Thay mặt Chính phủ, trình bày báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay: Với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý, kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với Dự thảo Luật này.
Trong lớp học.
Theo đó, phạm vi và nội dung lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là toàn diện, thực hiện trên toàn bộ nội dung Dự thảo Luật từ hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên…
Đây không phải lần đầu tiên, việc sửa đổi Luật Giáo dục được đặt ra và thực hiện. Trước đó, cải cách giáo dục ở nước ta đã đưa đến các thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục phổ thông và đại học (ĐH) từ sau năm 1976, bao gồm những thay đổi liên quan tới chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH. Luật Giáo dục đã được ban hành và sửa đổi ở các đợt khác nhau 1998, 2005, 2009…
Qua quá trình thực hiện, Luật đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật này cũng đã nảy sinh một số điểm hạn chế, bất cập, một số quy định của Luật chưa đi vào cuộc sống. Một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, phát huy tốt hơn hợp tác quốc tế về giáo dục…, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Cùng với đó, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, một số nội dung của Luật cần sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng hơn để dễ hướng dẫn, dễ thực hiện; đồng thời nhằm tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn. Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.
Ngay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, thảo luận về báo cáo của Chính phủ, đa số các ý kiến quan tâm đến quy định định hướng, phân luồng trong giáo dục; chính sách cử tuyển; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, đặc biệt là việc băn khoăn về “một chương trình- nhiều bộ sách giáo khoa”… Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết, giúp Chính phủ hoàn thiện Dự án. Những ý kiến tiếp thu thì báo cáo rõ, còn ý kiến nào chưa tiếp thu được thì cần giải trình thuyết phục.
Dẫu thế, nhiều vấn đề cũng đang được đặt ra, ấy là trong khi nhà chức trách đang nỗ lực sửa đổi các dự thảo luật về giáo dục, thì trong đời sống đã xảy ra những sự việc vô cùng “nóng”. Đơn cử như trong năm 2018, bạo hành học đường diễn ra liên tục và thô bạo; gian lận thi cử THPT quốc gia thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận; tồn tại nhiều bê bối trong việc công nhận chức danh giáo sư; lùm xùm câu chuyện về độc quyền sách giáo khoa; những bất cập trong tuyển dụng và sử dụng giáo viên; miễn học phí cho học sinh phổ thông theo lộ trình nào; yêu cầu về triết lý giáo dục liệu có được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi hay không…? Do đó, việc sửa Luật, điều chỉnh Luật cũng cần điều chỉnh làm sao để bám sát hơn vào những vấn đề mang hơi thở cuộc sống, của môi trường giáo dục hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, cho biết: Sau khi xem xét báo cáo của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân, Thường trực Ủy ban cho rằng, triết lý giáo dục là tư tưởng định hướng; luật là những quy định có tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục.
Theo đó, rất khó để quy định cụ thể triết lý giáo dục trong một điều khoản của luật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định khác của Dự thảo Luật này.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định: việc tham khảo ý kiến nhân dân lần này có ý nghĩa quan trọng, giúp Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu những ý kiến xác đáng.
Yêu cầu sửa đổi Luật Giáo dục hiện hành rõ ràng đang đặt ra yêu cầu: Đổi mới giáo dục đào tạo phải có lộ trình, có bước đi phù hợp. Những ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần được lắng nghe một cách thấu đáo. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự án Luật sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, cũng như xu thế tiến bộ của thời đại.