Thành phố như một khối nam châm khổng lồ với sức hút thật ghê gớm. Nhưng khi kinh tế khó khăn thì việc bám trụ chốn thị thành lại không hề dễ dàng. Nhiều người đã chọn lối trở lại làng để tránh áp lực cuộc sống nơi phố thị. Quê hương dẫu còn nghèo nhưng con cá, mớ rau thì cũng đủ sống.
Ngoại trừ thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều lao động ở TPHCM, Biên Hòa, Bình Dương... bỏ về quê tránh dịch, thì gần đây nhiều người cũng từ giã phố phường, chia tay nhà máy để về quê. Sau nhiều năm mưu sinh, quen dần với cuộc sống thị thành và các khu công nghiệp – khu chế xuất, không ít người nay trở về quê để làm lại một cuộc “tái hòa nhập” nữa.
Quê hương là chốn đi về. Là miền ký ức mênh mông với những buồn vui sướng khổ. Khi xa quê, chia tay với ruộng vườn lên thành phố làm công động nhiều đêm nhớ nhà, nhớ mẹ cha, nhớ con nhỏ nước mắt cứ trào ra. Bên ngoài căn phòng trọ sơ sài, những cơn gió đuổi nhau càng làm cho lòng trĩu nặng. Không ai chọn được cha mẹ, cũng không chọn được quê hương. Nhưng công việc thì có thể chọn được. Thu nhập thấp từ công việc đồng áng, nhiều người quyết định ly nông lẫn ly hương để lên thành phố. Thành phố như một khối nam châm khổng lồ với sức hút thật ghê gớm. Nhưng giờ đây, khi kinh tế khó khăn thì việc bám trụ chốn thị thành lại không hề dễ dàng. Nhiều người đã chọn lối trở lại làng để tránh áp lực cuộc sống nơi phố thị. Quê hương dẫu còn nghèo nhưng con cá, mớ rau thì cũng đủ sống.
Thực ra thì nhiều người không muốn về quê, không phải do ý chí “một đi không trở lại” mà chính là do thu nhập teo tóp dần khi nhà máy thiếu đơn hàng, thu nhập sụt giảm họ khó trả nổi tiền trọ trong khi chi phí sinh hoạt lại cao. Vì thế, nhiều người coi việc về quê là “đối sách” trong lúc này, mai sau tính tiếp. Khi nhà máy cần thì sẽ quay trở lại. Trường hợp ở quê khấm khá thì lại là chuyện khác.
Chọn lựa nơi sinh sống, nơi làm việc là quyền của mỗi người. Quan trọng là sự chọn lựa ấy đúng hay sai. Mà suy cho cùng, trên đất nước mình thì đâu cũng là quê hương, cùng trong ý nghĩa đồng bào cả. Làm việc ở đâu cũng là để xây dựng tương lai cho mình, góp phần xây dựng đất nước. Cái đó tùy thuộc vào hoàn cảnh và sự lựa chọn.
Làm việc ở thành phố lúc thuận lợi sẽ có thu nhập tốt, có tích lũy. Về quê làm ăn thì lại có sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm, hôm sớm gần gũi người thân. Với những cặp vợ chồng trẻ sẽ có nhiều thời gian chăm sóc lũ trẻ. “Gồng gánh” ở quê khác với “gồng gánh” ở thành thị, ở đâu cũng phải làm việc, tuy rằng điều kiện làm việc, cung cách sinh hoạt khác nhau.
Bối cảnh gần đây, rất nhiều người lao động đành phải rời xa thành phố để “hồi hương”. Một con số đơn cử tại tỉnh Cà Mau, thống kê thông qua việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho thấy mỗi năm có khoảng trên 9.000 lao động từ các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hồi hương về địa phương. Nói như PGS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội thì mất việc làm, mất thu nhập, người lao động chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là hồi hương. Số lao động này là những người dễ tổn thương, bấp bênh khi tìm kiếm một công việc mới. Còn một con số đáng để suy nghĩ nữa đến từ khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TPHCM cùng Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) thực hiện: 15,5% lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới; 44,6% lưỡng lự và 39,9% chưa có dự định.
Và, lần “tái hòa nhập” này, những người lao động sẽ phải tính toán sao cho phù hợp. Ở quê thu nhập ít hơn so với làm việc trên thành phố, chỉ dựa vào vườn rau, đàn gà cũng không phải dễ quen trở lại. Qua đó càng cho thấy cần có chiến lược dài hơi, với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, không còn những “vùng trũng” để người lao động yên tâm ở lại quê hương phát triển sự nghiệp hoặc chọn lựa những cơ hội nghề nghiệp khác thay vì đi đi, về về chỉ để mưu sinh.