Những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin về kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn của Cục Cảnh sát Giao thông và Công an TP Hà Nội với nội dung: Cục Cảnh sát Giao thông sẽ triển khai chuyên đề tại các tỉnh, thành thời gian một tháng. Tại mỗi tỉnh, thành, sẽ kiểm tra nồng độ cồn trên tất cả tỉnh lộ và quốc lộ từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày.
Những thông tin đó được tung ra khi mà lực lượng chức năng đã và đang mạnh tay xử lý vi phạm về nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Vì thế nó lan tỏa rất mạnh, gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, Công an Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ, trong đó nói rõ không có chuyện lập 15 tổ đặc biệt kiểm soát nồng độ cồn. Việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm tài xế có nồng độ cồn, các vi phạm khác là việc vẫn được thực hiện trong suốt thời gian qua, không chỉ trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Đó là điều rất cần thiết để lập lại trật tự an toàn giao thông, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông.
Từ khi mạng xã hội bùng nổ, bên cạnh những thông tin tích cực thì cũng có nhiều tin giả, tiêu cực. Hẳn nhiều người còn nhớ hồi đại dịch Covid-19, nhiều thông tin sai sự thật, kể cả bịa đặt được tung ra gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến phòng, chống dịch. Ngày 6/3/2020, ngay sau khi cơ quan chức năng thông tin Hà Nội phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, lập tức trên mạng lan truyền rằng sẽ phun thuốc sát trùng toàn thành phố bằng máy bay trực thăng. Cùng đó là thông tin khan hiếm hàng hóa khiến nhiều người đổ xô đến siêu thị mua vét.
Nhưng rồi thực tế cho thấy đó đều là những thông tin bịa đặt, gây bất an xã hội. Hàng hóa vẫn dồi dào, và càng không có chuyện dùng máy bay “rải thuốc khử trùng từ trên trời xuống”. Hà Nội cùng cả nước vẫn bình tĩnh, kiên cường chống dịch.
Sai phạm đầu tiên đến từ những đối tượng tung tin thất thiệt, nhưng bên cạnh đó cũng đáng trách khi không ít người sử dụng mạng xã hội với danh nghĩa chia sẻ đã vô tư lan truyền tin xấu, độc hại. Vấn đề rất quan trọng là phải thẩm định, chọn lọc thông tin, biết đâu là đúng là sai.
Cùng với các đột phá trong công nghệ, nhất là các công nghệ có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các loại tin giả, ảnh giả càng có điều kiện lan tràn trên các mạng xã hội. Kẻ xấu tận dụng các công cụ mới này để ra sức lừa đảo bằng nhiều hình thức, kể cả làm các video cực ngắn, giả danh người thân sau khi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của họ để vay mượn tiền. Bên cạnh đó là tung tin giả, tin độc hại hòng tạo ra sự bất ổn.
Chính vì thế rất cần những biện pháp chế tài mạnh mẽ.
Trước nay, đối tượng tung tin xấu độc bị xử lý không ít. Nhưng do mức độ phạt nhẹ nên đã không đủ sức răn đe. Mặt khác, cùng rất cần phản ứng nhanh của cơ quan chức năng trước nạn tin giả, độc hại để định hướng dư luận, không có thời gian để chúng lưu hành, lan rộng.
Thế giới mạng chính là nơi dễ dàng phát tán nguồn tin giả nhất. Mỗi người phải tự xây dựng cho mình một bộ lọc. "Báo cáo rủi ro toàn cầu 2024" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng đã chỉ ra 10 rủi ro lớn nhất được dự báo trong năm nay, thậm chí kéo dài cả chục năm. Trong đó, WEF xếp thông tin gây hiểu lầm và tin giả do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra là một trong những mối đe dọa hàng đầu.
Theo WEF, tin giả gây chia rẽ và bất ổn xã hội. Cũng chính vì thế mà WEF lần này nêu cao khẩu hiệu “"Xây dựng lại niềm tin".