Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Quan trọng nhất là lan toả tinh thần khởi nghiệp, nhất thiết phải khởi nghiệp theo cách mới, theo xu thế, giữ môi trường ổn định.”
Chiều ngày 20/12, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức thảo luận phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup lần 1 năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”.
Đến dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cùng với đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, chuyên gia, hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các phiên thảo luận tại Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp lớn, đơn vị Startup, lãnh đạo địa phương chia sẻ các góc nhìn xoay quanh bài toán phát triển chuỗi ngành hàng trọng điểm dưới thách thức của biến đổi khí hậu. Một số vấn đề như bức tranh toàn cảnh về sự phát triển chuỗi lúa gạo, trái cây, thảo luận về các đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp tham dự diễn đàn còn được nghe các chuyên gia nước ngoài từ tổ chức Oxfam, GIZ, IDH... đưa ra góc nhìn theo hướng vĩ mô và vi mô, “Hiến kế” cho việc thích ứng và tận dụng tốt các thuận lợi đổi mới sáng tạo đem lại.
Trong đó, tại phiên thảo luận toàn thể, các doanh nghiệp đã có dịp trao đổi, đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng phục hồi và phát triển phù hợp với xu thế của thế giới.
Tham gia thảo luận về chủ đề chuỗi lúa gạo, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định, ngành lúa gạo đối diện các nguy cơ, thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên diện rộng ngày càng rõ nét lên sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, dẫn đến nguy cơ nạn đói gia tăng trên toàn cầu. Xu thế tiêu dùng và thị trường lúa gạo có sự thay đổi về chất lượng, cụ thể nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước và xuất khẩu tăng tỷ lệ các giống lúa có chất lượng gạo cao do thu nhập dân cư tăng. Giá thành sản xuất lúa những năm gần đây luôn tăng do chi phí đầu vào cao hơn so với tốc độ tăng giá bán lúa, dẫn tới lợi nhuận từ đất trồng lúa và thu nhập của người dân giảm. Hệ lụy là họ tự phát chuyển đổi đất lúa không theo quy hoạch, kế hoạch,…
Với vai trò một doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp (ngành lúa gạo) tại tỉnh Đồng Tháp, ông Lâm Trọng Nghĩa - Cố vấn của của công ty MAPA cho rằng, lúa gạo là một trong những ngành hàng truyền thống và quan trọng bậC nhất trong cơ cấu nông nghiệp của nước ta. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn để hoàn thiện chuỗi giá trị cho ngành hàng này.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận chung của Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng trong thời gian tới các tỉnh, thành sớm đề ra tiêu chí cụ thể, cùng với Bộ NN&PTNT đưa ra những chương trình hành động để trình Thủ tướng, trình Chính phủ sớm ban hành kế hoạch thực hiện đồng bộ. Trong kế hoạch nên tổ chức nhiều sự kiện, tạo cơ hội để doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý Nhà nước gặp gỡ trao đổi, cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
“Quan trọng nhất là lan toả tinh thần khởi nghiệp, nhất thiết phải khởi nghiệp theo cách mới, theo xu thế, giữ môi trường ổn định.” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL sớm có kiến nghị cụ thể về việc định hướng sử dụng đất lúa, quan trọng giữ được sản lượng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, có xuất khẩu một phần, đồng thời tối ưu hoá giá trị sử dụng từ một diện tích đất. Cần có chính sách đầu tư để phát triển hạ tầng, kinh tế và cả hạ tầng xã hội khu vực ĐBSCL để khu vực khai thác tối đa thế mạnh tiềm năng của mình và hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.”
Dịp này, đại diện 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL ký cam kết với Bộ NN&PTNT về giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Điều này được hiện thực hóa bằng các lộ trình cụ thể để đồng hành với Chính phủ hướng đến các mục tiêu đã đưa ra tại OCOP 26.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp ký cam kết với các Hiệp hội ngành hàng để phát triển thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực” và hỗ trợ các thí điểm giảm phát thải. Ký kết một số nội dung phát triển công nghệ phục vụ nông nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp với FPT, tổ chức quỹ đầu tư quốc tế và đại diện CLB doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tham dự ký vào bảng cam kết thực hiện các giải pháp, quy trình sản xuất hướng tới mục tiêu bền vững.
Trước đó, sáng cùng ngày, các vị đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận ở các phiên thảo luận với những chủ đề: Chuyển đổi chuỗi lúa gạo ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp; Chuyển đổi chuỗi thuỷ sản ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp; Chuyển đổi chuỗi trái cây ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp.
Tại những phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, nhận diện bối cảnh, thách thức, cơ hội đặt ra cho các chuỗi lúa gạo; Thuỷ sản; Trái cây vùng ĐBSCL nhằm kích hoạt năng lực ĐMST để hướng đích mục tiêu hiện đại, bền vững, phát thải thấp; Xác định những vấn đề then chốt cần xử lý để kích hoạt năng lực ĐMST và vai trò cụ thể các bên, đặc biệt với nhóm SME/Startup trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra một số số giải pháp bước đầu và hành động ưu tiên để kích hoạt năng lực ĐMST trong các chuỗi lúa gạo; Trái cây; Thuỷ sản vùng ĐBSCL nhằm đạt mục tiêu hiện đại, bền vững, phát thải thấp.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, nơi này cũng cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu và các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế vùng. Trong bối cảnh đó, việc “liên kết” là một trong những chìa khoá quan trọng để đi đến thành công và là một xu thế tất yếu, giúp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực như: Diễn đàn Mekong Connect, Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và hiện là Diễn đàn Mekong Startup.
Trọng tâm của Diễn đàn Mekong Startup là đi tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng, hướng tới mục tiêu tập hợp, thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt, là lực lượng doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên”, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng.
Sự kiện cũng là cơ hội nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp trong vùng về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh cho khu vực ĐBSCL theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.