Thời gian gần đây, chi phí đầu vào của ngân hàng đã hạ nhiệt. Tới nay đã có một số tín hiệu tích cực từ lãi suất.
Chi phí đầu vào đã được các ngân hàng dần tiết giảm, nhất là sau cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với doanh nghiệp (DN) bất động sản khi 4 ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước cam kết đưa lãi suất tiền gửi về mức cao nhất 8,7%/năm, khối ngân hàng cổ phần tư nhân cũng từng bước giảm lãi suất tiết kiệm.
Một số ngân hàng như PVcombank, LienvietPostbank có mức huy động thấp hơn. Với LienVietPostBank (LPB) điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng, giảm xuống 9,2%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm xuống 9,1%. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) lớn như Techcombank, Sacombank, SHB… hiện lãi suất huy động đã giảm xuống dưới 9%/năm.
Đối với 4 ngân hàng TMCP Nhà nước, lãi suất niêm yết cao nhất đối với tiền gửi tại quầy ở mức 7,4%/năm và với hình thức gửi tiền online là trên dưới 8%/năm.
Cùng với lãi suất huy động hạ nhiệt, lãi suất cho vay cũng đã giảm độ nóng. Nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Tại LienVietPostBank, sau khi hạ lãi suất huy động, nhà băng này cũng đang triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ DN xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. BIDV cũng vừa công bố gói tín dụng 130.000 tỷ đồng dành cho cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà, mua xe ô tô, tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong cuộc kết nối ngân hàng và DN diễn ra tại TPHCM vào ngày cuối tháng 2 vừa qua, có 16 ngân hàng thương mại tại TPHCM đã ký cam kết cho 64 DN vay 11.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung, dài hạn 10%/năm.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023 Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) ban hành dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ chỉ đạt 13%, thấp hơn so với mức tăng 14,5% của năm 2022 (và thấp hơn mục tiêu 14 – 15% do NHNN đặt ra.
Nguyên nhân, theo các chuyên gia là do lãi suất cho vay ở mức cao làm giảm nhu cầu đi vay của các khách hàng. Ngoài ra tính khả thi của các dự án đầu tư mở rộng sản xuất của các DN giảm xuống trong môi trường lãi suất cao. Quan trọng nhất là các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế gia tăng.
"Chúng tôi cho rằng NHNN sẽ không cần phải quản lý quá chặt chẽ hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023 và tình trạng "hết room" tín dụng như trong năm 2022 sẽ ít có khả năng xảy ra" - ACBS dự báo.
Về phía NHNN, ông Trần Anh Quý - Trưởng Phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng cho hay, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/2023/NQ-CP, ngành ngân hàng đã lập tức ban hành Chỉ thị 01 ngày 17/1/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Dù lãi suất hạ nhiệt, nhưng cộng đồng DN vẫn than rất khó tiếp cận được vốn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho biết, từ quý IV/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng DN có doanh thu tăng chỉ khoảng 22% so với tỷ lệ 26% của quý trước đó.
Hiện có một số ngành đang gặp khó khăn. Đứng đầu là ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng. Thực tế cho thấy, chỉ có 10% DN còn 50% đơn hàng, có 50% DN còn 30-40% đơn hàng, còn lại là “đói” đơn hàng. Trong bối cảnh này, các DN cho biết đang rất "khát" vốn, không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của DN.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng, lãi suất tăng cao đang "bào mòn" lợi nhuận của các DN trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất thời gian qua.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM cho biết, nhiều DN trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy % và trong hội có DN "đang phải khóc vì lãi suất cao". Có DN khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất thì biên độ cộng thêm tới 4,8%/năm khiến lãi suất cho vay sau điều chỉnh tăng cao. Do đó, các DN kiến nghị Nhà nước có chính sách để sớm hạ nhiệt lãi suất.
Trên thị trường, trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi thêm 0,3-1%/năm, đưa mặt bằng lãi suất huy động giảm 1- 2%/năm so với cuối năm ngoái, hiện dao động trong khoảng 8,7-9%/năm. Theo khảo sát, hiện mức lãi suất huy động cao nhất là 9,5%/năm chỉ còn áp dụng ở kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng như: SCB, BaoVietBank, KienLongBank...