills Hoa Kỳ nói rằng: “So với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, làn sóng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháo gỡ rào cản
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh cơ hội lớn, việc thu hút đầu tư FDI đối diện những thách thức như: thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài, tăng thêm chi phí và làm giảm hiệu quả dự án đầu tư; các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao…
Bà Hương Vũ - Tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, những năm qua, việc thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam rất tốt nhưng quá trình thực hiện văn bản pháp quy quá phụ thuộc vào nhà tư vấn. Ví dụ như khái niệm về doanh nghiệp chế xuất, được hưởng chế độ ưu tiên. Trước đây có nhiều điểm hạn chế, nhưng sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 18 với mục tiêu xử lý vướng mắc về hoàn thuế, đầu vào nhưng vẫn có những khúc mắc khác chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: Trong 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tập trung phát huy nội lực, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Giai đoạn sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón một làn sóng đầu tư mới. Thứ nhất, với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn. Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở nên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Đồng thời, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn hiện nay cũng khó khăn hơn nhiều khi mà cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid-19 ngày càng gay gắt, do nguồn cung đầu tư nước ngoài giảm trong khi nhu cầu thu hút FDI phục hồi kinh tế gia tăng. Chưa kể, Việt Nam cũng đã đi qua thời lao động giá rẻ để mà các doanh nghiệp ngoại có thể tận dụng...
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để Việt Nam trở thành điểm dừng chân của các tập đoàn lớn? Theo TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cần thiết phải xây dựng khối doanh nghiệp nội mạnh. Phải kết nối doanh nghiệp nội với các tập đoàn lớn, để doanh nghiệp nội trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2… cho các tập đoàn lớn.
Ông Mạc Quốc Anh cũng chỉ ra nhược điểm của lao động Việt Nam, đó là thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới. Nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn. Vì vậy tính lan toả của các doanh nghiệp FDI trở thành điểm nghẽn trong câu chuyện thu hút FDI bao năm nay.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: “muốn đi nhanh thì đi một mình còn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Ông Tuấn cho rằng, nhà quản lý sẽ tạo mọi điều kiện để môi trường kinh doanh thông thoáng, để Việt Nam trở thành ngôi nhà thứ hai của các nhà đầu tư nước ngoài nên mong rằng nhà đầu tư ngoại cùng các doanh nghiệp nội sẽ đi cùng nhau, đi xa nhất có thể để cùng phát triển thịnh vượng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, muốn có sự kết hợp sâu, rộng, thời gian tới cơ quan quản lý cần hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa. Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG:
Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn
Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi nhận thấy, mặc dù kinh tế khó khăn trong năm 2022 ở một số địa bàn nhất định song mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng lên đối với nền kinh tế Việt Nam, do vậy Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, chúng ta là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nước Bắc Á và Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Trong giai đoạn này nên tập trung chất lượng đầu tư, thân thiện môi trường, đầu tư công nghệ cao và không nhất thiết là nhà đầu tư rất lớn mà có thể là nhà đầu tư châu Á...
Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Chủ động kết nối, chia sẻ cơ hội đầu tư
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đang đưa ra những chính sách hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, do đó tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia. Để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, có công nghệ cao và sức lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, bao gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.
Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
T.Hằng – M.Sang(Ghi)