Đầu tư vào chứng khoán, mua vàng, hay gửi tiền tiết kiệm lấy lãi hàng tháng... là những câu hỏi được nhiều người đặt ra, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang kéo dài; trong lúc sản xuất kinh doanh suy giảm, doanh nghiệp cũng như người lao động gặp nhiều khó khăn.
Lựa chọn lĩnh vực đầu tư trong dịch Covid-19 là việc khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.
Vàng: Không nên “đu” giá
Cuối ngày 20/4, các nhà vàng niêm yết giá vàng SJC quanh vùng 48 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội giá vàng ở mức 47,50 triệu đồng/lượng mua vào - 48,27 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC, niêm yết ở mức 47,50 triệu đồng/lượng mua vào - 48,25 triệu đồng/lượng bán ra.
Như vậy, dù giá vàng đang có xu hướng chững lại nhưng về dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng vẫn tăng.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, hơn 10 năm qua, trong khi thị trường chứng khoán đã có chu kỳ tăng giá liên tục và bắt đầu bước sang chu kỳ giảm, thì vàng đã bắt đầu giảm liên tục từ năm 2011 và mới vào chu kỳ tăng giá chưa lâu.
Nhiều dự báo lạc quan về giá vàng được đưa ra. Chẳng hạn Quỹ đầu tư WingCapital Investments (Mỹ) dự báo, vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce. Một số chuyên gia khác còn cho rằng, giá vàng có thể lên tới gần 4.000 USD/ounce.
Hiện các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương các quốc gia đang tăng cường nắm giữ vàng. Xu hướng này bắt đầu hình thành từ năm 2016, tăng mạnh trong năm 2018 - 2019. Riêng năm 2019, các ngân hàng trung ương đã mua vào 700 tấn vàng - mức cao nhất trong vòng 60 năm qua. Theo Hội đồng Vàng thế giới, các quỹ đầu tư, đặc biệt các Quỹ ETF, đang nắm giữ lượng vàng cao nhất lịch sử, lên tới 30.000 tấn.
Vậy có nên đầu tư vào vàng?
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh nhận định, bắt đáy hay lướt vàng là vô cùng rủi ro, nhất là lướt sóng ngắn hạn. Nhà đầu tư không nên “đu” giá khi vàng đang trong chiều hướng đi lên, mà chỉ nên mua tích lũy khi giá vàng đang có xu hướng giảm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chỉ mua khi chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế và chênh lệch giá mua - giá bán không quá lớn.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận định, giá vàng có thể tiếp tục đi lên, song nhà đầu tư nếu mua vàng ở những thời điểm cao hơn giá thế giới là rủi ro.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư có thể tham gia thị trường vàng trong thời điểm dịch này nhưng phải tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ - chốt lời nghiêm ngặt.
Trong dịch Covid-19, nhiều người băn khoăn chọn kênh đầu tư. Ảnh: Quang Vinh.
Bất động sản: “Chọn mặt gửi tiền”
Không giảm nhưng cũng chẳng tăng, giá bất động sản (BĐS) thời Covid-19 được cho là đang đi ngang. Cả người mua lẫn người bán chơi dài trong thời kỳ này dù thị trường địa ốc tìm mọi cách để chống đỡ. Để bán được hàng, một số chủ đầu tư đã áp dụng nhiều hình thức như đặt chỗ trực tuyến, trao đổi qua email và ứng dụng liên lạc hiện đại để phát triển kênh bán hàng. Song nhìn chung, thị trường nhà đất khó có thể sôi động.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp- Chủ tịch HĐQT GP.Invest, các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó trong vấn đề thủ tục triển khai dự án. Hiện, DN lĩnh vực BĐS đang bị chi phối bởi 10 bộ luật như: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư... Nguồn cung trên thị trường BĐS trong quý 1 năm 2020 cũng hạn hẹp là nguyên nhân khiến cho giá BĐS không thể giảm.
Chị Nguyễn Lan Anh ( Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết, đã có nhu cầu mua nhà để ở hơn 1 năm nay. Tìm hiểu các dự án, dự án cao cấp khu trung tâm thì không mơ tới, mơ các dự án tầm trung nhưng giá cũng xấp xỉ từ 26 – 30 triệu đồng/m2. Mức giá này không thể gọi là thấp được.
Phần lớn ý kiến đều cho rằng, không nên kỳ vọng vì dịch bệnh mà giá nhà đất giảm. Kênh đầu tư nhà đất là kênh đầu tư kén chọn nhất vì phải có nhiều vốn. Lời khuyên dành cho các nhà đầu tư là lựa chọn những dự án có tính pháp lý cao, lựa chọn chủ đầu tư uy tín để “chọn mặt gửi tiền”.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT phân tích, hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội nên nhiều người có nhu cầu mua nhà không thể đi ra ngoài để giao dịch. Ngoài ra, nhiều dự án có dự định mở bán trong quý I/2020 nhưng do dịch bệnh phải hoãn lại.
Vậy khi dịch bệnh được khống chế thì sao? Bà Nguyễn Hoài An- Giám đốc CBRE Việt Nam Chi nhánh Hà Nội dự báo, tình hình thị trường Hà Nội trong quý II sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát nhanh đến đâu. Cho đến thời điểm đó, khả năng đứng vững của thị trường sẽ được kiểm chứng khi các chủ đầu tư và khách hàng đều đang ở trạng thái chờ đợi. Nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào quý II, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 27.000 - 28.000 căn hộ chào bán mới trong năm 2020.
Còn JLL (tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ) đánh giá, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, phân khúc chung cư tại TPHCM sẽ có khoảng 20.000-30.000 căn dự kiến sẽ được mở bán trong năm 2020; nhà liền thổ tại TPHCM cũng sẽ có khoảng 1.200-2.000 căn dự kiến sẽ được mở bán.
Bà Dương Thuỳ Dung- Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam (đơn vị môi giới và tư vấn đầu tư BĐS) cho rằng, về bản chất nguồn cung trên thị trường vẫn rất khan hiếm, nguồn cầu vẫn cao. Một khi dịch bệnh đi qua, cung cầu gặp nhau, thị trường sẽ phục hồi nhanh, đặc biệt ở những phân khúc sử dụng ngay như căn hộ chung cư.
Gửi tiết kiệm: Vẫn là kênh sinh lợi an toàn
Chị Thu Dung - một nhà đầu tư cho biết, trước đây tiền nhàn rỗi thường được chị đầu tư vào chứng khoán, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường luôn chìm ngập trong sắc đỏ, chị đã quyết định rút tiền về gửi ngân hàng cho an toàn. “Sau Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán bắt đầu sụt giảm, tôi chấp nhận lỗ gần 200 triệu đồng, bán hết cổ phiếu và rút tiền về gửi vào ngân hàng. Nếu vẫn giữ cổ phiếu đến bây giờ, số tiền thiệt hại có thể lên đến gấp 3 lần”- chị Dung cho hay.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư thông dụng nhất tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, kênh này lại càng được ưu tiên nhất.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, BĐS vào thời điểm hiện tại khá nhạy cảm với dịch Covid-19 nên có những biến động khó dự báo. Đối với những người có tâm lý lo ngại, muốn bảo toàn vốn thì việc gửi tiết kiệm ngân hàng là một kênh tốt nhất.
Việc gửi tiền vào ngân hàng cũng mang tính linh động vì nhà đầu tư có thể nhanh chóng rút ra để chuyển sang các kênh khác khi có cơ hội.