Văn hóa

Làm xong không phải để... 'cất kho'

Phương Anh 12/12/2024 12:57

Tuy không nhiều nhưng hàng năm Nhà nước vẫn đầu tư kinh phí làm phim. Song do nhiều lý do, không ít bộ phim sau khi chiếu ra mắt, dự liên hoan thì thường lại... cất vào kho. Như vậy, dù dùng tiền ngân sách nhưng đời sống của những bộ phim này quá ngắn ngủi, không được đông đảo khán giả biết tới, không có sức lan tỏa. Điều đó cũng chính là lãng phí.

Rất đáng nói là một số bộ phim được đầu tư từ nguồn kinh phí nhà nước có nội dung, nghệ thuật tốt nhưng vẫn không được ra rạp, trình chiếu rất hạn chế. Ví dụ như bộ phim “Đào, phở và piano” trở thành một hiện tượng phim do Nhà nước đầu tư, chỉ với ít buổi chiếu giới hạn đã lập tức gây tiếng vang lớn. Bối cảnh phim cách xa cuộc sống hôm nay nhưng vẫn được giới trẻ chia sẻ cảm xúc và ngưỡng mộ. Nhưng con đường ra rạp để chiếu doanh thu thì vẫn còn xa.

Cùng với “Đào, phở và piano”, nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng cũng có chất lượng cao, như “Truyền thuyết Quán Tiên”, “Bình minh đỏ”, “Đường xuyên rừng”, hay như phim “Bà già đi bụi” - phim đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu... Ai có dịp xem cũng đều thấm thía.

Tuy vậy, cho đến nay “giấc mơ ra rạp” của những bộ phim này vẫn còn ở phía trước, con đường ra rạp vẫn gập ghềnh. Bi quan, nhiều người cho rằng phim do Nhà nước đầu tư không mang lại doanh thu, chỉ phục vụ miễn phí cho các tuần phim hay là để tham dự các liên hoan phim, chỉ dừng lại ở những suất chiếu hạn chế.

Thực tế ấy cho thấy rất cần thay đổi về chính sách phát hành phim do Nhà nước đầu tư, không thể để những bộ phim này luôn rơi vào tình trạng sản xuất xong để đó mà không thể phát hành, không phổ biến rộng rãi.

Theo đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn, phần lớn những bộ phim Nhà nước đầu tư phải đem “cất kho” hoàn toàn không liên quan đến chất lượng mà chủ yếu do vướng mắc cơ chế. Rắc rối đầu tiên là việc sử dụng vốn ngân sách và tài sản nhà nước thì dẫu có thu được hàng trăm tỷ đồng doanh thu thì e rằng vẫn phức tạp về thủ tục giấy tờ thanh toán. Trong khi đó, chưa có quy định về chia tỷ lệ % cho phát hành phim do nhà nước đặt hàng, bao nhiêu % doanh thu chia sẻ cho rạp, cho đơn vị sản xuất khi đưa phim ra bán vé... Hầu hết các cụm rạp chiếu phim hiện nay do tư nhân sở hữu, điều đó khiến cho phim nhà nước đặt hàng rất khó “chen chân”.

Chính vì vậy, rất cần có cơ chế thích hợp trong việc phát hành đối với phim do Nhà nước đặt hàng, chỉ có như vậy mới có thể ra rạp. Khi đã “sòng phẳng” với phim do tư nhân sản xuất thì sẽ đem tới sự thay đổi quan trọng, đó là chinh phục được khán giả rộng rãi.

Nói như đạo diễn Đào Thanh Hưng - Giám đốc Hãng phim tư nhân Miền đất điện ảnh, kể cả một bộ phim nhà nước đầu tư bỗng nhiên trở thành hiện tượng như “Đào, phở và piano” thì khách quan cũng đã cho thấy sự bối rối vì không kịp xoay sở để đón nhận thắng lợi này. Ông Hưng cho rằng, phim Nhà nước đặt hàng đang không có kế hoạch phát hành, chỉ chiếu và mong chờ khán giả để ý thì đến, không để ý thì thôi, như thế rất lãng phí.

Phim Nhà nước đặt hàng không đặt mục đích thương mại lên hàng đầu. Tuy nhiên, đã là phim thì vẫn phải hay và phải ra rạp, bán vé, từ đó mới tạo nên hiệu quả xã hội mạnh mẽ. Chính vì thế ở lĩnh vực này đang rất cần sự thay đổi. Sự thay đổi đó trước hết phải đến từ cơ quan quản lý nhà nước và chính đội ngũ những người làm phim.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm xong không phải để... 'cất kho'