Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 763, về việc xác minh tài sản, thu nhập đối với 56 người có chức vụ, quyền hạn tại 6 bộ, ngành và 3 tập đoàn nhà nước. Nội dung xác minh của bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng và các bản kê khai tài sản, thu nhập; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm so với bản kê khai tài sản, thu nhập.
Cụ thể, trong số 56 cá nhân được chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập có 2 cá nhân đang công tác tại Thanh tra Chính phủ; 4 cá nhân đang công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông; 5 cá nhân đang công tác tại Bộ Giao thông vận tải; 12 cá nhân đang công tác tại Bộ Công thương; 16 cá nhân đang công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10 cá nhân đang công tác tại Ngân hàng Nhà nước; 2 cá nhân đang công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 2 cá nhân đang công tác tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 3 cá nhân đang công tác tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Tại các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân được chọn xác minh tài sản, thu nhập có chức vụ vụ trưởng, cục trưởng và tương đương; tại 3 tập đoàn nhà nước có chức vụ tổng giám đốc, thành viên hội đồng thành viên và kế toán trưởng.
Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ không phải là vấn đề mới và được coi là một trong những khâu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, dư luận vẫn bày tỏ băn khăn rằng liệu việc kê khai ấy đã trung thực chưa? Vì rằng, thực tế cho thấy không ít trường hợp trước đó “không có vấn đề gì” khi kê khai, nhưng lúc ra tòa phải bồi thường thì rất nhanh chóng nộp những số tiền rất lớn. Vậy, số tiền ấy ở đâu ra?
Chẳng hạn, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", nhiều bị cáo đã nộp hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ví dụ, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội nộp 1,85 triệu USD, đồng thời Cơ quan điều tra thu giữ 210.000 USD, 146 lượng vàng của bị cáo này khi khám xét tại nhà. Trường hợp khác, đó là bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; nộp 42,6 tỷ đồng; bị cáo Vũ Anh Tuấn - cựu Phó trưởng phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an nộp hơn 20 tỷ đồng; bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nộp 16 tỷ đồng; bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu điều tra viên Bộ Công an, nộp 18,8 tỷ đồng.
Cũng mới đây, liên quan đến sai phạm trong vụ án Hạc Thành Tower ở Thanh Hóa, bị can Trịnh Văn Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ động nộp khoảng 22,5 tỷ đồng.
Tiền ở đâu ra mà nhiều thế?
Như vậy, việc dư luận bức xúc và đặt dấu hỏi về nguồn gốc tài sản và sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền là điều có thể hiểu được.
Nói như Luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM thì thực tế điều tra, truy tố, xét xử cho thấy khi nộp tiền khắc phục hậu quả, số tiền nộp được ghi nhận là do bị can, bị cáo tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè nộp toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại... là rất khó chấp nhận. Vì rằng, vậy thì từ nguồn nào mà gia đình, người thân, bạn bè của bị cáo có thể có số tiền rất lớn để nộp.
Vấn đề là phải bịt kẽ hở trong kê khai tài sản.
Việc kê khai tài sản, thu nhập đã được quy định rõ trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130 ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm cũng nêu “kê khai tài sản, thu nhập không trung thực” (Điều 9).
Nhiều ý kiến cho rằng trong việc kê khai tài sản, bên cạnh sự trung thực của người kê khai thì rất cần phải gắn với giám sát, kiểm tra và trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm ở đây không chỉ là trách nhiệm của người kê khai, mà còn là trách nhiệm của tổ chức, đơn vị tiếp nhận, giám sát, kiểm tra và công khai bản kê khai. Những tài sản bất minh cần phải được làm rõ. Nếu “giơ cao đánh khẽ” thì tình trạng trốn tránh kê khai tài sản, thu nhập, che giấu tài sản bất minh sẽ khó chấm dứt.