Cây thanh long ruột đỏ vốn được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam và đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thế nhưng, trong mấy năm gần đây, loài cây này cũng được bà con ở một số tỉnh, thành phía Bắc trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số các địa phương trồng thanh long ruột đỏ ở miền Bắc, tỉnh Sơn La như là một ví dụ tiêu biểu.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, UBND huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã tổ chức xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang Liên bang Nga. Như vậy, đây là năm thứ 2 năm liên tiếp, thanh long ruột đỏ của tỉnh Sơn La được xuất khẩu sang Liên bang Nga. Điều đó cho thấy chất lượng của quả thanh long ruột đỏ trồng trên đất Sơn La, đồng thời góp phần ghi nhận sự sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp của nông dân, góp phần nâng cao giá trị, ổn định đầu ra, giúp bà con yên tâm sản xuất, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Khoảng hơn 10 năm trước, cây thanh long ruột đỏ bắt đầu được trồng thử nghiệm trên vùng đất Sơn La. Nhiều người còn nhắc tới ông Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1952) ở Tiểu khu 7, xã Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La). Năm 2010, ông quyết định mua đất, đầu tư 1.000 trụ và chuyển sang canh tác cây thanh long ruột đỏ sau khi đã khá thành công với nhiều loại cây trồng khác như đậu, cà phê… Một lần, ông Vinh tình cờ gặp được một cán bộ viện nghiên cứu cần tìm địa điểm trên Sơn La, để thí điểm mô hình trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ giống mới. Sau khi trao đổi, nhận thấy đây là cơ hội quý giá để thử sức, ông Vinh chớp thời cơ.
Năm 2013, được viện nghiên cứu hỗ trợ cây giống, ông đầu tư 1.400 trụ thanh long và canh tác theo quy trình VietGAP. Sau một năm, 1.400 trụ thanh long bắt đầu bói quả. Quả cho mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, bán được giá cao hơn. Năm 2015, các trụ thanh long bắt đầu cho nhiều quả hơn, năng suất khoảng 300 triệu đồng mỗi héc ta. Và đến năm 2016, năng suất đã tăng lên gấp đôi.
Cũng thời gian đó, mô hình trồng thanh long ruột đỏ bắt đầu được nhân rộng ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu… Hiện nay, những gia đình trồng từ vài héc ta thanh long ruột đỏ không phải hiếm. Như gia đình ông Trần Văn Đồng ở bản Tiến Hưng (xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu) có 4 héc ta. Theo ông Đồng, gia đình chuyển đổi sang trồng cây thanh long ruột đỏ vì thấy thu nhập ổn định và thấy chi phí ít hơn nhiều loại cây trồng khác, mà giá trị kinh tế xuất khẩu, bán trong nước hiệu quả cao hơn.
Theo thống kê, huyện Thuận Châu có trên 3.600 héc ta cây ăn quả các loại, trong đó có 50 héc ta trồng thanh long ruột đỏ, đến nay đã có 40 héc ta cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 440 tấn quả.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết, để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa nông sản thích ứng với thị trường đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, huyện đã tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ tại thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản với các doanh nghiệp, các nhà phân phối tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Thuận Châu sẽ phát triển diện tích thanh long ruột đỏ lên từ 150-200 héc ta. Sản phẩm quả thanh long trồng trên địa bàn huyện Thuận Châu có kích thước đồng đều, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng.