Thời điểm này, nghề hấp cá cơm ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đang tất bật vào vụ. Không khí nơi đây thật rộn ràng.
Thương hiệu cá hấp ở Tịnh Kỳ đã nổi tiếng xưa nay với cách chế biến theo quy trình truyền thống và đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất nên được thương lái và người tiêu dùng tin tưởng. Chính vì vậy, cá cơm đã chế biến được bao nhiêu thì thương lái tiêu thụ bấy nhiêu và giá cả luôn ổn định.
Sáng 19/3, mới đến đầu làng xã Tịnh Kỳ chúng tôi đã nghe thấy mùi cá tỏa ra từ các lò hấp. Trong khi đó hàng chục tấn cá cơm tươi rói từ dưới khoang tàu được ngư dân đang vận chuyển tới các lò hấp để được chế biến giữ độ tươi ngon, hương vị mặn nồng của hải sản.
Đang ngồi phân loại cá cơm khô, bà Nguyễn Thị Liêu - chủ lò hấp cá ở Tịnh Kỳ cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày cơ sở của tôi hấp chín được khoảng 4 tấn cá cơm. Muốn hấp cá đạt chất lượng tốt phải thường xuyên cung cấp lượng muối vừa phải để đảm bảo độ mặn, củi lửa giữ độ nóng sao làm sao cho cá đủ chín mà không quá nóng khiến nát cá. Sau khi hấp cá đạt yêu cầu thì đem phơi khô rồi bán cho thương lái”.
Ông Nguyễn Văn Tùng ở cùng địa phương cho biết thêm: Hấp cá trong lò phải giữ nhiệt độ chừng 60 độ C và được hấp liên tục khoảng 5 phút, sau đó đem ra trải trên các giàn phơi nắng cho khô ráo xong rồi đưa vào bao lớn, nhỏ đem đi tiêu thụ. Hiện tại tôi thu mua hơn 15.000 đồng/kg, sau khi hấp và phơi khô có giá khoảng 60-80.000/kg, tùy theo kích cỡ.
“Với công việc này, tôi được chủ lò hấp cá trả hơn 200.000 đồng/ngày, nếu trả công lao động theo giờ làm việc thì từ 25-30.000 đồng/giờ. Nghề này phụ thuộc vào thời tiết và lượng cá cơm mà ngư dân đánh bắt được” - bà Đặng Thị Hoanh - làm nghề phơi cá ở xã Tịnh Kỳ chia sẻ.
Nhiều chủ lò hấp cá cho biết, vào mùa vụ hấp cá, mỗi cơ sở thuê khoảng 15 nhân công lao động, làm việc từ sáng sớm cho tới chiều tối. Những lao động ngoài việc rửa cá cho vào vỉ lưới thì đa số nhân công dành thời gian túc trực ở bãi đất trống để phơi cá. Nghề này không khó nhưng đòi hỏi người phụ trách lò hấp phải chịu được nóng trong suốt nhiều tiếng đồng hồ và phơi cá ngoài trời nắng.
Một chủ lò hấp cá cho biết, trung bình 6 tấn cá tươi sau khi hấp chín đem phơi thì thu về được 2 tấn cá khô. Cá cơm thành phẩm trong đó có cả loại 1 nắng được chọn lựa theo tiêu chí của thương lái. Sau đó đóng gói và xuất đi các tỉnh tây nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các thị thường ở nước ngoài. Do đó nguồn đầu ra của cá cơm hấp không lo, vì sản xuất được bao nhiêu thì thương lái tiêu thụ bấy nhiêu, nên giá cả luôn ổn định.
Tại xã Tịnh Kỳ, hiện nay có hàng chục lò hấp cá cơm luôn trong tình trạng đỏ lửa, mỗi người một việc được phối hợp nhịp nhàng từ công đoạn nhận cá, thu mua, chế biến, đem phơi khô và đóng gói, tạo ra bầu không khí nhộn nhịp ở làng chài ven biển vào thời điểm này. Ngoài ra, các vỉa cá cơm được hấp chín phơi giữa trời nắng tỏa mùi thơm, qua đó cũng thu hút khách du lịch từ địa phương lân cận đến tham quan các cơ sở hấp cá.
Theo ông Nguyễn Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ: Để đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất trong quá trình sơ chế cá hấp, chính quyền xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ cơ sở hấp cá. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở này phải có giấy xác nhận an toàn thực phẩm của cơ chức năng kiểm định về sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết, mùa hấp cá ở địa phương bắt đầu từ tháng 3 đến cuối tháng 8. Hiện nay, toàn xã có 15 cơ sở hấp cá cơm, trung bình mỗi cơ sở có khoảng từ 15-20 lao động, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao giá trị thủy sản sau khi đánh bắt. Về lâu dài, chính quyền xã cũng kiến nghị với các cấp, mở các khu làng nghề để tập trung duy trì phát triển ngành nghề này.