Kinh tế

Thương mại điện tử: Cần lấp lỗ hổng pháp lý

PHƯƠNG HÀ 03/11/2024 10:24

Sau gần 1 tháng “đổ bộ” làm mưa làm gió tạo nên cơn sốt Temu trên các nền tảng mạng xã hội Việt Nam, đặc biệt là trên Facebook. Bên cạnh đó, với trải nghiệm của một lượng không nhỏ khách hàng tiên phong thì những mặt trái của các sản phẩm trên sàn này đã bắt đầu lộ diện.

1(2).jpg
Mặt trái của các sản phẩm trên sàn này đã bắt đầu lộ diện.

Chất lượng sản phẩm giá rẻ thế nào?

Những phản hồi về sản phẩm trên sàn Temu giá rẻ đi kèm kém chất lượng, hàng ship tới thời gian không đúng như quảng cáo hay những khó khăn trong việc được nhận hoa hồng khi quảng cáo liên kết cho sàn này đã bắt đầu xuất hiện sau một thời gian rất ngắn khách hàng chính thức trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên Temu.

Qua khảo sát các gian hàng trên nền tảng Temu, hầu hết các sản phẩm đều đa phần là dạng no-brand (không thương hiệu), giá trị thấp, chưa được kiểm chứng chất lượng.

Chị Vân Anh (Hà Đông - Hà Nội) phàn nàn ngay sau khi trải nghiệm mua hàng trên Temu: Tôi biết Temu là sàn có người dùng nhiều nhất Trung Quốc, vượt cả Taobao. Thậm chí có thông tin nó cũng vượt cả Alibaba. Tức là, đã chiếm được vị trí ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ở góc độ là người tiêu dùng Việt Nam lúc đầu tôi cũng bị ngợp vì giá cả và phương thức giao hàng của Temu và lo ngại nó sẽ nhành chóng chiếm lĩnh thị phần của các nền tảng khác như Shopee, Lazada...vốn đã quen thuộc trên thị trường. Nhưng sự thật không phải dễ dàng như vậy.

“Sản phẩm tôi đặt mua là bộ 30 đôi bông tai nhiều kiểu với giá 93.400 đồng sau khi đã được giảm 76% trên mức giá ban đầu là 220.000 đồng, khi nhận về hầu như không sử dụng được do chất lượng dưới mức trung bình”, chị Vân Anh cho biết.

Bên cạnh đó, việc Temu chỉ đáp ứng thanh toán qua thẻ tín dụng hay Apple Pay sẽ khiến họ sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh thói quen thanh toán khi nhận hàng (COD) ở Việt Nam và chính sách “xem hàng và được đổi trả”.

Thái độ của các quốc gia trước làn sóng hàng giá rẻ của sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia

Thực tế, trước cơn lốc hàng giá rẻ của Temu, nhiều nước khá thận trọng. Ngay tại Đông Nam Á, một tháng sau khi đặt chân vào Thái Lan, Temu đối diện chính sách mới. Theo đó, từ tháng 7, nước này áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (42 USD), hiệu lực đến cuối tháng 12. Năm tới, luật mới sẽ cho phép cơ quan thuế tiếp tục thu thuế VAT đối với những sản phẩm đó. Trước đây, các kiện hàng dưới ngưỡng này được miễn thuế.

Các nước châu Âu cũng tìm cách siết hoạt động của Temu trước nỗi lo hàng giá rẻ và kém chất lượng. Tại Đức, vào tháng 9, Hiệp hội bán lẻ (HDE) đã vận động chính phủ "đảm bảo cạnh tranh công bằng cho tất cả thành phần trên thị trường". Họ cho rằng cơ quan hải quan thiếu năng lực để kiểm tra xem các sản phẩm có tuân thủ quy định của Liên minh châu Âu (EU) hay không. Nhiều ý kiến ở Đức kêu gọi mở rộng mạnh mẽ các hoạt động kiểm soát hải quan và xóa bỏ giới hạn miễn thuế 150 euro. Họ cho rằng các quy định hải quan hiện hành giúp Temu, Shein bán hàng với giá thấp hơn đối thủ và tránh được việc kiểm tra hải quan.

Tại Mỹ, Temu cũng đối mặt với khả năng thay đổi quy định về “de minimis”, khi đang cho phép miễn thuế và kiểm tra với các kiện hàng nhập khẩu giá trị dưới 800 USD. Theo đó, quy định đã tạo ra lỗ hổng, làm thiệt hại cho công nhân, nhà bán lẻ và nhà sản xuất Mỹ, gây khó khăn hơn cho giới chức trong việc kiểm soát hàng bên trong là hợp pháp và tuân thủ các quy định về sức khỏe, an toàn, sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Ngày 31/10, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động cuộc điều tra đối với nền tảng thương mại điện tử Temu vì nghi ngờ nền tảng này chưa hành động đủ để ngăn chặn các hoạt động bán sản phẩm bất hợp pháp.

Trong thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét các hệ thống quản lý bán hàng của Temu và cách thức đề xuất sản phẩm cho người tiêu dùng cũng như liệu nền tảng này có tuân thủ nghĩa vụ cung cấp cho các nhà nghiên cứu thị trường quyền truy cập vào dữ liệu công khai của Temu hay không. Các nhà điều tra cũng sẽ xem xét những rủi ro tiềm ẩn từ thiết kế của nền tảng có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người dùng hay không.

Cuộc điều tra được tiến hành theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động của các nền tảng trực tuyến của các công ty công nghệ quy mô lớn trên thế giới, qua đó đem lại không gian lành mạnh cho người dùng.

Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EC, bà Margrethe Vestager khẳng định mục tiêu của cuộc điều tra là đảm bảo Temu tuân thủ các tiêu chuẩn của EU và không gây hại cho người tiêu dùng. Cũng như EU muốn tìm hiểu cơ chế hoạt động của nền tảng Temu để hạn chế việc bán các sản phẩm bất hợp pháp.

temu.jpg
Chị Vân (Hà Đông) đặt đơn hàng 30 đôi bông tai khi nhận về hầu như không sử dụng được do chất lượng dưới mức trung bình.

Quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là thách thức

Ngày 31/10, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương, các đơn vị thuộc Cục đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động cũng như các giải pháp đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.

"Bộ đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu", đại diện Cục cho biết.

Ngay trong tháng 11 này, Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước đánh giá tác động với thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Vụ Khoa học và Công nghệ phải xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn với các mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp nâng chất lượng sản phẩm, thương hiệu, tăng niềm tin của người tiêu dùng và cạnh tranh cho hàng Việt.

Liên quan đến việc sàn thương mại điện tử Temu tràn vào Việt Nam những ngày qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook... Ông yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát việc Temu đăng ký kê khai, nộp thuế. Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là thách thức với Việt Nam và nhiều nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, để cơ chế tách bạch luồng hàng thông thường và online, tăng quản lý người bán hàng qua kênh này.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng các sản phẩm bán trên nền tảng số không được hưởng thuế 0%, để chống thất thu, gian lận trong hoàn thuế VAT.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Vì lợi ích người tiêu dùng nhưng vẫn phải bảo vệ doanh nghiệp

anh-1-tran-van-lam(1).jpg

Các cơ quan quản lý Nhà nước phải xem việc kinh doanh của Temu có phù hợp với các quy định của Việt Nam hay chưa? Phải xem xét trên cơ sở các quy định pháp luật và các thoả ước quốc tế. Các hiệp định thương mại quốc tế chúng ta đã ký kết, đã hội nhập rồi thì phải hành xử trên nền tảng cơ sở của luật pháp. Temu hay bất cứ sàn thương mại điện tử nào muốn vào thị trường Việt Nam thì phải chấp thuận các qui định và pháp luật Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt phải học hỏi, cạnh tranh để vươn lên.

Quan trọng nhất là lợi ích của người tiêu dùng nhưng đồng thời phải bảo vệ các doanh nghiệp. Đây là môi trường đầu tư, và môi trường đó phải thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Còn pháp luật chỗ nào chưa hợp lý thì cần xem xét để sửa.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương): Tự do cạnh tranh nhưng phải quản lý

anh-3-pham-van-hoa(1).jpg

Kinh tế thị trường thì phải tự do cạnh tranh. Quan điểm của tôi là nếu họ bán rẻ và cạnh tranh trong sáng thì không vấn đề gì. Nếu họ không vi phạm, tuân theo các quy định của ta thì chúng ta để họ kinh doanh và quản lý thuế thôi. Giao dịch trên đó thì phải đóng thuế, người tiêu dùng Việt Nam mua thì phải quản lý được thuế phát sinh trên sàn giao dịch đó. Nếu rẻ, tốt mà có lợi cho người tiêu dùng thì càng tốt. Bởi các nhà sản xuất khác cũng phải tìm cách cải tiến công nghệ để có thể cạnh tranh được với Temu.

ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp): Người tiêu dùng cũng phải cảnh giác với hàng giá rẻ

anh-2-nguyen-quang-huan(1).jpg

Sàn thương mại điện Temu là sàn mới vào Việt Nam. Vì là sàn mới nên cần cảnh giác để có sự lựa chọn. Đồng thời cần tuyên truyền cho người tiêu dùng biết để cảnh giác không khéo “tiền mất tật mang”. Cũng như cảnh báo với người dân cần xem xét kỹ càng khi đặt mua hàng. Đồng thời cơ quan quản lý thuế cần tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử.

VIỆT THẮNG (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương mại điện tử: Cần lấp lỗ hổng pháp lý