Làm gì để chặn lạm thu trong trường học?

Nam Việt 18/10/2023 07:25

Từ ngày 16/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức kiểm tra các khoản thu đầu năm học, kinh phí ban đại diện cha mẹ học sinh, việc quản lý nguồn tài trợ. Hoạt động kiểm tra kéo dài một tháng, tới hết ngày 16/11. Trước đó, nhiều phụ huynh tại TPHCM đã lên tiếng do phải đóng quá nhiều khoản thu với tổng số tiền lớn ngay khi vào năm học mới.

Đợt kiểm tra này của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM sẽ tiến hành với hơn 2.300 trường học, trong đó Mầm non hơn 1.300 trường; Tiểu học 520 trường; Trung học cơ sở gần 300 trường và Trung học phổ thông 204 trường. Việc kiểm tra dựa trên nội dung quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường, theo Nghị quyết số 04 của HĐND TPHCM; Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, việc triển khai thực hiện kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS).

Mục đích của đợt kiểm tra là để đánh giá toàn bộ các khoản thu, chi trong nhà trường công lập của thành phố; kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định. Trường hợp nếu có dấu hiệu sai phạm, chuyển Thanh tra xử lý theo thẩm quyền.

Thời gian qua, phụ huynh học sinh TPHCM ghi nhận nhiều phản ánh liên quan vấn đề thu, chi. Điển hình là Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) đã phải trả lại phụ huynh lớp 1/2 gần 250 trong hơn 260 triệu đồng đã chi tiêu vì "quá trình vận động, thu chi không đúng quy định".

Tuy nhiên, việc lạm thu trong trường học không chỉ xảy ra ở một vài địa phương mà đã trở nên phổ biến. Năm học nào phụ huynh học sinh cũng phàn nàn về vấn đề này. Việc các trường học đặt ra quá nhiều khoản thu trái quy định khiến gánh nặng học hành ngày một nặng hơn. Chủ trương xã hội hóa (trong đó có giáo dục) là đúng, nhưng chủ trương này đã bị lợi dụng qua việc lập ra quá nhiều quỹ thu với danh nghĩa ủng hộ, tự nguyện.

Dư luận nhiều lần lên tiếng phản đối, nhưng chuyển biến chậm, có nơi tình trạng lạm thu còn tăng mạnh, nhất là ở các thành phố lớn. Vậy, làm gì để chấm dứt tình trạng lạm thu trong nhà trường? Tất nhiên là phải kiểm tra tình trạng thu chi của trường học một cách cụ thể, nhưng cũng không nên dừng lại ở đó mà cần giải quyết tận gốc. Nhiều văn bản chấn chỉnh của các địa phương tuy kết luận sai phạm nhưng sai cái gì, sai thế nào thì không nói rõ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tận gốc lạm thu trong nhà trường thì phải quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Khi trường, lớp thu các loại tiền mà hiệu trưởng nói không biết thì không thể chấp nhận được. Hiệu trưởng phải thông tin công khai trong toàn trường, trong ban đại diện CMHS và phải quản lý chặt mọi hoạt động. Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, các sở GDĐT và phòng GDĐT ở địa phương đã quán triệt, hướng dẫn cụ thể, chỉ nội dung nào trong văn bản đã quy định thì mới được làm. Hiệu trưởng phải nắm được và chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc thực hiện; trong đó có các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa. Giáo viên chủ nhiệm không thể qua mặt hiệu trưởng để tự đặt ra các khoản thu ngoài quy định.

Tuy nhiên, trong vấn đề này, cùng với trách nhiệm của hiệu trưởng còn nổi lên một “thành phần” nữa, đó là ban đại diện CMHS. Lâu nay, nhiều ý kiến phàn nàn rằng ban đại diện CMHS đã trở thành "cánh tay nối dài" của nhà trường, tạo ra sự lạm thu. Do đó, nên giải tán ban đại diện CMHS bởi một số hiệu trưởng đang "mượn tay" ban đại diện để vận động phụ huynh đóng góp các khoản "tự nguyện", trái với những văn bản quy định hiện hành. Trong khi đó, theo Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GDĐT thì ban đại diện CMHS "phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp CMHS đầu năm học; chuẩn bị các cuộc họp của ban đại diện CMHS và cuộc họp CMHS, tổ chức việc thu thập nguyện vọng và kiến nghị của CMHS".

Quyền của trưởng ban đại diện CMHS lớp cũng được quy định rõ: "Chủ trì các cuộc họp của ban đại diện CMHS, thay mặt ban đại diện CMHS phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp về hoạt động của CMHS, phản ánh ý kiến của CMHS về chất lượng giáo dục và chất lượng dạy học; cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét, đề nghị tuyên dương, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật đối với học sinh của lớp".

Như vậy, về cơ bản, chức năng của ban đại diện CMHS lớp không phải là đứng ra vận động thu tiền.

Tuy nhiên, giải tán ban đại diện CMHS thì dễ. Vấn đề là những người được bầu vào ban đại diện CMHS có dám lên tiếng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con em mình và nói không với tình trạng lạm thu hay không?

Trở lại với câu hỏi: Làm gì để ngăn chặn lạm thu trong trường học? Câu trả lời là trước hết hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm. Và tiếp đó, cần chấn chỉnh hoạt động của ban đại diện CMHS theo đúng chức năng đã được quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để chặn lạm thu trong trường học?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO