Làng mộc Kim Bồng Hội An nằm ngay hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, đoạn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển, cách phố cổ Hội An một cây cầu nên vị trí khá thuận lợi đối với du khách. Tuy nhiên, đến với Kim Bồng những ngày cuối năm 2024, du khách không còn thấy cảnh tấp nập, đông vui như trước.
Vòng vèo theo Google Map kết hợp với "đường ở mồm" (hỏi đường), sau hơn nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng tìm được đến làng mộc Kim Bồng, thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Kim Bồng là một trong những làng nghề của địa phương đã được nhà bác học Lê Quý Đôn nhắc đến trong sách Phủ biên tạp lục khi miêu tả các nghề truyền thống của Quảng Nam thế kỷ 16 - 17.
Làng mộc Kim Bồng có tên cũ là Kim Bồng Châu, nay là xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trước kia, làng Kim Bồng có 4 dòng họ là Nguyễn, Chương, Phan, Huỳnh đều làm nghề mộc. Nay đình làng vẫn thờ tổ nghề mộc.
Do nằm gần thương cảng quốc tế Hội An sầm uất một thời, nên nghề mộc ở Kim Bồng đã từng phát triển mạnh. Mộc Kim Bồng góp mặt trong nhiều công trình kiến trúc như đình, chùa, nhà gỗ, góc phố, đồ dùng sinh hoạt, mang đậm dấu ấn tại Hội An và Huế.
Theo lời người dân nơi đây, đã từng có giai đoạn thương lái Cẩm Nam, Thanh Hà, Sơn Phong, Cẩm Phô, Cẩm An (Hội An) hay Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) vượt biển bằng ghe bầu để mang bán đồ gốm sứ, mây tre đan, đồ gỗ, thủy, hải sản, nông sản… và mua về gạo, các vật dụng thường nhật khác. Nghề đóng ghe bầu ở làng mộc Kim Bồng phát triển nhờ đó.
Ngày nay, một số trại đóng tàu chuyển qua đóng các loại ghe nhỏ để bơi ven sông, chạy bằng máy. Một số chủ khác thì chuyển sang “làm nước”, tức là sửa chữa các tàu thuyền sau thời gian hoạt động nhiều đã xuống cấp. Còn các công trình kiến trúc với hoa văn gỗ cầu kỳ không còn thịnh hành nên đã có thời kỳ tưởng chừng như nghề mộc không thể tồn tại ở Kim Bồng. Cả làng nghề phồn thịnh chỉ còn vài gia đình đeo đuổi nghề ông cha.
Sau khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, nghề mộc Kim Bồng cùng những làng nghề truyền thống ở Hội An được quan tâm nhiều hơn và thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Nghề mộc Kim Bồng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 11/2016, phát huy lợi thế phát triển du lịch.
Những người con làng mộc Kim Bồng tản mát khắp nơi trong cả nước, qua làn sóng du khách đã trở về gây dựng lại sự nghiệp cha ông. Những nghệ nhân, thợ trẻ với lòng yêu nghề và sự khéo léo đang cần mẫn sáng tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật và giá trị văn hóa cao, góp phần lưu truyền tinh hoa nghề mộc ở Kim Bồng. Các sản phẩm ngày nay đáp ứng cả nhu cầu về phong thủy, trưng bày, giải trí, và đời sống sinh hoạt thường ngày, cũng như thị hiếu mua hàng của giới trẻ.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Hội An, hiện nay, xã Cẩm Kim vẫn còn giữ được cảnh quan làng quê sinh thái - nông nghiệp. Nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật - thể hiện tài hoa, tay nghề của người thợ Kim Bồng vẫn được bảo tồn. Bên cạnh nghề mộc nổi tiếng, các nghề khác như đan thúng, dệt chiếu cũng được phục hồi cùng với văn hóa ẩm thực đậm chất dân dã làm cho bức tranh làng quê Kim Bồng - Cẩm Kim càng thêm sinh động.
Thành phố Hội An đã thông qua nghị quyết chuyên đề về đề án “Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim giai đoạn 2017 - 2025” với mục tiêu đến năm 2025, Hội An xác lập mô hình làng sinh thái, văn hóa, du lịch Cẩm Kim phát triển bền vững theo định hướng “Làng quê - làng nghề sinh thái”, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An.
Đó là những gì làng mộc Kim Bồng đã có trước đại dịch Covid-19. Thế nhưng, khi đại dịch qua đi, kinh tế và du lịch chưa phục hồi, cảnh làng nghề không tránh khỏi đìu hiu. Ông Huỳnh Kim Bảy, con trai nghệ nhân Huỳnh Ri, cho biết: “Sau đại dịch số lượng sản phẩm gỗ mỹ nghệ tiêu thụ giảm đáng kể. Ngay cả khi tôi bắt đầu quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, sản lượng bán hàng cũng rất ít. Điều này khiến nhiều thợ lành nghề dần chuyển sang công việc khác, thu nhập có thể không hơn bao nhiêu nhưng có tiền ngay. Để tiếp tục gìn giữ nghề thì có nhiều khó khăn vì lượng khách không có, không có thu nhập nên rất nhiều công nhân bỏ nghề. Hiện Nhà nước đang hỗ trợ để khôi phục lại làng nghề, bắt đầu từ việc xây dựng lại nhà truyền thống, làm đường, xây dựng thêm các điểm tham quan để thu hút du khách".
Trong số 6 người con của nghệ nhân Huỳnh Ri, hiện chỉ còn ông Huỳnh Kim Bảy và anh trai là nghệ nhân Huỳnh Sương còn theo nghề của ông cha và là đời thứ 14 làm nghề mộc. Để tạo ra một sản phẩm gỗ mỹ nghệ, người thợ phải mất khoảng 2 - 3 ngày chế tác. Có những bức tượng cao cấp, cầu kỳ còn tốn nhiều thời gian hơn. Theo ông Bảy, hiện nay người thợ thường kết hợp giữa chế tác bằng tay và máy móc để giảm giá thành và nâng cao năng suất.
Bà Trương Thị Lệ, vợ ông Bảy, cho biết thêm: hiện nay sản phẩm mộc của gia đình có đủ các loại, được làm theo yêu cầu của khách, từ nhà cổ, bàn ghế chạm trổ, tượng điêu khắc lớn, nhỏ, tới các vật dụng trang trí như tượng nhỏ, đũa, thìa, bát bằng gỗ, gương, lược, hộp đựng trang sức. Thế nhưng sau đại dịch trong làng chỉ còn vài hộ dân còn theo nghề mộc, dù trước dịch lượng thợ khá đông. "Giờ đa số thợ đi làm thợ hồ cho nhanh có tiền. Nghề điêu khắc vốn khó hơn là làm thợ xây dựng, một lớp dạy nghề mấy năm trước khoảng 20 - 30 thợ học nghề nhưng cũng chỉ có khoảng 10 người có thể ra nghề. Học nhanh thì mất 2 - 3 năm mới làm được nhưng thu nhập không cao vì gỗ đắt. Gỗ nhỏ thì ở nước ta cũng còn nhiều, tôi mua ở Đăk Lăk, Gia Lai. Nhưng khi có đơn hàng lớn thì gia đình tôi phải mua gỗ từ Nam Phi hoặc từ Lào" - bà Trương Thị Lệ chia sẻ.
Gia đình ông Phan Văn Phúc, thợ cẩn trai duy nhất của làng nghề Kim Bồng có nguồn gốc từ làng Chuyên Mỹ, Phú Xuyên. Khi chuyển vào Hội An, gia đình ông đã mang theo cả nghề truyền thống quê hương và đứng chân ở làng mộc Kim Bồng đã 35 năm. Ông Phúc cho biết, kể từ khi Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, nghề gỗ mỹ nghệ mới có thêm nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt hưng thịnh từ năm 2008 đến năm 2016. Sau đại dịch, làng nghề trở nên vắng vẻ vì ít du khách, khách cũng chi tiêu ít. Ông Phúc mong mỏi: "Mong nhà nước chung tay giúp đỡ cho nhân dân, ví dụ như thành phố nên phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để tổ chức các tour kết hợp tham quan các làng nghề và đưa khách tới làng mộc thì tốt quá. Bây giờ có cầu mới rồi, cầu bê tông ô tô đi qua được rồi, nên việc đưa khách đến Kim Bồng không còn khó khăn như trước nữa. Nếu tổ chức tốt việc đưa du khách đến thì làng nghề sẽ hưng thịnh trở lại".
Tháng 3 tới tháng 9 được coi là “thời điểm vàng” để du lịch Hội An, trong đó có làng Kim Bồng. Lúc này, thời tiết nơi đây đẹp, thuận tiện cho những chuyến tham quan, mua sắm tác phẩm điêu khắc gỗ từ bàn tay vàng của các nghệ nhân.
Từ trung tâm phố cổ Hội An du khách qua cầu Cẩm Kim với chiều dài khoảng 620m vượt sông Thu Bồn xuôi về làng mộc Kim Bồng. Nếu muốn trải nghiệm sông nước, du khách có thể đi thuyền hay đò ngang từ bến đối diện khu phố cổ.
Cuối tháng 5/2024 vừa qua, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan tại làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, với sự tham gia phối hợp của các ngành, đơn vị, địa phương liên quan, của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm dịch vụ trên địa bàn xã.
Giai đoạn 1 chính thức bắt đầu từ ngày 1/6, tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan tại Trung tâm làng nghề, xã Cẩm Kim. Chương trình tham quan gồm: Giới thiệu về lịch sử - văn hóa làng mộc Kim Bồng; tham quan nhà trưng bày làng nghề truyền thống. Tham quan chợ Cẩm Kim và tìm hiểu đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Du khách cũng có thể được tham quan, trải nghiệm các hoạt động trình diễn nghề truyền thống của làng Kim Bồng xưa tại nhà trưng bày làng nghề như dệt chiếu, đan thúng chai, đan rổ bội…
Việc tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan tại làng mộc Kim Bồng góp phần hình thành điểm tham quan mới, độc đáo phục vụ du khách khi đến với thành phố Hội An. Góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra các giá trị gia tăng cho người dân từ chính nghề truyền thống của cộng đồng thông qua các hoạt động du lịch.
Sau khi tổ chức ổn định chương trình tham quan cơ bản theo vé tham quan sẽ tổ chức giai đoạn 2 (dự kiến từ tháng 4/2025), mở rộng tổ chức thêm các chương trình tham quan, liên kết trung tâm làng nghề mộc với các điểm lịch sử - văn hóa, trải nghiệm các nghề khác tại địa phương. Kết hợp trải nghiệm sinh thái - nông nghiệp sạch - ngư nghiệp; các chương trình tham quan liên kết nội vùng Hội An và các địa phương lân cận.