Nhìn lại một năm xuất khẩu nông sản thành công, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có nhắc đến “điểm mờ” của ngành nông nghiệp, nếu khắc phục được thì nông nghiệp nước ta còn phát triển mạnh mẽ hơn. Điểm mờ đó, theo Bộ trưởng, là nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, ai cũng tự sản xuất, tự bán hàng” thì không thể kiểm soát được nguồn cung, nên thị trường thường xuyên xuất hiện tình trạng mất cân đối cung - cầu ở một hay một số mặt hàng nông sản. Trong đó đa phần là thừa cung. Đó là lý do vì sao từ hàng chục năm nay vẫn có tình trạng phải “giải cứu” nông sản. Manh mún, nhỏ lẻ cũng rất khó kiểm soát hất lượng hàng hóa, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, như tồn dư thuốc trừ sâu, hóa chất. Đặc biệt, nếu “mạnh ai nấy làm” thì rất khó để có được giá thành cạnh tranh.
Lâu nay, việc sản xuất lớn trong nông nghiệp luôn được đặt ra. Đó là việc người nông dân cần tập hợp lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời phải tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, rất cần “chất keo” để gắn kết người nông dân lại với nhau, cùng sản xuất, cùng kinh doanh, cùng làm giàu từ đồng đất của mình.
Nói đến “6 từ khóa” trong tái cơ cấu nông nghiệp là “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hoá sản phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong đó, 3 từ khóa đầu là điều kiện cần; còn 3 từ khóa sau là điều kiện đủ.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những định hướng rất cơ bản. Tinh thần cốt lõi của Chiến lược chính là phải tổ chức lại sản xuất, hướng đến sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, muốn thành công thì phải biết người nông dân đang thiếu gì, đang nghĩ gì, đang cần gì. Nói như giới chuyên gia nông nghiệp thì đừng nghĩ nông nghiệp chỉ chiếm mười mấy phần trăm trong tổng giá trị nền kinh tế, mà phải xem đó là sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân, xem đó là một cấu trúc kinh tế - xã hội để phát triển bền vững.
Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Người nông dân đã có thu nhập khá từ trồng trọt, chăn nuôi. Rõ nhất là sản xuất lúa gạo xuất khẩu, với mức 8,3 triệu tấn trong năm 2023. Đó là con số kỷ lục. Cùng đó, các mặt hàng nông sản khác như trái cây, tôm cá cũng bội thu. Nông nghiệp - nông thôn - nông dân đã có những bước tiến “cùng nhịp” hơn, bộ mặt làng quê thay đổi, đời sống người nông dân được cải thiện.
Tuy nhiên, dư địa phát triển vẫn còn rất nhiều. Người nông dân bây giờ không chỉ phấn đấu trở thành người sản xuất giỏi mà phải là người làm kinh tế giỏi. Có nghĩa là không chỉ “cày sâu cuốc bẫm” mà còn tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác ngoài chăn nuôi, trồng trọt. Những nguồn thu ấy đến từ ngay chính làng quê mình. Chỉ có như vậy kinh tế nông thôn mới thay đổi triệt để, người nông dân không còn ly hương lẫn ly nông.
Khi kinh tế nông thôn phát triển sẽ không còn việc “treo ruộng”, “treo chuồng”, “treo ao”. Mà muốn vậy, đã đến lúc phải có tư duy kinh tế nông nghiệp, tổ chức chuỗi ngành hàng, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác để vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa tạo ra việc làm ở nông thôn.
Chỉ khi nông dân chủ động tính toán sản xuất, xác định rõ đầu ra cho sản phẩm, không còn “mù mờ” về thị trường mới tránh được tình trạng được mùa rớt giá, nông sản làm ra ùn ứ, không có nơi tiêu thụ.
Nhìn lại một năm rất thành công của nông nghiệp nước nhà, càng hy vọng những thành tựu lớn hơn phía trước. Tuy nhiên, nói như Tư lệnh ngành nông nghiệp Việt Nam thì trước hết phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó, chuỗi liên kết giá trị đóng vai trò then chốt, mà nhận thức và vai trò của người nông dân là quyết định.