Tinh hoa Việt

Làn sóng di cư tự do trong hành trình vô định

PHAN QUANG VŨ 31/03/2024 05:58

Trong một báo cáo công bố giữa tháng 3/2024, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết năm 2023 là năm có số người di cư thiệt mạng cao nhất kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thống kê từ khoảng 10 năm trước.

Con số đó tăng 20% so với năm 2022. Trong khi số liệu của năm 2023 cũng đã vượt qua mức cao nhất từng được ghi nhận trước đó là 8.084 người vào năm 2016. Hành trình vượt biển Địa Trung Hải vẫn là tuyến có nhiều người thiệt mạng nhất, với ít nhất 3.129 người thiệt mạng hoặc mất tích trong năm 2023. Hơn 50% tổng số người di cư thiệt mạng vì đuối nước, 9% vì tai nạn giao thông và 7% vì bạo lực.

Châu Âu và Bắc Mỹ từ lâu đã được coi là “bến đỗ tấp nập nhất thế giới” của người di cư tự do. Trên hành trình vô cùng gian nan, những người di cư tự do phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, đói khát và một tương lai vô định. Tuy nhiên, làn sóng di cư vẫn tiếp diễn.

anh-3.jpg
Lực lượng tuần duyên tìm cách kiểm soát một con tàu chở người di cư với ý định vượt qua eo biển Manche.

Châu Âu ứng phó với làn sóng người nhập cư bất hợp pháp

Để ngăn chặn “từ gốc” làn sóng người di cư đặt chân lên lãnh thổ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng như tránh những cái chết bi thảm của người di cư, châu Âu đã ngăn chặn sản xuất các loại thuyền nhỏ. Sáng kiến do Anh và Pháp đưa ra thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng các nước gồm Anh, Pháp, Bỉ, Đức và Hà Lan cũng như Ủy ban Châu Âu (EC), hồi đầu tháng 3/2024.

Thông tin từ Bộ Nội vụ Anh cho biết nhóm các quốc gia Bắc Âu đã nhất trí hướng tới “quan hệ đối tác hải quan” mới nhằm ngăn chặn việc cung cấp những chiếc thuyền nhỏ dùng để chở người di cư qua eo biển Manche. Theo đó, chính phủ các nước đối tác và cơ quan hải quan của mình sẽ chia sẻ thông tin liên quan đến việc vận chuyển nguyên vật liệu làm thuyền nhỏ được sử dụng cho các hoạt động di cư bất hợp pháp.

Sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh Anh, không còn là thành viên EU kể từ năm 2020, đang nỗ lực ngăn chặn hàng chục nghìn người di cư đến các bờ biển phía Đông Nam của nước này mỗi năm trên những chiếc thuyền nhỏ từ lục địa châu Âu.

Trong khi đó, Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu (Frontex) cho rằng, việc lỏng lẻo trước làn sóng người di cư bất hợp pháp là không thể chấp nhận. Tháng 4/2024, các nước EU sẽ ngồi lại để tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU, Hungary là nước đã bắt đầu áp dụng luật nhập cư nghiêm ngặt nhất, kể từ ngày 1/3/2024, với mục đích "nhằm ngăn chặn người di cư đến quốc gia này, kể cả với tư cách lao động khách mời".

Dựa trên các quy định nhập cư mới, những người nước ngoài dù có giấy phép nhưng không phù hợp với luật pháp hiện hành của Hungary sẽ phải rời khỏi quốc gia Trung Âu này ngay lập tức. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, áp lực di cư ngày càng tăng buộc chính phủ do ông lãnh đạo sẽ phải thắt chặt các quy định về nhập cư.

Cho dù đã không còn là thành viên EU, nhưng trước làn sóng người nhập cư bất hợp pháp tăng mạnh, Chính phủ Anh cũng đã phải kêu gọi sự hợp tác chung. Cụ thể, các cơ quan biên giới Anh và Cơ quan biên giới EU sẽ được tiếp cận thông tin tình báo của nhau để đảm bảo an ninh biên giới và chống tội phạm nhập cư có tổ chức.

Thông báo của London hồi cuối tháng 2/2024 nêu rõ, các cơ quan biên giới Anh và Cơ quan biên giới EU (Frontex) sẽ được tiếp cận thông tin tình báo của nhau để đảm bảo an ninh biên giới và chống tội phạm nhập cư có tổ chức. Hai bên cũng sẽ được huấn luyện, triển khai nhân viên từ bên kia và hợp tác nghiên cứu phát triển các công nghệ mới.

Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly nhận định tội phạm tổ chức đưa người nhập cư trái phép và buôn người là những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp và tầm nhìn chung. Ông đánh giá thỏa thuận giữa Anh và Frontex là một trong những bước đi quan trọng nhằm giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, đảm bảo an ninh cho biên giới Anh và dừng các tàu nhập cư đến Anh. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng cho rằng người di cư bất hợp pháp từ EU tới Anh bằng thuyền qua eo biển Manche là tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa Anh và EU sau khi London rời khối này.

anh-2.jpg
Cảnh sát biển Hy Lạp giúp người di cư tại đảo Lesbos.

Địa Trung Hải và eo biển Manche vẫn nóng

Có thể thấy, dòng người nhập cư “tập kết” tại châu Phi trước khi “đổ bộ” vào châu Âu đã liên tục gia tăng trong nững năm gần đây. Hai con đường vượt biển quan trọng nhất chính là Địa Trung Hải và eo biển Manche.

Địa Trung Hải là tuyến biển “tấp nập” khi người di cư tự do từ châu Phi vào châu Âu. Bến đỗ đầu tiên của họ là Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, những người nhập cư sau đó thường theo đường bộ sang các nước khác trong EU. Hành trình băng qua Địa Trung Hải của họ thường trông cậy vào những tổ chức buôn người, với số tiền phải trả cho mỗi trẻ em dưới 15 tuổi là 1.500 USD, người lớn là 3.000 USD - theo Frontex. Đó là số tiền rất đắt đỏ vì trong điều kiện thuận lợi họ có thể tới bờ biển Italy chỉ trong vòng 10 giờ.

Họ được các nhóm buôn người đưa xuống những con tàu cao su hoặc tàu sắt đã cũ nát, chen chúc và đói khát suốt hành trình. Ariadna Blonde, một nữ cảnh sát tuần duyên Hy Lạp cho biết, các nhóm “chở thuê” sử dụng phương tiện rẻ tiền nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Mặt khác, khi bị tàu của cảnh sát biển truy đuổi, chúng sẵn sàng vứt bỏ phương tiện lẫn người di cư.

Cô Ariadna cho biết, việc truy quét các nhóm buôn người là vô cùng khó khăn vì chúng tổ chức khá hoàn hảo, thông tin nhanh nhạy, cảnh sát biển thường bị chúng phát hiện từ rất xa.

anh-4.jpg
Dòng người di cư băng qua khu rừng rậm Darien Gap. Ảnh: The Canberra Times.

Francesco Petrarca - một nhân viên tuần duyên biển Tây Ban Nha cho biết, không ít lần họ giữ được những con tàu cũ kỹ chở người di cư, nhưng không thấy người lái tàu. Người di cư cho biết, khi có tín hiệu cảnh sát biển tới gần, những người này đã ném thuyền cao su xuống biển, rồi nhanh chóng trèo lên tẩu thoát.

“Chúng tôi không thể đẩy họ trở lại với biển cả, đành phải đưa họ vào bờ, chờ chính quyền địa phương xử lý” - Francesco nói và cho biết thêm rằng đó là giải pháp nhân đạo nhưng mặt khác cũng cho thấy việc làm của cảnh sát biển trong nhiệm vụ ngăn chặn dòng người di cư qua Địa Trung Hải hầu như không nhiều ý nghĩa.

Còn tuyến đường di cư qua eo biển Manche chính là cách người di cư “mượn tạm bến đỗ” EU rồi sang Anh. 5 năm qua, hơn 100.000 người di cư đã vượt eo biển Manche vào Anh.

Một báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cho biết, chỉ trong ngày 11/8/2023 đã có tới 755 người di cư bị phát hiện trên 14 chiếc tàu nhỏ hướng đến bờ biển miền Nam nước Anh. Tuyến đường qua eo biển Manche là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới với rất nhiều vụ lật tàu và nhiều người di cư chết đuối trong thập niên qua.

Hành trình vượt eo biển Manche trên những con thuyền nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, với các thảm kịch đắm thuyền từng xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng. Tháng 11/2021, ít nhất 27 người đã chết đuối khi thuyền bị lật trong lúc vượt eo biển này.

Tháng 1/2024, Chính phủ Anh cho biết họ đã thỏa thuận với Chính phủ Pháp dành 480 triệu bảng Anh (khoảng 610 triệu USD) để tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn người nhập cư. Năm 2023, gần 30.000 người nhập cư đã vượt eo biển Manche từ lục địa châu Âu sang Anh, giảm khoảng 36% so với năm trước đó. Tuy nhiên, số lượt người nhập cư bất hợp pháp ở bờ biển Đông Nam xứ England trong năm 2023 là 29.437 người, cao thứ 2 trong các dữ liệu hằng năm được ghi chép từ năm 2018.

untitled-1(2).jpg
Đoàn người di cư chờ làm thủ tục sau khi vượt qua rào chắn ở khu vực biên giới giữa Mexico và bang Arizona (Mỹ).

Châu Mỹ tìm mọi cách ngăn chặn làn sóng di cư

Ngày 30/10/2023, đại diện 11 quốc gia Mỹ Latin và Caribe đã nhóm họp tại thành phố Palenque (miền nam Mexico), để tìm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư trong khu vực.

Là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới, khu vực biên giới Mỹ - Mexico là điểm nóng khiến cả hai quốc gia Bắc Mỹ phải đau đầu và kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ của các nước trong khu vực.

Hội nghị mang tên “Cuộc gặp Palenque: Vì tình láng giềng hữu nghị và thịnh vượng”, với mong muốn đặt nền móng cho việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ thúc đẩy người dân di cư, như nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu cơ hội việc làm và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), năm 2022, đã có 686 người thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình di cư đến khu vực biên giới Mỹ - Mexico. Trong vòng 10 tháng của năm 2023, có đến 1,7 triệu người di cư đã tới khu vực này.

Tổng thống Mexico Lopez Obrador cho biết, mỗi ngày có khoảng 6.000 người di cư từ biên giới phía nam giáp Guatemela vượt biên giới vào Mexico và khoảng 10.000 người di cư đến biên giới phía bắc giáp Mỹ. Những người di cư luôn đối mặt với rủi ro bởi nạn bắt cóc, sát hại, tai nạn giao thông...

Trong khi đó, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho rằng, những đối tượng buôn người đang lợi dụng lỗ hổng tại bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico để đưa người di cư vào Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mexico Lopez Obrador mô tả việc Mỹ cho phép xây dựng thêm một phần bức tường biên giới là “bước thụt lùi” trong chính sách nhập cư, vì không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhập cư trái phép.

Nhiều năm qua, biên giới Mexico - Mỹ đã chứng kiến những thảm kịch di cư chết chóc thương tâm. Ngày 27/6/2022, người ta đã tìm thấy thi thể 46 người người nhập cư ở ngoại ô San Antonio, bang Texas (Mỹ). Thành phố San Antonio, cách biên giới Mexico khoảng 250km, là con đường chính trung chuyển người di cư của bọn buôn người. Trước đó, tháng 7/2017, cảnh sát San Antonio đã phát hiện 39 người di cư bị nhồi nhét trong một chiếc xe đầu kéo 18 bánh. 10 người chết và hơn chục người phải nhập viện. Ông Adan Lara Vega - một nạn nhân may mắn sống sót cho biết ông đã phải trả 5.500 USD cho hành trình từ Mexico vào Mỹ và được thông báo xe tải có trang bị điều hòa.

Nhưng không có gì cả. Còn tài xế James Matthew Bradley Jr - người bỏ lại chiếc xe ở bãi đỗ xe của một cửa hàng Walmart sau khi phát hiện có người chết, bị tuyên án tù chung thân có liên quan hoạt động buôn người.

Hơn 10 năm trước, cũng ở Texas, tại thành phố Victoria 19 người đã thiệt mạng trong một chiếc xe tải do tài xế Tyrone Williams cầm lái. Người này nhận 7.500 USD để lái chiếc xe chở 70 người qua một trạm kiểm soát biên giới của Mỹ. Chiếc xe tải không có điều hòa và 19 người đã chết vì mất nước và ngạt thở.

Trước đó, năm 2001, ít nhất 14 người di cư đã thiệt mạng sau khi bị lạc trong sa mạc ở phía Đông Nam thành phố Yuma, bang Arizona. Chỉ 12 người sống sót được lực lượng chức năng tìm thấy. Những kẻ buôn người bỏ lại nhóm người di cư trong cái nóng 46 độ C và nói với họ chỉ cần đi bộ vài giờ để đến được đường cao tốc. Tuy nhiên, đường cao tốc cách nơi họ bị bỏ lại hơn 80km.

Tuy nhiên, thảm kịch di cư chết chóc nhất dọc biên giới Mỹ - Mexico được ghi nhận là vào tháng 12/2021, khi một chiếc xe đầu kéo chở 200 người di cư lao vào chân cầu dành cho người đi bộ qua đường tại thành phố Tuxtla Gutierrez, Mexico. Tai nạn giết chết 55 người và làm ít nhất hơn 100 người bị thương. Đây là một trong những ngày đẫm máu nhất đối với người di cư tại Mexico.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Người di cư tự do không chỉ gặp tai họa trên đường di chuyển mà còn gặp nguy khốn ngay tại khu dựng tạm làm chỗ “nghỉ chân” cho họ trước khi bước tiếp. Ngày 28/3/2023, Viện Nhập cư quốc gia Mexico (INM) cho biết đã xảy ra vụ cháy khu nhập cư tại thành phố Ciudad Juarez, gần biên giới với Mỹ. Ít nhất 39 người thiệt mạng, 31 người bị thương. Trong số 70 người di cư có mặt ở trung tâm, hầu hết là người Venezuela.

Truyền thông Mexico dẫn lời bà Viangly - một người Venezuela nhập cư, rằng người thân đã bị chết cháy, giờ chỉ lại một mình bà trên thế gian.

Thành phố Ciudad Juarez nằm gần thành phố El Paso (bang Texas, Mỹ), là điểm giao lớn cho người nhập cư muốn vào nước Mỹ. Ước tính mỗi tháng có khoảng 200.000 người cố vượt biên từ Mexico sang Mỹ. Họ hầu hết cũng là những người đi từ vùng Trung và Nam Mỹ, gồm Guatemala, Honduras, Nicaragua và El Salvador, họ ra đi vì lý do kinh tế hoặc tình trạng bạo lực.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), kể từ năm 2014 tới nay đã có khoảng 7.661 người di cư chết hoặc mất tích trên đường và 988 người thiệt mạng vì di chuyển trong tình trạng không an toàn.

Đưa người di cư tự do, phải chăng là một ngành kinh doanh?

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ ước tính khoảng 2,4 triệu người di cư đã đến biên giới phía Tây Nam của đất nước này trong năm tài khóa 2023 (từ 1/10/2022 đến 30/9/2023). Chủ yếu họ đi theo con đường bất hợp pháp.

Một nghiên cứu của Liên hợp quốc cho rằng những người di cư từ 3 quốc gia (Guatemala, Honduras và El Salvador) đã trả 1,7 tỷ USD mỗi năm cho những kẻ buôn lậu người.

Các băng đảng ma túy và buôn lậu đóng một vai trò quan trọng. Cùng đó còn có những nhóm nhỏ, riêng lẻ hoạt động trong bóng tối, thường đóng vai trò tiếp tay. Kenneth Polite Jr - nhân viên công lực bộ phận tội phạm của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các nhóm nhỏ thường đóng vai trò tuyển dụng hoặc lái xe.

Hugo Tovar - công tố viên giám sát các cuộc điều tra buôn người di cư của Văn phòng Tổng Chưởng lý Colombia cho biết, những kẻ đưa lậu người vượt biên tính phí lên tới 5.000 USD/người. Số tiền này để chi trả cho một hành trình bằng ô tô từ Ecuador, sau đó là đi thuyền hoặc đường bộ xuyên qua Colombia để đến Mexico trước khi vào Mỹ.

Edilberto Escobar - một hướng dẫn viên 32 tuổi tại Panama cho biết có thể kiếm được khoảng 125 USD cho mỗi chuyến đi trong vòng 1 ngày. Ngoài ra, còn có thể kiếm thêm 20 USD/ngày nếu khuân vác ba-lô hoặc là bế trẻ sơ sinh.

Một báo cáo của cảnh sát Colombia cho biết, dẫn đường cho người di cư đã như là một nghề với người dân địa phương. Còn với các băng nhóm buôn người, thì đó là ngành kinh doanh béo bở. Gulf Clan - một băng nhóm như vậy đã thu được 20 triệu USD trong năm 2023.

“Nếu tình hình vẫn tiếp diễn thì năm 2024 này dòng người di cư vẫn tiếp tục tăng. Ngăn chặn người di cư bất hợp pháp, nhưng nếu việc đưa đường và bảo kê vẫn là một nghề kinh doanh thì mọi chuyện sẽ không thể chấm dứt” - Ladyzunga Cyborg, nhà báo tự do sống ở Bogota, Colombia nói.

Darien Gap - khu rừng rậm đặc biệt nguy hiểm nằm ở phía cuối khu vực Trung Mỹ, giữa Colombia và Panama, có chiều dài 106km và không có đường hay lối mòn. Nơi đây được coi là một trong những môi trường nguy hiểm nhất trên thế giới vì địa hình nhiều núi, đầm lầy và rắn độc, nhưng lại là "hành lang chính" cho người di cư đi từ Nam Mỹ đến Bắc Mỹ.

Khoảng 21% số người di cư đi qua Darien Gap trong năm 2023 là trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó 50% là những em nhỏ dưới 5 tuổi. Liên hợp quốc cho rằng số người di cư tìm cách vượt vùng Darien Gap vào khoảng 400.000 người trong năm 2023, tăng cao so với gần 250.000 người năm 2022.

Bà Dana Graber Ladek - người đứng đầu Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc tại Mexico cho biết, dòng người di cư qua khu vực Darien Gap năm 2023 là “những con số lịch sử mà chúng tôi chưa từng thấy, cùng đó là những bi kịch bị chôn vùi vĩnh viễn trong những đầm lầy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làn sóng di cư tự do trong hành trình vô định