Dù kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có những điểm sáng nổi bật, tiền đề cho sự hồi phục trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Những điểm sáng kinh tế đó đã và đang có tác dụng lan tỏa. Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới thì kinh tế nước ta những tháng qua có nhiều điểm tích cực, tạo cơ hội cho tăng trưởng.
Điểm tích cực đầu tiên là ngoại giao kinh tế. Trong đó phải kể đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng đầu tư và giải ngân các dự án từ năm 2019 đến nay.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng
Dù còn gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm tài chính 2023, nhưng theo số liệu thống kê sơ bộ 11 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỉ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý hơn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỉ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Các yếu tố quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 đến từ việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ. Và ngay từ đầu năm 2023, nhiều địa phương đã nêu rõ mục tiêu thu hút vốn FDI và triển khai giải pháp để thúc đẩy thu hút vốn FDI. Gần kết thúc năm, Quảng Ninh vẫn giữ vị trí là địa phương dẫn đầu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% cùng kỳ.
TPHCM xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỷ USD. Tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,8 tỷ USD; 2,7 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng ước đạt 85,13 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 47,84 tỷ USD, nhập khẩu 37,29 tỷ USD, xuất siêu 10,55 tỷ USD.
Điểm sáng xuất khẩu của ngành năm nay là xuất khẩu nhóm nông sản và chăn nuôi. Theo đó, xuất khẩu nông sản đạt 24,3 tỉ USD, tăng 17%; chăn nuôi đạt 453 triệu USD, tăng hơn 23%.
Trong nhóm nông sản, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 5,32 tỉ USD, tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo cũng bứt phá với 4,41 tỉ USD, tăng hơn 36%. Xuất khẩu hạt điều đạt 3,3 tỉ USD, tăng hơn 17%. Xuất khẩu các sản phẩm từ ngũ cốc đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 5,4%.
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ và thị trường này cũng chiếm 23% tỉ trọng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm gần 18% và Nhật Bản giảm hơn 9%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tận dụng các hiệp định thương mại (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải - nguyên Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) việc giữ được tăng trưởng ổn định cho thấy nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
Xuất khẩu tiếp tục là “dấu son”
Phát biểu tại hội thảo “Nền kinh tế Việt Nam 2023 có bao nhiêu điểm sáng?”, TS Phạm Đỗ Chí - cựu chuyên gia tài chính IMF cho rằng, trong vòng 3 thập kỷ vừa qua trong thành tựu tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực ngoại thương nói chung và xuất khẩu hàng hóa nói riêng thực sự là điểm sáng nổi bật, dấu son trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, từ 1991-2010, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt tốc độ 2 con số. Riêng từ 2011-2022, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 12,6%. Nếu năm 1991, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 2 tỉ USD, năm 2015 tăng lên 115 tỉ USD, năm 2022 là 371 tỉ USD. Năm 2023, tuy xuất khẩu giảm vì tình hình kinh tế chung của toàn cầu, nhưng 11 tháng xuất khẩu vẫn đạt khoảng 322 tỉ USD, giảm 6% so với năm 2022. Tổng số hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu lên đến 620 tỉ USD. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gồm nhiều thị trường trọng điểm như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Cannada…
Theo TS Phạm Đỗ Chí, phương diện chất lượng hàng hóa xuất khẩu của có sự dịch chuyển quan trọng. Từ xuất khẩu chủ lực là nông - thủy sản - khoáng sản nay Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa thuộc khu vực chế biến chế tạo với 90%. Điều này chứng tỏ sự thành công của nền công nghiệp hóa Việt Nam.
Triển vọng năm 2024
Năm 2024, Quốc hội đã thống nhất đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%... Đây là mục tiêu có nhiều thách thức nhưng có thể đạt được nếu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, trong thời gian tới, cơ hội và thách thức sẽ đan xen khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Quan trọng là nền kinh tế phát huy được những động lực tăng trưởng hiện hữu, tìm kiếm và khai thác tốt những động lực tăng trưởng mới thì mục tiêu đề ra sẽ khả thi.
Cũng theo ông Lực, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới.
Nhận định chung về kinh tế năm 2024, phần lớn các quan điểm đều khẳng định, tình hình khó khăn có thể kéo dài, khó khăn nhiều hơn cơ hội nhưng trong bối cảnh chung của quốc tế, Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Để thúc đẩy tăng trưởng, hơn hết là cần xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh phải tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn, tận dụng cơ hội khi DN còn sức lực, còn chống chịu được. Cụ thể, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc của thị trường bất động sản ở cả cung và cầu bởi lĩnh vực này tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho vĩ mô.
Giới chuyên gia đưa ra khuyến nghị các DN phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa. Các DN bất động sản phải chấp nhận bán tài sản để cơ cấu lại nợ. Hiện giá bất động sản tại Việt Nam vẫn tương đối cao so với mặt bằng thu nhập, giá bất động sản nên giảm xuống cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, chỉ như thế mới phát triển bền vững.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các cơ quan quản lý nên thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát kinh doanh một cách phù hợp. Trong bối cảnh hiện tại, hoạt động này là cần thiết, nhưng để phát hiện sớm những sai sót và hỗ trợ người dân, hỗ trợ DN và hỗ trợ cả cán bộ nhà nước thực thi đúng, không nên đặt mục tiêu trọng tâm về xử lý và xử phạt. Chẳng hạn với các dự án đang “đắp chiếu”, phải thanh kiểm tra để tìm ra nguyên nhân, để đưa ra giải pháp phục hồi và phát huy hiệu quả cho dự án. Bên cạnh đó, cần thêm chính sách hỗ trợ DN giảm chi phí kinh doanh; tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như điện, xăng dầu, lương thực… Đặc biệt, nguồn cung điện là rất cần thiết và chúng ta có thể phải trả giá rất đắt nếu không đảm bảo vấn đề này.