Làm đám tang giả ở Hàn Quốc: Trào lưu dị thường

Linh Chi 15/12/2015 11:25

Hàn Quốc là một trong số các nước có tỷ lệ tự tử cao, và giới nhân công nước này thường xuyên nói rằng họ bị áp lực công việc quá cao. Bởi vậy, để khiến nhân công của mình cảm thấy quý trọng cuộc sống hơn, nhiều công ty ở nước này đã nghĩ ra hình thức khuyến khích kỳ lạ, đó là cho họ tham gia một tang lễ giả của chính mình.

Làm đám tang giả ở Hàn Quốc: Trào lưu dị thường

Nhân viên công sở Hàn Quốc trong một buổi tang lễ giả của chính minh (Nguồn: BBC).

Trong một văn phòng hiện đại tại thủ đô Seoul, đội ngũ nhân viên đến từ một công ty đào tạo cùng tham gia vào một tang lễ chung. Vận những chiếc áo dài trắng, họ ngồi trên các dãy ghế và viết một bức di chúc cho người thân của họ.

Sau một hồi than khóc than vãn, những người này đứng dậy và đến bên một chiếc quan tài gỗ đặt bên cạnh họ. Họ chậm rãi dừng lại, nhìn vào bên trong và cuối cùng nằm trong chiếc quan tài đó. Trên đầu mỗi quan tài là một bức ảnh thờ được buộc dải băng đen của chính người đang nằm.

Sau khi mọi người đã nằm vào trong quan tài, một người đàn ông vận đồ đen cùng một chiếc mũ dài truyền thống của Hàn Quốc sẽ đóng nắp lại. Người này đại diện cho vị thiên sứ cai quản linh hồn người chết. Sau khi đã ngập chìm trong cảm giác “cái chết” của chính mình trong quan tài tối tăm, hầu hết các nhân viên này đều bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống của họ.

Nghi lễ kỳ lạ này được xem như một bài tập luyện được thiết kế để dạy cho mọi người giá trị trân quý của cuộc sống. Trước khi nằm trong quan tài, họ được cho xem một số đoạn video về những người đang trong tình trạng hiểm nghèo và sắp từ giã cõi đời - những người bị ung thư, hay những đứa trẻ mới sinh mà đã bị khiếm khuyết về cơ thể.

Chương trình này được thiết kế để giúp mọi người giải quyết các vấn đề của riêng họ, biết chấp nhận khó khăn như một phần của cuộc sống; ông Jeong Yong-mun - người khởi xướng chương trình, và đang làm việc tại Trung tâm phục hồi Hyowon - cho hay.

“Công ty của chúng tôi luôn khuyến khích các nhân viên thay đổi cách suy nghĩ cũ, nhưng điều này là rất khó và không mang lại hiệu quả” - ông Park Chun-woong, chủ một công ty cho nhân viên tham gia chương trình đặc biệt này, nói - “Tôi nghĩ rằng việc nằm trong một cỗ quan tài sẽ mang lại trải nghiệm sốc, bởi vậy sẽ thay đổi hoàn toàn thái độ của những người tham gia”.

Rất khó để biết được rằng liệu những người tham gia có thực sự thay đổi thái độ hay không - bởi Hàn Quốc là một xã hội khá nghiêm khắc và gia trưởng - nhưng dường như chương trình kỳ lạ trên cũng có ảnh hưởng tới họ.

“Sau khi nằm trong quan tài, tôi nhận ra rằng tôi nên cố gắng thay đổi cách sống của mình” - ông Cho Yong-tae, một nhân viên tham gia chương trình, nói. “Tôi đã nhận ra rằng bản thân có quá nhiều lỗi lầm. Tôi hy vọng sẽ trở nên hăng hái hơn trong mọi việc mình làm và giành nhiều thời gian hơn cho gia đình”.

Tuy nhiên, ngoài chương trình này ra, các ông chủ tại nơi làm việc cũng được khuyến cáo thường xuyên động viên các nhân viên của mình. Ông Park Chung-woong hiện đang làm theo cách đó, và thường xuyên gửi hoa đến cha mẹ của nhân viên để cảm ơn họ đã mang đến cho công ty của ông một nhân viên mẫn cán. Ông Park cũng tổ chức các buổi trò chuyện phiếm trong văn phòng để tạo tiếng cười cho nhân viên.

Chắc chắn rằng tiếng cười là thứ rất cần thiết ở những nơi có môi trường làm việc khắt khe ở Hàn Quốc. Đất nước này hiện có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước công nghiệp trên thế giới. Người làm công ăn lương thường xuyên nói rằng họ cảm thấy căng thẳng do phải làm thêm giờ hay phải đến văn phòng trước khi sếp đến và ở lại cho đến khi sếp đi về.

Hiệp hội Tâm thần học Hàn Quốc từng có báo cáo: ¼ những người được hỏi nói rằng họ bị căng thẳng thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau, chủ yếu do các vấn đề nơi công sở.

Năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul đã nỗ lực thay đổi văn hóa nơi công sở bằng cách quy định giờ ngủ trưa giữa ngày, cho phép tất cả nhân viên công sở có giấc ngủ ngắn trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nhân viên lại phải đến sớm hơn 1 giờ đồng hồ để bù lại thời gian này.

Hàn Quốc cũng được cho là quốc gia có xã hội mang tính cạnh tranh thuộc hàng khốc liệt nhất thế giới, trong đó người ta không ai chịu thua kém ai, kể cả về công việc.

Một thói quen của người dân Seoul chính là, các bậc cha me và ông bà thường leo núi, đến các đền thờ để cầu cho con cái họ thành công, hay thi đỗ vào một trường đại học. Mỗi ngày trong suốt 12 tuần lễ, các bà mẹ hay những người bà mang theo một chiếc đèn lồng bên trên có ghi tên con cháu họ để đến cầu nguyện.

Với sức ép từ gia đình và những người thân như vậy, không ai muốn khiến họ phải thất vọng và nỗ lực hết mình trong học hành cũng như thi cử. Nhưng nếu thất bại, đó sẽ là một “địa ngục” với đầy nỗi thất vọng và suy sụp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm đám tang giả ở Hàn Quốc: Trào lưu dị thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO