ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) xây dựng, trình, và đề nghị bổ sung dự án Luật Hành chính công vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và kỳ họp thứ 11 của Quốc hội vào tháng 3 tới. Quan điểm của bà Khánh được đưa ra tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 17/2.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh- ảnh VNN.
Theo đó, dự án Luật Hành chính công là sáng kiến lập pháp của cá nhân bà Khánh, và được bà cùng với các chuyên gia, các thành viên của Viện nghiên cứu Lập pháp soạn thảo.
Bà Khánh cho biết, dự án Luật Hành chính công được đại biểu và nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Lập pháp soạn thảo hướng đến triển khai thi hành Hiến pháp 2013 với điểm mới là tôn trọng quyền con người, quyền công dân và kiểm soát quyền lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế và thực tiễn thi hành pháp luật về hành chính công đang là những rào cản gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Từ đó, góp phần vào việc tăng tính hiệu quả, năng động của nền hành chính và tính cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
“Dự án Luật còn nhằm khắc phục và lấp đầy những khoảng trống trong nền hành chính công” - bà Khánh cho hay.
Cũng theo bà Khánh, nội dung dự án Luật Hành chính công đề cao nguyên tắc nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hoạt động của cơ quan, tổ chức. Mặt khác, để thực hiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực của Hiến pháp, dự án Luật còn tập trung quy định vấn đề kiểm soát hành chính công.
“Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2014, chỉ số phát triển chính phủ Việt Nam xếp hạng thứ 99 trên thế giới, giảm gần 16 bậc so với năm 2012. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến thấp, chỉ đạt 0,41 điểm, trong khi Singapore là 0,992 điểm; Malaysia là 0,667 điểm” - bà Khánh dẫn chứng và cho rằng: “Yêu cầu của Chính phủ là tăng cường môi trường, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính công theo hướng tinh nhanh, hiện đại là tất yếu khách quan và rất cần thiết. Dự án Luật Hành chính công xây dựng nhằm khắc phục những bất cập này, theo đó thuật ngữ Chính phủ điện tử lần đầu tiên sẽ được đề xuất sử dụng trong Dự án Luật chứ không quy định chung chung là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước”.