Những năm gần đây hiện tượng các đối tác nước ngoài kiện đòi phía Việt Nam bồi thường hợp đồng ngày càng thường xuyên. Điều đáng tiếc là phía Việt Nam thường thua kiện. Tình trạng này phổ biến tới mức khiến các chuyên gia phải cảnh báo rằng nếu vẫn giữ cung cách làm ăn và tư duy pháp luật như bấy lâu nay thì việc các đối tác Việt Nam thua kiện trước các tranh chấp thương mại quốc tế sẽ trở thành chuyện đương nhiên.
Ảnh minh họa.
Mới đây dư luận râm ran chuyện các nhà thầu xây dựng tuyến metro số 1 liên quan tới dự án xây dựng đường sắt đô thị TP HCM đã có yêu cầu đòi chủ đầu tư bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng so với cam kết trong hợp đồng, với số tiền lên đến 2,5 tỷ đồng/ngày.
Cụ thể là, trong phạm vi dự án (DA) có khoảng 1.000 hộ dân, đơn vị bị giải tỏa, thuộc gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và depot (từ cầu Sài Gòn đến Suối Tiên) khởi công cuối tháng 8/2012. Theo hợp đồng, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ mặt bằng của gói thầu này cho nhà thầu liên danh Sumitomo - Cienco 6 vào tháng 1/2013. Tuy nhiên, đến tháng 3/2015, các địa phương có tuyến metro số 1 đi qua gồm TP HCM và Bình Dương mới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Căn cứ hợp đồng, với thời gian chậm bàn giao 27 tháng, số tiền phải bồi thường có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng/ngày (tương đương 100.000 USD), các nhà thầu còn yêu cầu chủ đầu tư trả các chi phí khác phát sinh ngoài hợp đồng, nâng tổng số tiền lên khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày. Đầu năm 2015, nhà thầu có đơn gửi đến chủ đầu tư khiếu nại về vấn đề này.
Trước đó vài tháng, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao đã đưa ra giải quyết vụ Công ty Ecom Agroindustrial Corp. Ltd (Thụy Sỹ) đề nghị thi hành phán quyết của Trọng tài Quốc tế với Công ty dệt 19-5 Hà Nội (Hatexco). Mặc dù Hội đồng xét đơn đã tạm hoãn phiên họp để làm rõ, bổ sung chứng cứ và mở lại phiên họp sau, nhưng theo ghi nhận tại phiên tòa xét đơn thì nhiều khả năng thua thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
Hồi năm ngoái, một vụ việc gây xôn xao dư luận là vụ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thua kiện và phải bồi thường 65 tỷ đồng cho nhà thầu Hàn Quốc là Công ty SKonstruction (SKE&C) - nhà thầu thi công gói thầu bến cảng thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Chính Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra phán quyết buộc Vinalines phải trả hơn 65 tỷ đồng cho nhà thầu Hàn Quốc.
Không đồng ý phán quyết này, Vinalines đã gửi đơn lên TAND thành phố Hà Nội kiến nghị hủy phán quyết của VIAC. Tuy nhiên lý lẽ của Vinalines đã bị Tòa án bác bỏ vì Vinalines không đưa ra được chứng cứ để chứng minh. Do đó TAND thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên phán quyết của VIAC, buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc 65 tỷ đồng.
Vụ yêu cầu đòi bồi thường của nhà thầu thi công tuyến metro số 1 tại DA đường sắt đô thị TP HCM dù chưa đưa ra tới giai đoạn tranh chấp trước tòa, song cũng đang khiến phía chủ đầu tư là các cơ quan chức năng của TP HCM lúng túng. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nguyên Trưởng ban Quản lý ĐSĐT TP, ngay khi nhận được đơn khiếu nại của nhà thầu, chủ đầu tư đã lập tổ công tác định kỳ làm việc với đơn vị tư vấn và nhà thầu để giải tỏa các khúc mắc, đến nay vẫn chưa chốt vấn đề.
Câu chuyện đòi bồi thường của các đối tác nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến và phần thua cuộc lại thường nghiêng về phía Việt Nam quả thật đang là một tiếng chuông cảnh báo rất đáng quan ngại trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta. Đó không chỉ là hệ lụy của thói quen sính thành tích, bệnh hình thức, bất chấp thực tế trong các giao kết thương mại từng một thời được dân gian chỉ trích là “các hợp đồng ký trên bàn nhậu”.
Đó cũng không chỉ là hệ lụy của kiểu tư duy nhiệm kỳ, khởi công, động thổ cho kịp lập thành tích cho các ngày kỷ niệm, bất kể quy trình kỹ thuật cũng như năng lực thực tiễn. Hiện tượng liên tục bị đòi bồi thường hợp đồng từ phía đối tác nước ngoài mà phần thua thường thuộc về phía Việt Nam còn cho thấy một lỗ hổng pháp lý trong đàm phán thương mại quốc tế hết sức đáng lo ngại.
Chuyên gia luật học Phạm Hồng Hải, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội từng cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khá “bầy hầy”, làm ăn chụp giật, không tôn trọng pháp luật.
“Ở trong nước thì các doanh nghiệp dễ xuê xoa, có tranh chấp thì ngồi uống với nhau vài trận rượu là giải quyết xong. Đem cung cách đó ra làm ăn với thế giới, xảy ra tranh chấp, cái lý mình kém, thì thua kiện là đương nhiên” - ông Hải nói.
Ở một góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong câu chuyện đòi bồi thường của nhà thầu tuyến metro số 1, TP HCM cần rút kinh nghiệm cho các DA sau. Đó là các đơn vị được giao trách nhiệm cần phải có sự quan tâm sâu sắc về luật pháp. Đơn vị quản lý DA khi thương thảo hợp đồng cần thuê công ty luật, thậm chí công ty luật quốc tế nhằm chuẩn bị mọi tình huống để tránh bị phạt nặng.
Riêng trong câu chuyện đòi bồi thường của các nhà thầu tuyến metro số 1 TP HCM còn có sự tắc trách đến “phiêu lưu” của phía chủ đầu tư. Khi mà DA có một đoạn nằm trên đất tỉnh Bình Dương, khiến việc giải phóng mặt bằng cho thi công chỉ riêng TP HCM tự quyết định là rất khó khả thi. Muốn giải quyết việc này trong tương lai cần phải sửa Luật Đất đai.
Một bất cập nữa là sơ hở trong Luật Xây dựng, khi luật này cho phép khởi công dự án trong điều kiện chưa hoàn tất khâu giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công với nhà thầu nhưng chủ đầu tư lại không có thẩm quyền quyết định tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi ở các nước, luật pháp quy định DA chỉ khởi công khi mặt bằng đã được giải tỏa xong.