Chỉ tính riêng trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch Covid-19, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã tiếp nhận gần 550.000 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó, hơn 200 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trẻ em và gần 1/4 liên quan đến xâm hại trẻ em. Đây là dấu hiệu đáng báo động về sự gia tăng trở lại của tình trạng bạo hành đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự dồn nén tâm lý của các thành viên trong gia đình về những khó khăn do kinh tế, tình cảm, phương pháp nuôi dạy… đã dẫn tới con số về các vụ bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng có lẽ là nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ.
Theo UNICEF, trong tổng số 136 quốc gia thực hiện khảo sát về tác động của dịch Covid-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có tới 104 quốc gia báo cáo về sự gián đoạn các dịch vụ liên quan đến chống bạo lực trẻ em. Khoảng 2/3 số quốc gia thực hiện khảo sát ghi nhận ít nhất một dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Nam Phi, Malaysia, Nigeria và Pakistan. Nam Á, Đông Âu và Trung Á là những khu vực có nhiều nước bị gián đoạn các dịch vụ bảo trợ trẻ em nhất.
Giám đốc Điều hành của UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Việc đóng cửa các trường học và các biện pháp hạn chế đi lại đã làm tăng thời gian trẻ em phải ở nhà với những đối tượng bạo hành. Tiếp đó tác động của đại dịch đến các dịch vụ bảo trợ trẻ em và nhân viên làm công việc này đồng nghĩa với việc trẻ em không có nơi nào để tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Trong bối cảnh các nước thực hiện các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19, nhiều dịch vụ về phòng, chống bạo lực đã bị gián đoạn hoặc ngừng lại. Hơn một nửa số quốc gia thực hiện khảo sát báo cáo về tình trạng gián đoạn trong quản lý dịch vụ bảo trợ, các hoạt động thăm nom của các nhân viên bảo trợ đối với trẻ em và phụ nữ có nguy cơ bị xâm hại.
Thậm chí trước đại dịch, việc trẻ em trở thành đối tượng bạo hành cũng đã xuất hiện tại nhiều nước. Ước tính khoảng một nửa số trẻ em trên thế giới bị đánh đập tại nhà, 3/4 số trẻ em trong độ tuổi từ 2-4 thường xuyên phải chịu các hình thức phạt nghiêm khắc và cứ trong 3 trẻ vị thành niên nữ trong độ tuổi từ 15-19 thì có 1 người là nạn nhân của một số hành vi bạo hành. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, việc hạn chế tiếp xúc bạn bè, giáo viên, nhân viên bảo trợ trẻ em, các thành viên gia đình, xã hội đã khiến trẻ em trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Khảo sát nhanh thực hiện bởi Đại học Y Hà Nội cho kết quả: cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ chịu bạo lực trong thời gian dịch Covid-19. Bạo lực tinh thần là phổ biến nhất với tỷ lệ 66,9%, bạo lực thể chất chiếm 39,1% và xâm hại tình dục là 10%.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng, trước điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn của nước có trình độ phát triển thấp thì những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em thời gian qua là rất đáng ghi nhận, khích lệ. Bên cạnh kết quả đạt được thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với mục tiêu, kỳ vọng, Việt Nam còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương và của toàn xã hội, mỗi cá nhân để dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Quyết liệt đối với xử phạt hành vi bạo lực trẻ em
Về xử phạt hành chính, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 91/2011/NĐ-CP với mức xử phạt cao nhất đối với hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi từ 5 triệu tăng lên thành 10 triệu đồng. Đối với hành vi tổ chức, bắt trẻ đi xin ăn thì mức xử phạt cao nhất từ 10 triệu tăng lên thành 15 triệu đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thay thế cho bộ luật hình sự 1999 đã quy định rõ trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Mức hình phạt cao nhất cho tội ngược đãi và hành hạ người dưới 16 tuổi cũng tăng lên đến 3 năm tù giam. Trong trường hợp nghiêm trọng gây chết người có thể bị phạt tù chung thân.
Tiến trình xây dựng nền tư pháp thân thiện đối với trẻ em cũng được khởi động với việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên và ra đời nghị định 06 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự và xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tạo ra sự thay đổi về tư pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục.
Ngoài các vụ bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần cũng nghiêm trọng không kém, nhưng lại khó phát hiện, khó định tội và khó xử lý hơn, Đây được coi là tảng băng chìm trong cuộc chiến chống lại nạn bạo lực với trẻ em. Đáng tiếc là lại đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong chính các gia đình, các lớp học, bởi những người thân thiết nhất với các em.