Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử việc rao bán bộ test Covid-19 diễn ra khá rầm rộ với các loại giá khác nhau, từ 100.000 đồng đến cả triệu đồng/bộ. Các chuyên gia đánh giá, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường chỉ có độ nhạy khoảng 25%...
Diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu được xét nghiệm của người dân sẽ còn gia tăng. Không ít người đã mua bộ test nhanh rao bán trên trên mạng để tự xét nghiệm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân nên thận trọng khi mua test nhanh không rõ nhà sản xuất đang bày bán tràn lan trên mạng.
Đủ kiểu
Do thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi lại của người dân hạn chế, hoặc nhiều người ngại đi mua hàng trực tiếp vì sợ lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, hình thức mua hàng trực tuyến, mua hàng qua các sàn thương mại, trang mạng xã hội khá phổ biến. Việc các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử rao bán bộ test Covid-19 cũng diễn ra khá rầm rộ, như “nấm mọc sau mưa” với giá khác nhau, từ 100.000 đồng đến cả triệu đồng/bộ.
Tài khoản T.P. rao bán bộ test nhanh Covid-19 nhãn hiệu Humasis và Nasocheck với giá 180.000 đồng/bộ. Nếu mua nguyên hộp 25 bộ sẽ giảm giá còn 150.000 đồng/bộ. Theo tài khoản này, hàng hóa có sẵn và giao ngay đối với khách hàng ở quận 7, quận 10, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh (TP HCM). Các quận huyện khác thì giao chung vào buổi chiều. Chủ tài khoản này cho hay: “Mấy ngày nay mặt hàng này tụi tôi bán rất chạy hàng. Một ngày bán mấy trăm bộ. Dùng bộ kit test nhanh này tiện lợi mà giá cả lại mềm. Giờ đến bệnh viện hay phòng khám để sàng lọc vừa mất thời gian vừa dễ lây nhiễm và chưa kể giá test đắt đỏ gấp mấy lần mua bộ thử này”.
Tài khoản L.L. lại khẳng định bộ test nhanh Covid-19 hiệu Humasis Covid-19 Ag Test của Hàn Quốc mà tài khoản đang bán có công chứng xác thực rõ ràng, giấy tờ chứng từ hợp lệ. Trấn an khách hàng, tài khoản này còn khẳng định: “Mình là nhân viên y tế, có bằng cấp, được đào tạo từ trường y nên không bao giờ bán hàng giả, hàng không chất lượng vì lương tâm nghề nghiệp không cho phép. Vì vậy, đây là face book thật, hình thật, hàng thật. Khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm. Trường hợp muốn mua số lượng nhiều sẵn sàng chiết khấu cao”.
Tại một tài khoản khác đăng bán bộ test nhanh Covid-19 của CareStart Covid-19 Antigen của Mỹ và Biosynex Covid-19 Ag BSS của Pháp với giá cao ngất ngưởng, 700.000 – 999.000 đồng/bộ. Chủ tài khoản cho biết, hai sản phẩm được bán là hàng “xịn”, được người thân xách tay về bán nên số lượng không nhiều. “Hàng đúng là đắt thật nhưng chất lượng khỏi phải bàn. Chị phải dùng thử một lần thì biết ngay kết quả như thế nào” - chủ tài khoản nói.
Không riêng các trang mạng xã hội rầm rộ mua bán các bộ kít test nhanh Covid-19, nhiều sàn thương mại điện tử nổi tiếng cũng thi nhau rao bán sản phẩm này. Giá bán sản phẩm dao động từ 200.000 đồng/bộ trở lên. Trường hợp mua với số lượng lớn chủ cửa hàng sẵn sàng giảm giá, tùy từng loại. Điều đặc biệt, tất cả các cửa hàng đều cam kết hàng chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng.
Thận trọng
Các chuyên gia đánh giá, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường chỉ có độ nhạy khoảng 25%. Vì độ chính xác không cao nên khi chúng ta thử ra kết quả âm tính thì lại chủ quan, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi đó kết quả dương tính thì vô cùng nguy hiểm khi nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, kết quả test nhanh chỉ có giá trị tham khảo. Thực tế, test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (sốt, ho), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn. Như vậy, người mắc Covid-19 (nếu có) từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả sẽ chính xác hơn. Bên cạnh đó, chỉ xét nghiệm khi cần thiết, có triệu chứng hoặc tiếp xúc với những người có nguy cơ. Việc thực hiện xét nghiệm tràn lan sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của người dùng, cũng như tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế.
“Hiện ngành y tế đã công bố các test nhanh được cấp phép; đồng thời, ngành y tế đã nhắc nhở các nhà thuốc không có chức năng kinh doanh về trang thiết bị nếu muốn bán test nhanh phải có đăng ký. Dược sĩ phụ trách chuyên môn nhà thuốc có trách nhiệm tư vấn người mua sử dụng đúng mục đích của nhà sản xuất ghi và hướng dẫn người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp chuyên môn kịp thời khi có kết quả nghi ngờ mắc Covid-19” - ông Nam thông tin.
Mới đây, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, thành phố đã có chủ trương cho người dân sử dụng test nhanh tại nhà để tự kiểm tra nguy cơ mắc Covid-19. Test nhanh dùng để chẩn đoán mắc Covid-19 có 2 loại: test nhanh kháng thể (thường lấy mẫu bệnh phẩm là máu) và test nhanh kháng nguyên (dịch tỵ hầu). Tuy nhiên, độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu và cách thực hiện, tất nhiên là cũng có sai số nhất định so với thể trạng của từng người. Vì thế, người thực hiện cần thực hiện kỹ theo hướng dẫn.
“Test nhanh được xếp vào nhóm trang thiết bị y tế, có tại tiệm bán trang thiết bị y tế, hoặc các nhà thuốc có bán trang thiết bị y tế. Hiện nay, có nhiều loại test nhanh được rao bán trên mạng. Người dân nên thận trọng khi mua test nhanh trên mạng. Chỉ nên mua các loại test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành và mua tại cửa hàng bán trang thiết bị y tế, các nhà thuốc” - Phó Chủ tịch UBND TP HCM khuyến cáo.
Còn theo Bộ Công thương, qua thu thập thông tin từ hoạt động quảng cáo, các bộ test cho kết quả rất nhanh. Việc lấy mẫu cũng được người quảng cáo nói cực kỳ dễ dàng thực hiện... Tuy nhiên, các bộ test nhanh chủ yếu là hàng trôi nổi, hoặc hàng xách tay không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành ở Việt Nam.
Theo ông Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, thực tế đã có nhiều trường hợp người dân tự mua các bộ test nhanh Covid-19 về sử dụng, khi có kết quả “2 vạch” (dương tính) thì vô cùng lo âu. Test nhanh là một xét nghiệm tầm soát chứ chưa phải là xét nghiệm khẳng định, khi test nhanh có kết quả dương tính nghĩa là có khả năng người đó đã mắc Covid-19. Tuy nhiên không phải là chắc chắn hoàn toàn, song song đó, vẫn có khả năng test nhanh đang cho kết quả dương tính giả.