Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn năm 2024 tại TPHCM sẽ khai mạc vào lúc 17 giờ ngày 7/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp âm lịch) và kéo dài xuyên suốt đến hết ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết) tại tuyến đường Lê Lợi, quận 1. Đáng chú ý, năm nay sẽ có chương trình lì xì sách cho mọi độc giả đến tham gia lễ hội vào ngày mùng 1 Tết (tức ngày 10/2 dương lịch).
Việc “lì xì bằng sách” được coi là sáng kiến thú vị của ban tổ chức với sự chung tay của các nhà sách tham gia. Ngày đầu năm mới, ai cũng mong muốn có được điều tốt lành. Thì đây, một cuốn sách giá trị vật chất không lớn nhưng lại rất ý nghĩa về mặt tinh thần. Lì xì một vật phẩm văn hóa là một hành vi văn hóa rất đáng hoan nghênh, góp phần cổ vũ “văn hóa đọc” trong bối cảnh ngày nay.
Phong tục lì xì Tết là nét đẹp văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam ta. Khởi đầu của nét đẹp này là người lớn sẽ đặt số tiền mang tính tượng trưng vào một phong bì có màu đỏ để mừng tuổi cho các em bé, với mong muốn các bé có một năm nhiều sức khỏe, may mắn và bình an. Truyền thuyết kể rằng, xưa nhiều yêu quái bị các thần tiên hạ giới giam giữ. Tuy nhiên hàng năm, các vị thần tiên sẽ về trời vào thời khắc giao thừa. Lúc đó lũ yêu quái lộng hành, xoa đầu trẻ nhỏ đang ngủ, khiến trẻ nhỏ giật mình và bật khóc. Các vị tiên thấy vậy đã hóa ra những đồng tiền đặt bên cạnh bé và bảo cha mẹ gói vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Khi quái vật đến, những đồng tiền đó bỗng nhiên lóe sáng khiến cho chúng sợ hãi bỏ chạy.
Xưa nay, Tết đến mọi người thường bỏ tiền vào phong bì đỏ để tặng trẻ con, với mong muốn mau ăn, chóng lớn và khỏe mạnh.
Theo thời gian, lì xì ngày Tết lại thêm ý nghĩa mới là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người, không chỉ giới hạn đối với trẻ em.
Tuy nhiên, cũng thật đáng tiếc là tục lì xì ngày Tết dần bị biến dạng, trở nên méo mó. Không ít người coi đây là dịp để đút lót, bợ đỡ cấp trên hòng “chạy cửa”, để có được vị trí công tác tốt “việc nhẹ lương cao”, được thăng quan tiến chức, được bao che, không loại trừ có trường hợp còn để chạy tội. Những hành vi đó khiến phong tục mừng tuổi dịp Tết Nguyên đán bị biến dạng, trở thành gánh nặng cho không ít người khi bị buộc phải đua theo do tâm lý sợ bị đánh giá, sợ bị... quên.
Cùng chính vì thế mà nhiều năm qua, mỗi khi chuẩn bị đến Tết, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại có Chỉ thị về việc tổ chức Tết, trong đó đặc biệt nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Chuẩn bị Tết năm nay, ngày 23/11/2023, thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 26 về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Ban Bí thư lưu ý, cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới, Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo ra khí thế mới, động lực mới. Đồng thời “không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”.
Trở lại với việc Ban tổ chức Đường Sách TPHCM lì xì bằng sách cho mọi độc giả đến tham gia lễ hội vào ngày mùng 1 Tết, có thể coi là cách làm đẹp cần được nhân rộng. Không chỉ trong không gian lễ hội hay một thời điểm cụ thể mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Giá trị tinh thần cần được đề cao, văn hóa đọc cần được khôi phục và nhân rộng.
Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn, cho dù ít khi mở ra nhưng vẫn là bạn tốt. Một cuốn sách là một giấc mơ của mỗi người cầm trên tay. Trong những cuốn sách hay luôn ẩn chứa linh hồn của suốt chiều dài quá khứ. Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc sách thì chắc chắn tâm hồn sẽ nghèo nàn.
Voltaire (1694 -1778), triết gia người Pháp từng nói: Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người.
Với ý nghĩa ấy, một lần nữa xin được hoan nghênh việc lì xì bằng những cuốn sách. Đem một người bạn đến với một người bạn, để cuộc sống ngày một đẹp đẽ hơn.