Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Tổng LĐLĐ và LĐLĐ tỉnh, thành phố đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá các hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Ngày 31/3, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn; đồng thời quán triệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số định hướng của Tổng LĐLĐ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Được biết, mục tiêu Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất lớn đặt ra cho tổ chức Công đoàn mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Công đoàn có vai trò hết sức quan trọng. Đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tưởng Chính phủ; hướng tới đảm bảo tự chủ về tài chính, trong đó từ 2023 - 2025 tự chủ chi thường xuyên; từ năm 2025 - 2030, định hướng tự chủ chi đầu tư; có lộ trình cho từng năm.
Tập trung nâng cao năng lực đào tạo nghề, đa dạng hóa các phương thức, hình thức đào tạo: Đào tạo thường xuyên, đào tạo chuyên sâu, đào tạo cập nhật, đào tạo lại; phối hợp đào tạo tại doanh nghiệp với tại cơ sở đào tạo; đào tạo trực tuyến, tạo cơ hội để người lao động thuận lợi trong việc tham gia học nghề. Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề bảo đảm số lượng biên chế cơ hữu theo quy định.
Nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề tương ứng với tiêu chuẩn, yêu cầu của việc dạy từng nghề cụ thể trong đó có các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực và thế giới. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Tổng LĐLĐ và LĐLĐ tỉnh, thành phố đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá các hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả.