Lắng nghe đội ngũ trí thức

VIỆT THẮNG (thực hiện) 31/10/2022 07:49

Là 1 trong 10 cá nhân được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất ngàn năm văn hiến, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đã dành cho Tinh hoa Việt cuộc trao đổi xung quanh vấn đề phát huy, quy tụ đội ngũ trí thức để góp công xây dựng đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trả ơn cho Thủ đô

PGS.TS Bùi Thị An.

PV: Xin chúc mừng bà được vinh danh là 1 trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2022. Bà có thể cho biết cảm xúc của mình như thế nào khi đón nhận vinh dự này?

PGS.TS BÙI THỊ AN: Tôi không sinh ra tại Hà Nội nhưng đã sống và làm việc tại Hà Nội 65 năm qua. Tôi bắt đầu chuyển về Hà Nội sinh sống sau 3 năm, kể từ ngày bố tôi về tiếp quản Thủ đô.

Dù đã nhiều lần nhận được giấy khen, bằng khen, tôn vinh nhưng lần này vinh danh được đón nhận công dân ưu tú của Thủ đô nên với tôi, cảm xúc hơi khác và cảm thấy rất đặc biệt. Bởi tôi là người trưởng thành và chứng kiến các giai đoạn thăng trầm của Thủ đô, những lúc khó khăn và những lúc hào hùng.

Tôi còn nhớ những năm 1960, dù rất khó khăn nhưng Hà Nội đã chắt chiu từng hạt lúa, từng cân gạo, từng người để chi viện cho tiền tuyến khi lúc bây giờ cuộc chiến tranh tại chiến trường miền Nam đang diễn ra cam go, khốc liệt. Đến khi miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội hừng hực với các phong trào thi đua như: “hai tốt”: Dạy tốt, học tốt; phong trào “Ba sẵn sàng”; phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”. Và Hà Nội luôn đi đầu trong các phong trào thanh niên xung kích.

Tôi không thể nào quên Hà Nội 12 ngày đêm của “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Vừa bi tráng, vừa hào hùng. Đó là bởi đang gặp khó khăn khi người và của chi viện cho tiền tuyến nhưng 12 ngày đêm đã chiến đấu cực kỳ oanh liệt. Những người nào cần sơ tán thì đi sơ tán, nhưng những người ở lại chiến đấu kiên cường để bảo vệ Thủ đô. Không chỉ chứng kiến sự dũng cảm, tôi còn chứng kiến sự đau thương ở phố Khâm Thiên khi địch ném bom xuống khu phố nhằm mục tiêu “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”.

Bản thân tôi đã đưa tiễn nhiều học sinh, sinh viên, các đồng nghiệp của tôi là các cán bộ khoa học, giảng dạy rời giảng đường, rời phòng thí nghiệm, xếp bút nghiên lại, tạm biệt người thân để lên đường đi chiến đấu, trong đó có nhiều bạn bè của tôi đã không trở lại. Đến bây giờ các anh chị vẫn đang nằm ở đâu đó. Rất nhiều trí thức đã nằm ở rừng Tây Nguyên, Đắk Lắk, rừng U Minh Cà Mau, dòng sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị…

Cho nên bản thân mình được sống giữa Thủ đô, được học hành, trưởng thành, cống hiến cảm thấy rất vinh hạnh, hạnh phúc. Bởi bao nhiêu người, trong đó có những trí thức Hà Nội đã hy sinh cho hòa bình như: anh Bùi Ngọc Dương, chị Đặng Thuỳ Trâm. Tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn, và luôn mong muốn làm gì để tri ân, trả ơn cho Thủ đô. Vừa qua những đóng góp của mình đã được lãnh đạo và nhân dân Thủ đô ghi nhận, được vinh danh là công dân ưu tú của Thủ đô năm 2022 nên cá nhân tôi rất xúc động. Nó khác với những bằng khen khác, sự tôn vinh và vinh danh đó làm cho mình càng cảm thấy có trách nhiệm hơn với Thủ đô.

PGS. TS Bùi Thị An (người đứng thứ 5 từ trái qua) được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.

Giai đoạn của cách mạng 4.0

Bản thân mình được sống giữa Thủ đô, được học hành, trưởng thành, cống hiến cảm thấy rất vinh hạnh, hạnh phúc. Bởi bao nhiêu người, trong đó có những trí thức Hà Nội đã hy sinh cho hòa bình như: anh Bùi Ngọc Dương, chị Đặng Thuỳ Trâm. Tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn, và luôn mong muốn làm gì để tri ân, trả ơn cho Thủ đô. Vừa qua những đóng góp của mình đã được lãnh đạo và nhân dân Thủ đô ghi nhận, được vinh danh là công dân ưu tú của Thủ đô năm 2022 nên cá nhân tôi rất xúc động. Nó khác với những bằng khen khác, sự tôn vinh và vinh danh đó làm cho mình càng cảm thấy có trách nhiệm hơn với Thủ đô.

Thời chiến tranh thì đóng góp công sức để chiến đấu, giành độc lập nhưng hiện giờ khi đất nước đã hòa bình thì việc kiến thiết và xây dựng đất nước có vai trò đóng góp lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Với cương vị Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, theo bà trong giai đoạn này đội ngũ trí thức đang làm những việc cụ thể ra sao?

- Mỗi giai đoạn cách mạng đều có yêu cầu khác nhau. Cho nên sự cống hiến cũng khác nhau. Có những giai đoạn đi lao động, có giai đoạn đóng góp bằng sự tiết kiệm. Vừa lao động, vừa tiết kiệm để chi viện cho tiền tuyến. Nhưng bây giờ là giai đoạn cần “chất xám”, là “cách mạng 4.0”, là “chuyển đổi số”. Do đó ngoài sự cần cù, thông minh cần phải có sự sáng tạo. Chất xám đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng hay đất nước nói chung là vô cùng quan trọng. Vì sự đóng góp của khoa học công nghệ là “quốc sách” hàng đầu. Nhất là khi Thủ đô là trung tâm lớn của khoa học, giáo dục và văn hóa của cả nước.

Chính vì thế khai thác chất xám của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức nói chung, nữ trí thức nói riêng là vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác chất xám, tập hợp, quy tụ họ lại để đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội, của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Bởi thời điểm này dùng sức thôi là…chưa đủ. Bây giờ phải là trí tuệ, là khoa học, là năng suất và chất lượng.

Đơn cử như hiện Hội Nữ trí thức Hà Nội đang đóng góp, khai thác chất xám của trí thức trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học; chuyển giao công nghệ vì hiện tại các lĩnh vực đang cần sự chuyển giao công nghệ. Chỉ có công nghệ cao mới làm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, sản phẩm. Giá trị sản phẩm nâng lên thì chuỗi giá trị sản phẩm được nâng lên. Như vậy tăng trưởng mới bền vững và cuộc sống của người dân mới được nâng lên.

Nhiều năm nay Hội tham gia với các chức năng như: tư vấn phản biện, tham gia tư vấn hoạch định chính sách, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ Hà Nội nói chung và đội ngũ nữ tri thức nói riêng. Làm sao để phụ nữ trí thức có đóng góp xứng đáng, cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô, của đất nước.

Trong nhiều năm qua, đội ngũ trí thức Thủ đô đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu vươn lên và tham gia hầu hết các hoạt động của xã hội; đảm nhận nhiều trọng trách trong cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể. Nữ trí thức Hà Nội đã và đang đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo các công trình khoa học, các công trình văn hoá có giá trị, nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao góp phần từng bước nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của cả nước. Bằng tài năng, trí tuệ, nghị lực, niềm đam mê khoa học, các nữ trí thức Hà Nội đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

PGS.TS Bùi Thị An (người thứ 2 từ trái qua) tại một tọa đàm về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hồi tháng 8/2022.

Đưa khoa học và cuộc sống

Bà vừa đề cập đến vai trò của đội ngũ trí thức nói chung và nữ trí thức Hà Nội nói riêng. Vậy bà có thể cho biết việc triển khai nhiệm vụ trên như thế nào để có thể đưa “khoa học vào trong cuộc sống” thay vì những công trình khoa học đang “cất trong ngăn kéo”như xã hội phản ánh trong thời gian qua?

- Chúng tôi đang nghiên cứu làm thế nào để đưa khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, trong đó đặc biệt có nông nghiệp. Làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội năng suất được nâng lên, nhưng quan trọng hiện nay là vấn đề an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.

Hay trong nghiên cứu khoa học, mỗi năm chúng tôi đều có các đề tài cụ thể về ngăn chặn bệnh tật cho phụ nữ, các phương pháp, giải pháp phòng ngừa bệnh tật về các đề tài thừa cân, béo phì, và ngăn chặn bệnh thừa cân béo phì do GS.TS Phan Thị Kim (Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng) chủ trì.

Rồi việc nghiên cứu khoa học và đánh giá thực trạng các chuỗi liên kết. Đây là vấn đề quan trọng trong nông nghiệp hiện nay vì làm thế nào để người sản xuất gắn với tiêu dùng. Làm sao đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng mà không bị mua đắt, người sản xuất không bị bán rẻ, còn nhà khoa học có chỗ để làm việc. Qua đó để nông nghiệp Hà Nội phát triển với chất lượng cao, cung cấp các sản phẩm an toàn cho người Hà Nội, khách du lịch tới Hà Nội, và cho liên kết vùng.

Hội Nữ trí thức Hà Nội là Hội phi lợi nhuận, không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước nhưng đã tập hợp, đoàn kết các nhà khoa học để nghiên cứu cống hiến cho sự phát triển của Hà Nội. Vì sống ở Thủ đô, làm việc tại Thủ đô thì phải có trách nhiệm với Thủ đô, góp phần sức lực của mình làm cho Hà Nội văn minh, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, văn hiến, văn hóa của Việt Nam.

Đóng góp chất xám trong khoa học chưa xứng với tiềm năng

Là một nhà khoa học cũng như từng là Ủy viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, bà thấy hiện nay sự đóng góp của đội ngũ trí thức vào sự phát triển của đất nước đã thực sự như kỳ vọng?

- Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” thì công tác xây dựng đội ngũ trí thức đã có những kết quả nhất định. Trong giai đoạn vừa rồi, đội trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng đã có những cống hiến cho đất nước, đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước. Hàng loạt những nghiên cứu khoa học đã được áp dụng vào trong thực tiễn.

Ví như Anh hùng lao động Hồ Quang Cua là một trí thức nổi tiếng đã có những đóng góp to lớn trong nông nghiệp, nghiên cứu cho ra đời dòng lúa ST, gạo ST 25 là gạo ngon nhất thế giới. Trong thời gian qua, xuất khẩu thủy sản và sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đạt doanh thu rất cao, mấy chục tỷ/năm, trong đó có sự đóng góp của các nhà khoa học, trong đó có nữ trí thức như: PGS.TS, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Trâm đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, chất lượng đem tới những mùa vàng bội thu cho nông dân và tạo ra hàng chục tỷ đồng từ việc bán giống lúa cho Nhà nước, làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam; rồi GS.TS Huỳnh Phương Liên - người đã chế tạo thành công vaccine viêm não Nhật Bản cho Việt Nam.

Những kết quả đóng góp của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức đem lại cho đất nước thật to lớn. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong tăng trưởng xuất khẩu thì hàm lượng chấm xám cũng chưa cao nên sự cống hiến của các trí thức, nhà khoa học chưa xứng với tiềm năng sẵn có của chúng ta. Cho nên cần phải cố gắng hơn nữa, trong đó có trách nhiệm của đội ngũ khoa học.

Cơ chế thu hút, sử dụng người tài

Vậy theo bà nguyên nhân nào khiến sự đóng góp của khoa học chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có?

- Nguyên nhân có nhiều, song khách quan mà nói chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư khoa học công nghệ một cách “đủ ngưỡng”. Nhưng mặt chủ quan thì có cái đầu tư rồi nhưng lại chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ chế thu hút người tài và sử dụng người tài của chúng ta cần phải xem xét, đánh giá thêm. Làm thế nào để có cơ chế thu hút người tài và sử dụng người tài cho chuẩn. Phải có cơ chế thu hút họ, tạo điều kiện cho họ kể cả vật chất, tinh thần và môi trường làm việc để họ hăng hái trong lao động sáng tạo. Nếu không thì sẽ rất khó.

Một nguyên nhân cũng phải nhìn nhận đó là ở phía cán bộ khoa học. Nhiều nhà khoa học được đào tạo nhưng không phải ai cũng trở lại nước để làm việc, không phải ai cũng làm trong khu vực công mà Nhà nước, nhân dân đang cần mà lại đi làm tại khu vực tư.

Cho nên chúng ta cần có thời gian, lộ trình và giải pháp để tận dụng các chất xám, cơ chế thu hút người tài và tận dụng sử dụng người tài. Bởi con người là yếu tố quyết định. Chúng ta thấy rằng, đội bóng đá nam vẫn với các cầu thủ như vậy song từ khi ông Park Hang Seo làm huấn luyện viên trưởng thì bóng đá nam đã giành được những thành quả thuyết phục. Hay dưới sự dẫn dắt của ông Mai Đức Chung, bóng đá nữ của chúng ta dù khó khăn nhưng nhận được những thành tích xuất sắc, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mọi quyết định vẫn ở con người. Do đó cơ chế đầu tiên là thu hút các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, sau đó là sử dụng và khai thác họ. Những con người như thế sẽ nâng cao vị thế đất nước, góp phần đưa đất nước tăng trưởng bền vững vì phát triển kinh tế xã hội dựa vào nền tảng chất xám khoa học.

Nội lực phát triển, nội sinh đi lên là điều kiện góp phần giúp chúng ta nâng cao vị thế trong quá trình hội nhập, cạnh tranh bình đẳng, và “thắng trên sân chơi hội nhập bằng nội lực của mình”. Do đó chúng ta buộc phải quan tâm, đầu tư phát triển khoa học công nghệ.

Để quy tụ người tài theo bà cần có cơ chế nào. Vì hiện có 2 con đường đó là thăng tiến khi giữ các vị trí lãnh quản lý trong bộ máy Nhà nước; và con đường đi theo hướng chuyên gia, đóng góp thông qua nghiên cứu khoa học?

- Theo tôi dù cả 2 con đường là làm lãnh đạo quản lý hay chuyên gia đều cần đánh giá hiệu quả công việc từ thực tiễn. Công bằng, minh bạch, công khai trong đánh giá cán bộ sẽ giúp họ nỗ lực hơn. Vì họ thấy rằng mình phấn đấu và được đánh giá đúng. Người làm việc tốt mà không được đánh giá đúng thì đến một giai đoạn nào đó họ sẽ chán. Cho nên đánh giá bằng kết quả, hiệu quả thực tế, kể cả chính trị cũng như khoa học. Nếu không công bằng trong đánh giá sẽ rất khó động viên thúc đẩy vì người không tốt được đề cao, còn người tốt thì không được trọng dụng. Đó là chuyện quan trọng cho nên cần đánh giá và đãi ngộ đúng với thực chất cống hiến. Để từ đó có cơ chế đãi ngộ đúng với cống hiến của họ.

Lắng nghe phản biện

Từ thực tế việc giám sát và phản biện thì bà thấy có khó khăn gì? Và cần cơ chế gì để đem lại hiệu quả cao hơn trong giám sát, và phản biện xã hội, trong đó có việc tiếp thu ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học?

- Trong quá trình giám sát chúng tôi tham gia cùng MTTQ Việt Nam, và tham gia vào quá trình phản biện. Tuy nhiên không phải cơ quan nào cũng thích phản biện, bởi khi phản biện sẽ phát hiện ra những cái sai, cái chưa đủ, khiếm khuyết trong các chủ trương chính sách. Do đó không phải cán bộ lãnh đạo nào cũng muốn nghe phản biện. Chỉ có cán bộ lãnh đạo có tầm, có tâm mới thực sự muốn nghe ý kiến của đội ngũ khoa học, trí thức nhằm phát hiện ra những khiếm khuyết để chỉnh sửa. Thực tế cũng có những cán bộ “bảo thủ”, không muốn chỉnh sửa, chưa nói đến việc có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nên phản biện xã hội cũng có khó khăn.

Phản biện xã hội bản chất là rất tốt, phát hiện cái sai, chưa chuẩn để chỉnh sửa lại. Nếu cán bộ lãnh đạo biết lắng nghe phản biện sẽ tận dụng được các cơ hội. Nếu cán bộ không muốn nghe phản biện sẽ làm chậm quá trình phát triển của xã hội. Chỉ có phản biện, tư vấn tốt mới thúc đẩy được sự phát triển chung của các lĩnh vực.

Ví như hiện nay dư luận và xã hội đang quan tâm rất lớn tới dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây là đạo luật vô cùng quan trọng, chỉ sau mỗi Hiến pháp, liên quan đến mọi ngành, mọi người. Quan trọng nhất chính là cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, xã hội như thế nào? Đội ngũ trí thức, khoa học bao giờ cũng khách quan gửi các ý kiến khoa học, phản biện, nhưng việc nghe và tiếp thu như thế nào là một vấn đề. Mục tiêu sửa luật lần này rất rõ ràng, bây giờ mong luật có chất lượng thì mọi người phải lắng nghe và tiếp thu. Cái gì không tiếp thu cần giải trình cho nhân dân biết. Tôi mong các đại biểu quốc hội trước khi bấm nút thông qua luật hãy lắng nghe ý kiến từ người dân, các cán bộ khoa học, và ý kiến góp ý từ các tổ chức chính trị-xã hội.

Trân trọng cảm ơn bà!

PGS.TS Bùi Thị An đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Khoa học TP Hà Nội. Trên cương vị là đại biểu HĐND TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016), bà đã đóng góp nhiều ý kiến với HĐND TP Hà Nội, Quốc hội tại các phiên họp.

Với những thành tích và đóng góp của mình, bà đã được trao: Huy chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố (năm 2016); 3 Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố (năm 2017, 2021, 2022); 3 Bằng khen Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (năm 2016, 2018, 2019); Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2020, được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong hoạt động của Hội đồng tư vấn của UBND TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe đội ngũ trí thức