Trước sự tăng trở lại của lãi suất, nhiều doanh nghiệp cũng như người đi vay lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Lãi suất huy động tăng trở lại
Những ngày gần đây, một số ngân hàng đã thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo xu hướng tăng. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB) đã công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 11/4 với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 2,6%/năm. Đây cũng là kỳ hạn duy nhất được VIB điều chỉnh lần này.
Tại các kỳ hạn khác, biểu lãi suất lần này được giữ nguyên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 2 tháng 2,6%/năm, 3-5 tháng 2,8%/năm, 6-11 tháng 4%/năm, 15-18 tháng 4,8%/năm và 24-36 tháng 5%/năm.
VIB cũng thông báo, mức lãi suất sẽ được cộng thêm 0,3%/năm cho khách hàng Diamond/Sapphire payroll và 0,2%/năm cho khách hàng iBusiness/Sapphire gửi kỳ hạn 02-11 tháng. Đồng thời, cộng thêm lãi suất 0,3%/năm cho khách hàng mới gửi tiền trong tháng đầu tiên giao dịch tại VIB với kỳ hạn 02-11 tháng.
Trước đó, có một số ngân hàng cũng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 4. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ ngày 10/4, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12-18 tháng tăng khoảng 0,2-0,3 điểm %, lên mức 4,7-4,8%/năm tùy số tiền gửi.
Lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 36 tháng tăng khoảng 0,2-0,3 điểm %, lên mức 5,1-5,2%/năm.
Đáng nói, đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động thứ hai của VPBank trong vòng nửa tháng qua. Trước đó, từ ngày 27/3, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại nhà băng này cũng đã tăng nhẹ 0,1 điểm %, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 - 36 tháng đồng loạt tăng 0,2 điểm %.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) cũng đã tăng thêm 0,2 điểm % lãi suất cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng từ ngày 10/4.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đang áp dụng cho kỳ hạn 18 - 36 tháng với mức 5,5%; kỳ hạn 15 tháng, lãi suất là 5,2%; các kỳ hạn 12 – 13 tháng lần lượt là 5,1% và 5,0%; các kỳ hạn từ 1-3 tháng, lãi suất giữ ở mức 3,0%; 6 tháng 4,4%/năm và 9 tháng là 4,8%/năm.
Trong khi Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng lãi suất huy động 0,1 - 0,2 điểm % tại kỳ hạn 4 và 5 tháng, nhưng điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng với mức giảm 0,1 điểm %.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank), từ ngày 9/4, gửi tiền trực tuyến cũng được điều chỉnh tăng lãi suất cho kỳ hạn 6 - 9 tháng thêm 0,2 điểm % lên 4,1%/năm.
Còn tuần trước, một số ngân hàng khác như MSB, HDBank cũng đã tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm. Trong tháng 3, cũng đã một số ngân hàng nhúc nhích tăng nhẹ, như Eximbank, SHB và Saigonbank. Dù vậy, ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, như: Vietcombank, Techcombank, ABBank, Dong A Bank, Viet A Bank, Nam A Bank, PGBank, SCB…
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ quý II/2024.
Trong khi đó, Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện.
Doanh nghiệp lo lãi suất vay cao
Khi lãi suất huy động tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp (DN), người đi vay bày tỏ lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ biến động tăng. Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh giá vàng liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới, rất có thể nhiều người dân thấy lãi suất tiết kiệm thấp sẽ rút khỏi ngân hàng và chạy sang đầu tư vàng. Chưa kể chính ngân hàng cũng cơ cấu lại nguồn vốn để nhằm đón xu hướng tăng tín dụng trong thời gian tới.
Một nguyên nhân khác, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), ngân hàng tăng lãi suất huy động VND nhằm tránh việc người dân rút tiền đồng đầu cơ USD trong bối cảnh tỷ giá VND/USD tăng thời gian qua.
Ông Thịnh phân tích, lãi suất huy động tăng trong thời gian qua chưa hoàn toàn trở thành xu hướng nhưng sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay. Lý do là bởi thông thường lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng. Hiện lãi suất cho vay vẫn tương đối ổn định. Nhưng không loại trừ khả năng lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới.
Trong khi đó doanh nghiệp vẫn chưa thoát khó khăn. Nói như ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, bức tranh hoạt động sản xuất và kinh doanh của cộng đồng DN hiện vẫn chưa được cải thiện rõ. Thống kê khảo sát riêng các DN ở Hà Nội cho thấy, có tới 52% DN đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất, 32% DN khó tiếp cận vốn và 9% DN lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế.