Làm sao về được mùa đông…

THƯ HOÀNG 12/11/2023 08:33

Trong những ngày cuối thu đầu đông này, những giai điệu trong bài “Nỗi nhớ mùa đông” của nhạc sĩ Phú Quang lại vang lên: “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi…”.

Nhạc sĩ Phú Quang.

Âm nhạc của Phú Quang là vậy. Nó gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy lãng mạn và kiêu sa trong lòng công chúng yêu nhạc ông. Nó đủ khiến nhiều người sống ở Hà Nội ngân rung những câu hát vang vọng từ “Em ơi, Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Đâu phải bởi mùa thu”… khi bất chợt bắt gặp những khoảnh khắc giao mùa, hay khi người ta cảm thấy trống vắng…

Nhạc sĩ Phú Quang chia xa người thân, bạn bè và công chúng yêu nhạc ông gần 2 năm (ông mất ngày 8/12/2021). Hai năm qua, công chúng không còn thấy hình ảnh Phú Quang trong những đêm nhạc hay trong những buổi ra mắt album. Nhưng âm nhạc của ông thì vẫn vang lên trên các sân khấu lớn nhỏ, và quan trọng hơn, vẫn ngân rung trong trái tim người yêu nhạc, yêu Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Ông từng học tại Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc, sau đó công tác tại các nhà hát, làm việc cho các dàn nhạc ở Hà Nội, TPHCM.

Phú Quang là người có biệt tài phổ thơ. Hầu hết những bài hát của ông đều được những bài thơ, tứ thơ của các thi sĩ dẫn lối, khơi nguồn. Nếu “Em ơi, Hà Nội phố” được nảy ra sau khi đọc trường ca của nhà thơ Phan Vũ thì ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” được hoàn thành sau khi đọc bài thơ "Không đề gửi mùa đông" của nữ sĩ Thảo Phương:

"Dường như ai đi ngang cửa,

Hay là ngọn gió mải chơi?

Chút nắng vàng thu se nhẹ,

Chiều nay,

Cũng bỏ ta rồi.

Làm sao về được mùa đông?

Chiều thu - cây cầu...

Đã gãy.

Lá vàng chìm bến thời gian,

Đàn cá - im lìm - không quẫy.

Ừ, thôi...

Mình ra khép cửa,

Vờ như mùa đông đang về!

Sinh thời, nhạc sĩ từng chia sẻ, ông bắt gặp bài thơ “Không đề gửi mùa đông” của Thảo Phương trong tập thơ được nữ thi sĩ tặng. Vì yêu thích những câu thơ, ông đã viết thêm ca từ tạo nên ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông”. Bài hát ra đời khi Phú Quang đang ở TPHCM, lòng da diết nhớ Hà Nội, nhớ người thân, bạn bè, nhớ về mùa đông xứ Bắc.

Về “bí quyết” phổ thơ, có lần nhạc sĩ tâm sự: “Đôi khi tôi chỉ nhặt một câu thơ mà tôi thích, rồi tôi viết thêm ca từ của tôi vào. Tôi kể câu chuyện của tôi, đằng sau câu chuyện mà nhà thơ đã kể. Một câu thơ thôi nhưng sẽ là vĩnh viễn không có bài hát nếu tôi không nhìn thấy câu thơ đó. Bởi vậy tôi luôn đề rõ điều này trong tác phẩm để tỏ lòng tôn kính người đã gợi cảm hứng sáng tác cho mình…”

Nếu nhạc sĩ Trần Tiến có khả năng vừa đàn ghi ta vừa hát những ca khúc do ông sáng tác thì nhạc sĩ Phú Quang cũng là người kể chuyện có duyên. Những câu chuyện, hay những tự sự của Phú Quang thường rất thu hút công chúng. Thế nên, sinh thời, nhiều đêm nhạc của Phú Quang ông tự dẫn dắt, hoặc nếu không, có khi ông cũng “át” cả người dẫn chương trình. Công chúng yêu âm nhạc cũng thích Phú Quang kể chuyện và đệm dương cầm cho ca sĩ biểu diễn. Hình ảnh “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” mà ông tạo ra, đầy mơ mộng và quyến rũ.

Bây giờ thì ông đã đi xa. Nhưng mùa thu này, công chúng yêu âm nhạc sẽ được gặp lại những ca khúc của Phú Quang trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm nhạc “Những mảnh hồi ức chợt hiện”. Hai đêm nhạc sẽ được gia đình nhạc sĩ Phú Quang tổ chức vào lúc 20h, ngày 7 và 8/12 để kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông.

Nghệ sĩ Trinh Hương - con gái nhạc sĩ Phú Quang cho biết, tên của đêm nhạc được lấy cảm hứng từ tựa sách hồi ký xuất bản năm 2016 của nhạc sĩ Phú Quang. Với mong muốn tái hiện lại những tác phẩm âm nhạc trong suốt sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang, hình ảnh "những mảnh hồi ức" được thể hiện với sự đan xen lúc ẩn lúc hiện, lúc tỏ lúc mờ, tựa như một cuốn sách đầy kỷ niệm và cảm xúc, mỗi ca khúc gắn với một mảnh hồi ức như một trang mới trong cuốn sách đầy ý nghĩa về cuộc đời của cố nhạc sĩ.

Xuyên suốt chương trình, khán giả sẽ được dẫn dắt trong cuộc hành trình qua thời gian và không gian, từ "những cuộc gặp" đầu tiên của một nghệ sĩ trẻ đầy niềm đam mê, qua những tháng năm thăng trầm của thành công, đến những cuộc hẹn tình cờ với quá khứ và hiện tại. Mỗi ca khúc sẽ là một "điểm hẹn", mỗi bản nhạc sẽ là một "mảnh ghép" quan trọng trong câu chuyện đầy cảm xúc về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Phú Quang.

Và ở đó, chắc chắn giai điệu của “Nỗi nhớ mùa đông” sẽ lại vang lên: “Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao về được mùa đông…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO