Hàng năm, ngân sách của TP HCM chi hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án chống ngập, nhưng hiệu quả đem lại chưa tương xứng. Thậm chí, nhiều dự án chống ngập còn gián tiếp gây ngập úng cục bộ do tiến độ thi công ì ạch.
Một trong các “siêu dự án” chống ngập đáng nói nhất của TP HCM là dự án chống ngập do triều cường khu vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với trị giá đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng được khởi công từ năm 2016. Dự án có ảnh hưởng tới khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và một số quận trung tâm TP HCM dự kiến hoàn thành sau 3 năm, thế nhưng 7 năm vẫn còn dở dang.
Đến nay, ngoại trừ cống Mương Chuối của “siêu dự án” chống ngập từng được tái khởi động sau nhiều nỗ lực của cả chủ đầu tư (Tập đoàn Trung Nam) và chính quyền TP HCM thì các cống khác của dự án đã ngừng thi công từ tháng 8/2020 dù đã hoàn thành được 85-97% tiến độ.
Rất nhiều cuộc họp của chính quyền TP HCM nhằm tìm cách tháo gỡ cho dự án này, kể cả việc UBND thành phố đã ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành dự án vào tháng 5/2024. Dù vậy, “siêu dự án” chống ngập đến nay vẫn bế tắc.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, để đáp ứng nhu cầu chống ngập đô thị, thành phố cần khoảng hơn 101.000 tỷ đồng cấp cho 120 dự án giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025. Dù vậy, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước của thành phố hiện mới chỉ được giao hơn 17.400 tỷ đồng. Trong số này, chỉ tính riêng trong 2 năm gần nhất (2021, 2022), thành phố bố trí chỉ hơn 6.700 tỷ đồng. Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến cho tình trạng ngập nước đô thị của TPHCM rơi vào bế tắc trong thời gian dài.
Một số vị lãnh đạo TP HCM cũng đã phải thừa nhận TP HCM không thể chống ngập được, mà chỉ có thể sống chung với ngập. Thậm chí, một đại biểu HĐND TP HCM từng đề nghị đổi tên Trung tâm chống ngập thành Trung tâm thích ứng ngập để phản ánh thực tế rất bế tắc của thành phố khi phải ứng phó với ngập do mưa lớn và tác động từ ảnh hưởng triều cường, nước biển dâng và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Ngoài các nguyên nhân khách quan và chủ quan, giám sát trong giai đoạn 2016 - 2020, TP HCM vẫn còn nhiều dự án chưa thể thực hiện, nhưng giai đoạn 2021 - 2025 lại thêm sức ép phải triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành 9 dự án. Tồn đọng mới chồng chất lên tồn đọng cũ khiến các dự án chống ngập rơi vào tình trạng bế tắc. Có những khu vực ngập kinh niên ở Bình Thạnh thậm chí TP HCM phải thuê “máy bơm siêu khủng” với chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm để tạm thời điều tiết giao thông và giảm ngập nước.
Bên cạnh bế tắc do thiếu vốn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM cũng từng nhiều lần phản ánh về công tác giải phóng mặt bằng, việc di dời hạ tầng điện, cây xanh... tại các khu vực của dự án phải qua nhiều quy trình cũng đã khiến việc triển khai các dự án chống ngập rơi vào trì trệ, kéo dài.
Để giảm ngập cho TP HCM, thành phố đã từng có nhiều diễn đàn kêu gọi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia về chống ngập trong nước và quốc tế tham vấn, hiến kể để chính quyền TP HCM xây dựng chương trình chống ngập dài hạn cho đô thị đông dân nhất nước. Trong đó, TP HCM từng tâm đắc với quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình tập trung - đa cực, với khu vực trung tâm là quận nội thành với bán kính 15km và các cực phát triển theo hai hướng chính, gồm hướng Đông và hướng Nam (hai hướng phụ là hướng Tây-Bắc và hướng Tây, Tây - Nam).
Phương án này được nhiều chuyên gia đồng tình do việc phát triển đô thị theo trục Đông - Nam chẳng khác nào “tự chặn đường thoát nước” của thành phố. Các nhà quy hoạch nước ngoài cũng tư vấn TP HCM nên tập trung hướng phát triển về vùng cao là Đông - Đông Bắc và nên giới hạn phát triển về phía Nam (huyện Nhà Bè, Cần Giờ,…), vốn là các vùng đất yếu và trũng. Thế nhưng, đối diện với tình trạng ngập xuất hiện với tần suất ngày càng phức tạp hơn thì các nhà quy hoạch mới đây đã “giật mình” khi thấy phát hiện mức độ đô thị hóa của TP HCM lại gia tăng đáng kể ở khu vực phía Nam, nhất là quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Trong đó, nhiều chuyên gia từng cảnh báo việc phát triển đô thị, nâng cao nền đô thị ở “vùng đầm lầy” thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) ngày nay là nguyên nhân khiến tình trạng ngập của huyện Nhà Bè, quận 4, huyện Bình Chánh…) ngày càng nan giải. Điển hình của sự phát triển mạnh mẽ về phía Nam thành phố trên nền đất yếu và thấp hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến cho hàng nghìn diện tích chứa nước bị biến mất trong nhiều năm qua.
Không thể chỉ “đổ lỗi” cho việc thiếu vốn hoặc tác động của biến đổi khí hậu gia tăng, TP HCM cần có lộ trình căn cơ để thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó có chương trình giảm ngập nước thành phố.
Ngoài các nguyên nhân khách quan và chủ quan, bản thân nhiều dự án chống ngập trên địa bàn TP HCM trong 20 năm phải đối diện với nghịch lý triền miên “dự án chống ngập… gây ngập”. Đó là chưa kể, nhiều dự án chống ngập đã được TP HCM chủ trương nhưng chưa thể thực hiện do nhiều vướng mắc.