“Chi tiêu trước, trả nợ sau” kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn, thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán thuận tiện nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro nếu người sử dụng không nắm rõ các điều khoản sử dụng và “ma trận” các loại lãi, phí phát sinh. Chiếc thẻ này còn rất dễ trở thành “bẫy nợ” nếu người dùng thẻ có xu hướng chi tiêu vượt mức thu nhập và khả năng chi trả.
Câu chuyện một chủ thẻ tín dụng chậm thanh toán hơn 8 triệu đồng, sau 11 năm bị ngân hàng thông báo thu hồi cả gốc lẫn lãi hơn 8 tỷ đồng đã thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây. Cụ thể, ông P.H.A. (Quảng Ninh) bị ngân hàng gửi thông báo đòi món nợ 8,8 tỷ đồng sau 11 năm.
Ngân hàng cho rằng ông đã mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Sau đó đã phát sinh hai giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận thẻ. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết do ông P.H.A. không thanh toán nên sau 11 năm số nợ gồm lãi và phí phạt... đã tăng đến một con số khổng lồ.
Trong buổi họp báo kinh tế - xã hội tại TPHCM vào chiều 21/3, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết, trong vụ khách hàng nợ thẻ tín dụng hơn 8,8 tỷ đồng, cán bộ xử lý nợ đã máy móc, gửi thông báo trực tiếp đến khách hàng khi chưa trình cấp thẩm quyền. Ngân hàng đã làm việc với khách hàng và chắc chắn không có khoản nợ 8,8 tỷ nêu trên.
Tuy nhiên, từ trường hợp của ông P.H.A., nhiều chủ thẻ tín dụng cho biết cũng từng bị tính lãi và phạt số tiền khá lớn so với dư nợ do quên thanh toán với những tình huống rất éo le.
Một số trường hợp cho biết khi đã đăng ký trích nợ tự động và chuẩn bị sẵn số tiền cần thanh toán trong tài khoản, tuy nhiên, do trước đó ngân hàng đã thu phí giao dịch thông báo số dư dẫn đến số tiền còn lại bị hụt vài ngàn so với số tiền phải thanh toán. Người dùng cũng không kiểm tra kỹ tài khoản nên số dư không đủ thanh toán thẻ tín dụng. Quá hạn ngân hàng tính lãi và phí phạt trên toàn bộ dư nợ.
Thực tế, nhiều khách hàng khi mở thẻ tín dụng vì được khuyến mại hay “mở giúp người quen”… đều không đọc kỹ hợp đồng khi mở thẻ, và nghĩ rằng mình chưa kích hoạt thẻ xem như không sử dụng, chắc không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận được thông báo của ngân hàng về khoản nợ đóng phí duy trì thẻ, phí thường niên… lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng mới tá hỏa đi kiểm tra thì đã dính nợ ngân hàng.
Về phía các ngân hàng, việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận lớn bởi lãi suất cao hơn so với cho vay thông thường. Đồng thời, các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn… đem lại nguồn thu ổn định. Do đó, các ngân hàng chạy đua phát hành thẻ để mở rộng thị phần, bất chấp khách hàng đó có nhu cầu sử dụng hay không.
Các ngân hàng liên tục đưa ra những chính sách nhằm thu hút và giữ chân khách hàng sử dụng thẻ tín dụng như: Hoàn tiền ở các điểm mua sắm, tặng tiền mặt khi chi tiêu nhiều, tặng vali, miễn thêm phí thường niên cho năm tiếp theo nếu chi tiêu đạt mức ngân hàng đưa ra...
Trong khi đó, khách hàng thấy việc mở thẻ có lợi và đặc biệt không cần phải đến quầy giao dịch, có thể mở tài khoản online thông qua app, mở bằng số điện thoại, căn cước công dân… nên không đắn đo mở thẻ. Trên thực tế, nếu biết cách sử dụng, khách hàng cũng sẽ nhận về nhiều lợi ích khi dùng thẻ tín dụng. Thay vì phải dùng tiền mặt thanh toán ngay khi mua hàng hóa, dịch vụ thì người dùng có thể cà thẻ, số tiền thay vì phải thanh toán có thể đem gửi tại ngân hàng vẫn được hưởng lãi. Ngoài ra còn được hưởng ưu đãi, tích điểm, đổi dặm bay, sử dụng phòng chờ...
Việc mở thẻ tín dụng đem lại nhiều lợi ích, phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống khi người dùng có sẵn tiền trong tay. Tuy nhiên nếu chi tiêu quá đà, không kiểm soát sẽ dẫn đến việc không thể chi trả, các khoản nợ sẽ theo đó tiếp tục tăng.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối với khách hàng, chủ thẻ nên cân nhắc khả năng tài chính của mình trước khi chi tiêu. Bởi thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ dùng tiền trước, trả tiền sau, tức là trong 45 - 55 ngày mà không bị tính lãi. Sau thời gian này, chủ thẻ không trả hết số tiền đã dùng thì mới bị tính lãi suất, nợ quá hạn.
"Trước khi đặt bút ký hợp đồng mở thẻ tín dụng, khách hàng cần phải biết rõ lãi suất cho vay, lãi suất phạt chậm trả là bao nhiêu, các loại phí và mức phải nộp... Bên cạnh đó, cũng nên cân nhắc khả năng tài chính để có kế hoạch trả nợ", ông Tuấn khuyến cáo.
Theo quy định về thẻ tín dụng của các ngân hàng đều công bố miễn lãi cho chủ thẻ 45 - 55 ngày, thậm chí 60 ngày, nhưng nếu dùng thẻ ngay đúng ngày kết sổ, thời gian miễn lãi chỉ còn 15 ngày. Nếu dùng thẻ sau ngày kết sổ 1 ngày thì thời gian miễn lãi mới được tối đa 45 ngày. Tuy nhiên, nhiều người không biết điều này và cứ đinh ninh ngân hàng miễn lãi 45 ngày kể từ ngày cà thẻ, dẫn đến bị quá hạn thanh toán.
Hiện nhiều ngân hàng quy định 2 cách thanh toán với thẻ tín dụng: Thanh toán toàn bộ hoặc thanh toán một phần. Trong trường hợp chủ thẻ đăng ký thanh toán toàn bộ hạn mức thì nếu nợ lại dù chỉ 1.000 đồng cũng bị xem là còn nợ và khi đó ngân hàng sẽ tính lãi trên toàn bộ dư nợ kể từ ngày cà thẻ. Ngoài lãi, chủ thẻ còn chịu phí phạt trả nợ trước hạn với mức rất cao vì xem như chủ thẻ không giữ đúng cam kết với ngân hàng.
Các chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng, chủ thẻ nên đăng ký trích nợ thẻ tín dụng tự động và đặt lịch nhắc nhở chuyển đủ tiền vào tài khoản thanh toán. Việc nắm rõ các điều khoản, biểu phí, lãi suất của thẻ tín dụng và thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn giúp bạn có thêm kênh thanh toán, chi tiêu không mất phí.
Đồng thời, chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng để chi trả cho các khoản chi phí cố định hoặc chi phí sinh hoạt thiết yếu, để hưởng những ưu đãi về hoàn tiền khi chi tiêu. Hạn chế sử dụng thẻ cho các chi phí hưởng thụ, giải trí vì dễ chi tiêu quá đà.
Theo TS Đỗ Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa Ngân hàng - Học viện Ngân hàng, để sử dụng thẻ tín dụng an toàn thì việc hiểu rõ hạn mức của thẻ tín dụng và khả năng thanh toán nợ là rất quan trọng để tránh rơi vào tình trạng nợ nần không kiểm soát được. Khi nhận được thẻ tín dụng, cần xác định rõ hạn mức tín dụng của mình và không nên vượt quá giới hạn này khi sử dụng thẻ.
Tính toán khả năng trả nợ cũng là một yếu tố then chốt. Người dùng cần phải xem xét tổng thu nhập của mình và lập kế hoạch chi tiêu một cách có trách nhiệm, không nên mua hàng hoặc thực hiện các giao dịch mà không có khả năng trả nợ đầy đủ.
Một tỷ lệ an toàn phổ biến được khuyến khích là không chi tiêu quá 50% thu nhập hàng tháng cho các khoản nợ, bao gồm cả nợ thẻ tín dụng. Nếu tỷ lệ này lên cao hơn, rủi ro về nợ nần sẽ tăng lên, vì nó có thể gây áp lực tài chính không cần thiết và làm giảm khả năng tiết kiệm và đầu tư vào tương lai.
"Cả thẻ tín dụng và các tài khoản ngân hàng đều đi kèm với nhiều chi phí hàng năm và yêu cầu hoạt động cụ thể, tùy thuộc vào điều khoản trong hợp đồng. Việc làm rõ điều này khi kết thúc hợp đồng rất quan trọng, để mọi bên tham gia đều có trách nhiệm tài chính đầy đủ và hiểu biết sâu sắc về điều khoản đã thỏa thuận", bà Hà nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng: Cần hiểu rõ về cách tính lãi của ngân hàng
Thực tế không ít người dùng thẻ tín dụng cứ đinh ninh nếu trễ hạn trả nợ thẻ tín dụng trong 1-2 ngày thì ngân hàng chỉ tính lãi trong 1-2 ngày đó. Nhưng thực tế không phải như vậy, ngân hàng sẽ tính lãi bắt đầu từ ngày mua sắm tiêu dùng, tức là từ khoảng 1 tháng trước đó. Cách tính lãi vay của ngân hàng hiện nay tính lãi kép, đó là lãi chồng lãi. Lãi được tính theo ngày hay theo tháng hay theo năm rồi từ đó sinh sôi đẻ ra lãi. Khách hàng cần nắm quy định này để có kế hoạch trả nợ đúng hạn. Đừng để rơi vào tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con đẻ lãi cháu, lãi chắt.
Thẻ tín dụng theo kiểu cho vay trước trả sau và không có thế chấp (theo hình thức cho vay tín chấp) nên lãi nhìn vào khoảng 20 - 30%/năm, cứ tưởng không cao nhưng phương thức tính khá phức tạp sẽ nảy sinh lãi khủng. Với mỗi ngân hàng đưa ra cách tính lãi, phí khác nhau cũng sẽ gây tranh cãi, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nên đưa ra quy định chung về cách tính lãi đối với thẻ tín dụng.
Về phía người tiêu dùng, dù chỉ nợ một món tiền nhỏ nhưng nếu không chú ý, vô tình không trả nợ sẽ rất phiền phức. Do đó, khi đã vay tiền ngân hàng thì khách hàng phải nhớ thời gian trả nợ và đã làm việc với ngân hàng luôn phải căn cứ vào quy định pháp lý.
Để sử dụng thẻ tín dụng an toàn, người dùng phải hiểu tất cả những hướng dẫn sử dụng; lập mật khẩu và giữ mật khẩu không để lộ ra ngoài; trả nợ đúng hạn để không bị tính lãi. Quan trọng hơn nữa là khi mua món hàng nào đó phải xem mình có đủ khả năng trả nợ hay không. Thông thường ngân hàng dùng chỉ tiêu nợ mỗi tháng chia cho thu nhập của người đó. Tỷ lệ an toàn nhất là 50%. Tỷ lệ này lên càng cao thì càng rủi ro.
Ông Trần Nhật Nam - Chuyên gia tài chính: Mở thẻ tín dụng khi thực sự có nhu cầu và quản lý được tài chính
Thẻ tín dụng là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận. Sử dụng thẻ này là hình thức vay tín chấp mà không cần tài sản đảm bảo. Do vậy khách hàng khi sử dụng phải luôn lưu ý tìm hiểu kỹ về lãi suất áp dụng, đặc biệt khi thanh toán không đúng hạn. Vay tín chấp bao giờ lãi cũng cao hơn có thế chấp.
Thực tế mấy năm qua có câu chuyện ngân hàng đua nhau chạy KPI mở thẻ tín dụng. Chi phí quảng cáo, khuyến mãi cho mở thẻ có thể tới 2-3 triệu đồng/chiếc; nhiều nơi đua nhau tặng xe đạp, vali, quà cáp khác... Song song với quá trình này, nhân viên ngân hàng thì chịu áp lực chạy đủ doanh số bằng mọi cách, nhiều khách hàng không có nhu cầu nhưng vì cả nể do được nhờ hoặc muốn nhận quà nên vẫn mở.
Vì vậy, nếu có nhu cầu và quản lý được tài chính thì hãy mở thẻ tín dụng. Quản lý được, có khả năng thanh toán thì dùng thẻ tín dụng sẽ mang đến cho người dùng rất nhiều tiện lợi. Ngược lại, cũng sẽ có nhiều phiền toái phát sinh. Nếu không quản lý và có phương án trả nợ, dùng thẻ tín dụng sẽ khiến không ít người rơi vào bẫy tài chính, lãi mẹ đẻ lãi con. Các cá nhân sử dụng thẻ cũng lưu ý trong trường hợp chây ì trả nợ thì sẽ bị đánh điểm tín dụng xuống thấp, hạn chế tiếp cận các khoản vay trong tương lai.