Được biết tới là tác giả của cuốn sách “Hà Nội một chốn rong chơi” giành Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2014, TS Martin Rama- giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam vừa chính thức khởi động dự án Phát triển đô thị bền vững “Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn”.
Rất cần phương án nâng cấp những khu tập thể cũ.
Theo đó, dưới sự đều tiết của Nhà nước, dự án là cách tiếp cận của UNESCO về di sản văn hóa: Bảo vệ toàn diện các công trình hiện hữu; Xóa bỏ các quy tắc kiến trúc cứng nhắc đối với công trình mới xây dựng; Điều tiết các hình thức kinh doanh cấp phép; Việc bảo vệ kiến trúc được làm tốt hơn việc bảo vệ kết cấu xã hội; Hà Nội nên trở nên sinh động hơn thay vì trở thành một viện bảo tàng…
Trong đó, TS Martin Rama kỳ vọng dự án nhằm đưa đến cho Hà Nội một mô hình phát triển đô thị bền vững, có uy tín, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để giữ được một Hà Nội duyên dáng, độc đáo và đầy cá tính, một đô thị đáng sống nhất Đông Nam Á. Ngoài ra dự án sẽ chứng minh cho lãnh đạo của Hà Nội thấy rằng việc giữ gìn một Hà Nội cổ kính, giàu văn hóa và đậm bản sắc riêng bằng việc bảo tồn, phát huy kiến trúc cổ kính bên cạnh những tòa nhà hiện đại mới chính là con đường đầu tư sinh lời nhất, bền lâu nhất cho Hà Nội.
Theo TS Martin Rama, trong khi nhiều thành phố lớn Đông Nam Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi, thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống. Hơn thế nữa đó còn là một thành phố rất đáng yêu.
Không quá ngạc nhiên ở một đất nước có nền ẩm thực phong phú, Hà Nội giống như một món ăn được chế biến bằng những nguyên liệu tươi ngon với liều lượng lý tưởng. Những tòa nhà được xây dựng với rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau vẫn đang đứng hài hòa cạnh nhau, từ kiểu nhà truyền thống đến phong cách Xôviết, từ Art Déco cho đến kiểu Pháp, từ phong cách Beaux Arts cho đến những khu tập thể. Đền chùa và nhà thờ nằm xen lẫn với những khu buôn bán sầm uất.
Những con đường rợp bóng cây lấy cảm hứng từ kỷ nguyên Ánh sáng nằm xen lẫn với những ngõ hẹp theo phong cách Á Đông không thể lẫn lộn. Tuy nhiên, bản hòa âm vừa đầy sức sống vừa ngổn ngang của Thủ đô cũng đã, đang và sẽ còn làm đau đầu các nhà quản lý, bởi bên cạnh việc giữ cho những tuyến phố Hà Nội sự sống động, lấp lánh bản sắc riêng thì cũng còn phải tính toán những yêu cầu phát triển sao cho luôn gắn liền với xây dựng nét đẹp văn minh đô thị.
Do đó, theo TS Martin Rama, mô hình bảo tồn di sản của UNESCO không nên áp dụng cho một Thủ đô với hàng triệu dân như Hà Nội. Điều cần thiết là phải đưa ra mô hình bảo tồn có lợi nhuận cao khiến các nhà đầu tư quan tâm vì nó mang lại nhiều lợi nhuận hơn cả việc xây dựng chung cư cao tầng, trung tâm mua sắm. Dự án hướng tới nghiên cứu áp dụng trên một khối nhà chứ không phải một tòa nhà đơn nhất. Thay vì đưa ra quyết định cho một mảnh đất duy nhất, người ta phải tính đến giá trị toàn bộ khối.
Trong đó, khối nhà trong dự án sẽ có 3 sự kết hợp. Thứ nhất, kết hợp giữa bảo tồn, sử dụng lại những giá trị văn hóa, kiến trúc cũ cho phù hợp và xây dựng mới, hiện đại. Thứ hai, kết hợp nhiều chức năng trong khối nhà đó như: văn phòng, nhà ở và cửa hàng. Thứ ba, kết hợp các nhóm thu nhập khác nhau. Giả sử khu tập thể có 5 tầng thì 5 tầng dựng lên bên trên sẽ có hình dáng giống 5 tầng dưới. Tất nhiên thang máy sẽ được lắp thêm. Cư dân của khu tập thể sẽ được chuyển lên sống trên 5 tầng mới xây trong khi 5 tầng cũ được nâng cấp. Sau cải tạo có thể bán các căn hộ của 4 tầng và dành tầng 1 để làm hàng quán.
TS Martin Rama.
Hay như việc bảo tồn phố cổ Hà Nội thì cần sự quan tâm của các cấp các ngành, ngoài các đơn vị thực hiện chính, còn cần huy động từ các cá nhân có tình yêu với Hà Nội, ủng hộ dự án. Việc bảo tồn các khu phố cổ của Hà Nội phải đảm bảo lợi ích của những sinh sống trong khu phố. TS Martin Rama cũng đề xuất một cách tiếp cận mới, mang tính tổng thể về bảo tồn phố cổ Hà Nội. Cách tiếp cận này đòi hỏi có sự tham gia của các cấp chính quyền với các can thiệp chính sách, sự tham gia của các nhà đầu tư nhằm đảm bảo tính sinh lợi của bảo tồn và sự đồng thuận của cư dân.
Đặc biệt, dự án phát triển đô thị bền vững “Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn” sẽ tiến hành nghiên cứu tiến hành trên một khối nhà với những đặc điểm thích hợp như đan xen giữa các tòa nhà hiện đại với biệt thự Pháp cổ bị bỏ quên, khu tập thể, chung cư cũ tưởng không còn giá trị, những con ngõ nhỏ… Trong đó sẽ xem xét việc cải tạo biệt thự Pháp cổ, nâng cấp khu tập thể, xây mới các tòa nhà hiện đại vào các khoảng trống, xây các khu thương mại bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê độc đáo, có bản sắc; các không gian công cộng với cây xanh, quảng trường; các khu vực dành cho người đi bộ được mở xung quanh các tòa nhà có giá trị về kiến trúc. TS Martin Rama cũng phân tích nếu chỉ chăm chăm vào việc bảo tồn các kiến trúc cũ theo cách “đi ngược lại các lực lượng thị trường là tự mình làm mình thua cuộc”…
Theo kế hoạch trước mắt Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sẽ thúc đẩy hàng chục nghiên cứu về pháp lý, kỹ thuật, xã hội, thiết kế… nhằm đi đến mục tiêu cuối cùng là cải tạo lại những công trình kiến trúc của Hà Nội, bảo vệ và thúc đẩy chúng mang lại giá trị lớn hơn nhiều cho thành phố và người dân.