Một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để thu hút dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp cũng như của người dân. Trong khi đó, giá vàng sụt giảm, còn chứng khoán biến động khôn lường.
Tiết kiệm ngân hàng lấy lại chỗ đứng
Trong nửa đầu tháng 3, nhiều ngân hàng đã sử dụng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm thành công cụ hấp dẫn. Ngoài các kỳ hạn dưới 6 tháng đang áp dụng mức trần theo quy định là 4%/năm thì lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng đã lên đến 7,4%/năm. Đặc biệt, các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động tiền gửi online cao hơn so với tiền gửi tại quầy, càng khiến việc gửi tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn.
Chẳng hạn, với kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng Bắc Á (BacABank) đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi là 6%; CBBank là 6,25%; GPBank lên đến 6,5%. Với các kỳ hạn dài hơn 12 - 36 tháng, thì ngân hàng đứng đầu trong danh sách có lãi suất tiền gửi cao nhất là SCB với 7%; thứ hai là Bắc Á, với 6,8%. Ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiền gửi online cao nhất là Nam Á Bank với mức 7,4%; tiếp theo là SCB (7,35%)…
Trong 2 năm 2020, 2021, thị trường tài chính chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền. Một lượng tiền chạy khỏi kênh ngân hàng để đổ vào bất động sản và chứng khoán. Năm 2022, dường như ngành ngân hàng quyết thay đổi chiến thuật để lật ngược thế cờ. Số liệu thống kê từ Ngân hàng nhà nước cho biết, tính đến 25/2/2022, tốc độ huy động vốn tăng trưởng đạt 1,3% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 11% so với cùng kỳ). Nhìn chung, tăng trưởng huy động vốn đã cải thiện so với giai đoạn nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa hồi phục về mức tăng trưởng trước dịch.
“Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong thời điểm giá vàng biến động khủng khiếp như vừa rồi, cũng có người chớp được thời cơ thì sẽ hiện thực hóa được lợi nhuận, tức là không tham, cắt lời ngay khi đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu như đa số nhà đầu tư đều bỏ lỡ cơ hội do mọi người đều kỳ vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa. Đến khi giá đảo chiều thì trở tay không kịp. Thực sự, sau khi tăng khủng khiếp, giá vàng đã “quay xe”. Cú quay xe này đã khiến nhiều người “ngã ngựa” vì mua vàng lúc đỉnh với kỳ vọng giá lên”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, dù lạm phát là ẩn số của năm 2022 nhưng các chính sách tài chính, tiền tệ thì Chính phủ sẽ không để chỉ số này tăng cao hơn 5%.
Hay tỷ giá USD/VND cũng không thể biến động cao hơn 6%/năm. Vì vậy, gửi tiết kiệm là kênh dù thụ động nhưng bảo toàn vốn cho người dân và lãi suất vẫn thực dương khi so sánh với các chỉ số lạm phát, giá vàng hay tỷ giá ngoại tệ.
Trên thực tế so với mức lãi suất huy động cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng từ 0,2% cho các kỳ hạn. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao để bù lạm phát.
Nên đầu tư vào đâu?
Đây là câu hỏi được các nhà đầu tư hết sức quan tâm thời điểm này.
Điểm qua các kênh đầu tư cho thấy, giá vàng trên thế giới đã tăng 10% từ đầu năm đến nay. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng vật chất đang ở mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Tuy vậy, ở Việt Nam, giá vàng chênh lệch quá lớn so với giá thế giới, khiến nhà đầu tư vàng lỗ nặng trong giai đoạn vừa qua. Việc thiếu liên thông với thị trường thế giới khiến vàng trở thành kênh đầu tư rủi ro, không được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.
Ngày 22/3, giá vàng về mức 68,87 triệu đồng/ lượng sau khi lập đỉnh cao 74 triệu đồng/ lượng vào ngày 8/3 vừa qua. Dù giảm, song giá vàng trong nước tiếp tục cao hơn giá vàng thế giới tới 15 triệu đồng/ lượng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thời điểm này đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng. Còn với kênh đầu tư chứng khoán, thị trường chứng khoán đã đi ngang ở mốc 1.500 điểm suốt gần 5 tháng qua và biến động mạnh.
Gần đây, một số ngành như dầu, than, phân đạm, cảng biển, hóa chất… bùng nổ trong khi nhiều ngành khác đã giảm rất sâu. Thị trường chứng khoán được đánh giá là kênh đầu tư “khó xơi”. Vì vậy, theo nhìn nhận chung nếu muốn an toàn và có hiệu quả nhất định, kênh gửi tiết kiệm có thể là lựa chọn cần cân nhắc.
Cũng cho rằng gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và có hiệu quả nhất định, trong một sự kiện mới đây, khi được hỏi sẽ làm gì với 1 tỷ đồng tiền mặt? Ông Phạm Vũ Thăng Long - Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô, Công ty cổ phần chứng khoán HSC cho biết: Nếu có 1 tỷ đồng mình sẽ vẫn gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Tuy nhiên, sẽ phân bổ tỷ lệ 50 - 50, trong đó 50% gửi ngân hàng và 50% đầu tư chứng khoán.
Cũng theo ông Long, mặc dù chọn gửi tiết kiệm nhưng nếu người dân gửi tiết kiệm quá nhiều sẽ có thể ảnh hưởng đến sức mua, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.