Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi luật quy định thực hiện dân chủ cơ sở ở trong doanh nghiệp.
Giải quyết bất cập trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc ban hành luật này sẽ giải quyết những bất cập trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua. Tuy nhiên theo ông Tuấn, luật chưa cụ thể hoá phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
“Cần làm rõ cái gì cần công khai? Công khai thế nào? Nội dung gì đưa ra dân bàn, dân cho ý kiến. Cũng như việc nhân dân giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với cán bộ, viên chức, người lao động như thế nào? Gắn với phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam” - ông Tuấn lưu ý, đồng thời đề nghị, cán bộ công chức, viên chức cần thực hiện cả dân chủ ở nơi cưu trú để tránh việc cán bộ công chức chỉ thực hiện dân chủ ở nơi công tác.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, cần giám sát việc thực hiện dân chủ đối với cả viên chức, chứ không chỉ đối với cán bộ công chức. Bởi ngoài là công chức, viên chức thì họ còn sinh sống ở địa bàn khu dân cư, nơi cư trú. Vì vậy cần giám sát cả việc thực hiện dân chủ đối với cán bộ công chức, viên chức tại nơi cư trú, nơi sinh sống.
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, dự thảo luật cần thể hiện đầy đủ, rõ nét hơn chủ trương của Đảng về mở rộng quyền dân chủ, phạm vi dân chủ thể hiện ở việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chủ chốt ở cơ sở do HĐND cùng cấp bầu được quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quy định về việc giám sát việc thực hiện trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.
Về trách nhiệm của Nhà nước, người dân, bà Vân đề nghị bổ sung chế tài đối với người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời với nhân dân, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân; chế tài đối với người dân cố tình lợi dụng dân chủ để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của Nhà nước, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cộng đồng. “Dự thảo luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong các khâu thực hiện dân chủ ở cơ sở, của chính quyền cấp trên cơ sở trong việc bảo đảm các quy định được thực hiện nghiêm túc” - bà Vân nói.
Người lao động được quyền giám sát những gì?
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đề xuất luật cần phải có 1 chương riêng liên quan đến triển khai thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp (DN). Nhất là các DN nhà nước, trong đó có nội dung cần công khai về chế độ chính sách của người lao động để người lao động tham gia ý kiến, góp ý kiến, bàn bạc. Nhiều người lao động thiệt thòi trong cơ chế, chính sách chế độ.
“Nhiều DN nhà nước trong phân bổ tiền lương không công khai, thực hiện chính sách, chế độ đối với người lao động. Đến khi thanh tra mới phát hiện ra và thực hiện truy thu. Do đó, luật cần quy định rõ người lao động được quyền giám sát cái gì? Giám sát thế nào cần quy định trong luật” - ông Trí nói và đề nghị luật cần quy định rõ, có cơ chế, tạo mọi điều kiện để MTTQ phát huy vai trò của mình, chủ động đề xuất để nhân dân thực hiện giám sát để tránh việc lạm quyền tại cơ sở.
Đồng tình việc thực hiện dân chủ cơ sở ở các cơ quan nhà nước, xã phường, thị trấn. Tuy nhiên đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn về thực hiện dân chủ ở trong DN. “Đối với cơ quan nhà nước, tôi đóng thuế, trả tiền nuôi ông thì tôi phải là “ông chủ”, ông phải báo cáo với tôi. Nhưng trong khối DN lại là khác. Vì tôi bỏ tiền thuê mà anh lại “ngồi lên đầu” giám sát tôi. Như thế là lộn ngược. Tôi mất tiền trả lương, thuê anh mà anh lại trở thành “ông chủ”. Bỏ tiền ra nuôi mà tự nhiên có ông suốt ngày kè kè bắt báo cáo cả về tình hình sản xuất kinh doanh. Nếu thế bí mật kinh doanh lộ lọt hết. Như vậy sẽ tạo gánh nặng cho DN, không khéo lợi dụng dân chủ ở cơ sở để tạo sức ép cho DN, tăng chi phí. Do đó thực hiện dân chủ cơ sở ở xã phường thị trấn là rất thiết thực, còn trong DN cần xem xét tính hợp lý” - theo ông Lâm.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị, luật cần làm rõ tính tương thích trong thực hiện dân chủ ở trong DN.
“Vì quan hệ lao động là thỏa thuận dân sự, bỏ tiền thuê ông mà ông lại đi giám sát tôi. Còn trong cơ quan nhà nước cũng vậy. Nói thế thôi chứ thủ trưởng chưa cho nói có dám nói không? Do đó tính tương thích luật pháp cần phải làm rõ, không có ban hành xong lại không thực hiện được, trở thành hình thức” - ông Thịnh nói.
Theo ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cần phân biệt làm rõ ranh giới giữa mệnh lệnh trong quản lý nhà nước, và xin ý kiến nhân dân tại cơ sở. Nếu lẫn lộn không giải quyết được mà vướng.
“Vì có việc trong hành chính nhà nước phải chấp hành chứ không phải lấy ý kiến nhân dân cho dân chủ. Ví dụ giờ quy hoạch đường sá. Nếu dân không đồng ý thì có làm được không?” - ông Trị nêu vấn đề.
Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Liên quan đến việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, tại dự thảo luật lần này, Chính phủ đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp), việc bổ sung quy định như dự thảo luật là rất cần thiết, vừa đảm bảo giữ gìn tính tôn nghiêm, sự thiêng liêng của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, vừa đáp ứng được nhu cầu phổ biến và hưởng thụ của nhân dân, yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn trong và ngoài nước, đồng thời đảm bảo quy định phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ.