Sau khi một số tỉnh, thành phố trên cả nước công bố nới lỏng giãn cách, đặc biệt là khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đã có hàng triệu người lao động “ngược dòng” trở lại các tỉnh, thành phố lớn làm việc.
Đây là nguồn lao động quý báu thúc đẩy sự phục hồi, phát triển sản xuất cho các nhà máy, doanh nghiệp sau thời gian tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, làm gì để thu hút người lao động trở lại đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Chuyển biến tích cực
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp (DN) bắt đầu tăng tốc sản xuất để đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất. Ở 9 Khu công nghiệp tại Hà Nội, lượng DN hoạt động lại bình thường đã đạt trên 95%. 661 DN đã thành lập Ban chỉ đạo Covid-19 tại DN với 3.600 tổ Covid-19 an toàn.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương cho biết, Công ty đã ban hành phương án hoạt động sản xuất tối ưu và phù hợp nhất đối với hiện trạng của DN nhằm giảm chi phí và mang hiệu quả cao. Hiện công ty đang gấp rút chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân lực, đồng thời tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine cho 100% người lao động để nhanh chóng bước vào sản xuất.
“Công ty yêu cầu tất cả nhân viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc phương án phòng chống dịch theo quy định. Chọn giải pháp giảm mật độ lao động bằng cách chia ca và thực hiện “2 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ đối với công nhân sản xuất. Đối với khối văn phòng và kinh doanh, công ty vẫn ưu tiên làm việc online. Khối vận chuyển sẽ thực hiện khai báo điểm đến và điểm đi... hằng ngày, kết hợp với đối tác để thực hiện tốt phòng chống dịch”, bà Phương nói.
Để thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin: Ban đã đề nghị các DN quản lý chặt chẽ người lao động làm việc tại DN (kể cả lao động của các nhà thầu phụ); thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn tại Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia và cập nhật trên bản đồ antoancovid.vn và trên hệ thống khai báo trực tuyến covid.hiza.hanoi.gov.vn của Ban Quản lý…
Có thể thấy, việc các DN chủ động lên phương án phòng chống dịch chặt chẽ hơn khi người lao động quay trở lại làm việc là điều hết sức quan trọng và cần thiết, bởi dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan, lơ là.
Với TP HCM, những ngày qua dòng người từ các tỉnh miền Tây như: Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… cũng đã quay trở lại để làm việc. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐTBXH TP HCM, khi TP trở lại trạng thái bình thường mới, thống kê sơ bộ có khoảng 143.000 người lao động các tỉnh đã quay lại TP HCM làm việc.
Về luồng lao động trở lại, ông Lâm cho biết, khi tình hình dịch Covid-19 tại TP HCM đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khôi phục thì phát sinh nhu cầu rất lớn về lao động.
Nhóm thứ nhất là lao động chính thức, có hợp đồng lao động làm việc trong các DN, khi nhà máy đóng cửa vì dịch bệnh thì họ về quê. Đến nay nhà máy khôi phục sản xuất thì họ quay lại làm việc.
Nhóm thứ hai là lao động tự do, lao động phi chính thức làm việc ở công trường, nhà hàng, quán ăn…, khi TP HCM cho phép các lĩnh vực này hoạt động thì nhu cầu lao động cũng sẽ tăng.
“Thời gian dịch bệnh, phần lớn lao động về quê thăm gia đình, nghỉ xả hơi rồi quay trở lại TP HCM làm việc, vì ở quê không có nhiều việc làm”, ông Lâm nhận định về xu hướng dịch chuyển lao động trong thời gian tới.
Hỗ trợ cho công nhân quay lại làm việc
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp (KCN) TP HCM cho biết, hiện nay tại các KCX-KCN đã hoạt động trở lại khoảng 60 - 70% công suất, chỉ có một số khu vực như KCX Linh Trung 1, 2 (giáp ranh các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) mới hoạt động khoảng 40 - 50% công suất.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân các DN hiện nay chưa hoạt động hết công suất là do thiếu hụt nguồn lao động khi người dân về quê chưa trở lại kịp và còn gặp trở ngại về lưu thông, nhất là tại các tỉnh giáp ranh.
Về vấn đề này, Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (HEPZA) đã có văn bản gửi UBND TP HCM để trao đổi với các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh nhằm có cơ chế thuận lợi hỗ trợ cho công nhân quay lại làm việc.
Trao đổi về các giải pháp “giữ chân” người lao động, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, việc thu hút người lao động quay trở lại DN phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là duy trì chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Trạng thái của DN trước khi xảy ra dịch bệnh chính là “chìa khóa” để giữ chân người lao động DN có “sức khỏe” tốt, người lao động sẽ yên tâm quay trở lại, xóa bỏ tâm lý muốn “nhảy việc”, tìm nơi thu nhập cao hơn.
Cùng với đó, gần 90% DN tại Bình Dương phục hồi lại sản xuất với hơn 500.000 lao động đã trở lại nhà máy làm việc. Hiện phần lớn công nhân đã tiêm đủ vaccine để đi làm hàng ngày. Công ty TNHH Ampacs International chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Bàu Bàng đã tái khởi động sản xuất trở lại từ ngày 17/9 và đến nay, công nhân quay trở lại làm việc hơn 1.500 người, chiếm 25% trên tổng số lao động trước dịch.
Công ty đang dần ổn định, nhưng do sợ lây nhiễm dịch bên ngoài vào nhà máy nên Ban giám đốc quyết định duy trì sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài thêm một thời gian đợi tình hình ổn định sẽ có phương án sản xuất bình thường trở lại.
Nhằm phòng ngừa dịch Covid-19, Công ty Ampacs International tổ chức một quy trình nghiêm ngặt. Cụ thể, công nhân trước khi vào phân xưởng sản xuất chính thức phải qua 14 ngày cách ly tại ký túc xá của công ty. Trong những ngày cách ly vẫn được trả lương 170.000 đồng/ngày và sau khi vào làm chính thức được thưởng thêm 150.000 đồng/ngày.
Còn ở Đồng Nai, thời điểm này đã có khoảng 92% DN trong KCN hoạt động trở lại với số lao động đạt 79%. Đối với các DN nằm ngoài KCN có số lượng lao động lớn cũng đã hoạt động với tỷ lệ trên 80%. Ngày 22/10, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, tính đến nay đã có 1.575/1.713 DN hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ 92%), với số lượng lao động là 484.000/615.000 người (đạt 79%). Hiện còn 138 DN với khoảng 130.000 lao động đang tạm ngưng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐTBXH Đồng Nai cho biết, đã có 195 DN (trên 100 lao động) hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ 80%) với tổng số lao động là 59.649 (đạt tỷ lệ 62%). DN quy mô dưới 100 lao động cũng đã có 103 DN với 4.467 người lao động đã hoạt động trở lại.
Cũng theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, tỉnh này hiện có 92.791 lao động trong và ngoài khu công nghiệp trở lại làm việc, khôi phục sản xuất. Trong đó, sau khi tỉnh có phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh (từ đầu tháng 9/2021), đến nay có thêm 50 DN (trong đó có 46 DN FDI) với 23.861 lao động hoạt động trở lại và đăng ký bổ sung 17.638 lao động. Tổng cộng đến nay trong KCN tại Tây Ninh có 208 DN với 66.739 lao động đang hoạt động.
Cần sự chia sẻ
Một số chuyên gia cho rằng, thị trường lao động, việc làm tại các địa phương đang dần có chuyển biến tích cực, hứa hẹn sôi động hơn trong thời gian tới. Song, giai đoạn này cả DN và người lao động đều gặp nhiều khó khăn. Do đó để việc phục hồi sản xuất, kinh doanh được hiệu quả, bên cạnh những chính sách, quyết định kịp thời của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, rất cần có sự chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và bản thân người lao động.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TP HCM phân tích: Để phòng, chống dịch, nhiều DN ở các tỉnh, thành phía Nam đã phải giảm công suất hoạt động, cắt giảm nhân công, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Nhiều lao động bị mất việc, gặp khó khăn đã trở về quê. Thực trạng này đang gây ra những áp lực, khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, DN và người lao động trong quá trình phục hồi sau giãn cách.
Do đó, các địa phương và từng DN cần thực hiện hiệu quả các biện pháp an toàn phòng dịch, tăng cường các chính sách hỗ trợ, động viên phù hợp để người lao động an tâm quay trở lại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... làm việc.
Một số chuyên gia cho rằng, đối với người lao động, hơn lúc nào hết để đáp ứng yêu cầu người sử dụng lao động, có việc làm ổn định, người lao động cần nỗ lực đồng hành cùng DN, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gắn bó lâu dài với DN.
Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH), dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy cho thị trường lao động cả về kỹ năng của người lao động cũng như trong cung ứng lao động. Để thích ứng trong quá trình lao động mới, DN và người lao động đều cần có sự thay đổi, thích nghi.
“Người lao động cần có các phẩm chất như tính tự chủ, tính kỷ luật, chịu trách nhiệm, gắn bó với DN. Có ý thức bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng liên quan đến nghề để bù đắp những thiếu hụt hay gián đoạn trong thực hành các kỹ năng do thời gian dài nghỉ việc vì ảnh hưởng dịch Covid-19”, ông Trường gợi mở.
Ông Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ LĐTBXH: Tạo thuận lợi cho người lao động trở lại
Nói khi người lao động xa quê không thể tiếp tục trụ ở thành phố lớn và phải về quê trong tình trạng mất việc làm, thu nhập, không còn nguồn sống là điều đáng buồn.
Đáng lo hơn, khi họ rời đi sẽ để lại khoảng trống thiếu hụt lao động rất lớn. Để giữ chân người lao động, cần làm sao để họ yên tâm, không lo lắng về dịch bệnh, về cuộc sống và tin tưởng có thể sớm trở lại thị trường lao động.
Do đó, trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và giữa địa phương với DN trong việc tạo thuận lợi cho người lao động trở lại nhà máy. Nếu vấn đề này không được giải quyết rốt ráo, thị trường lao động sẽ đứt gãy.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Cần chính sách hỗ trợ
Một cuộc khủng hoảng lao động có thể sẽ xảy ra khi nơi thừa, nơi thiếu.
Mặt khác, các DN muốn lôi kéo người lao động, trả lương cao nhưng cũng đã kiệt sức, muốn làm phải dựa vào những chính sách như giảm thuế, phí… để huy động lực lượng lao động. Nhân lực là tiền đề để hồi sinh kinh tế, tuy nhiên chỉ riêng 1 tỉnh, thành, 1 địa phương không thể tổ chức lại được.
Cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia, cả hệ thống vào cuộc với bàn tay điều phối của Chính phủ đi cùng những quyết sách, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía trung ương để làm cơ sở cho các địa phương huy động nguồn lao động trở lại.