Được đầu tư gần 11 tỷ đồng nhưng nhà máy xử lý rác thải tại xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) chỉ hoạt động cầm chừng trong vòng 3 năm rồi bị bỏ hoang ngay sau đó. Đến nay, phần lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quy trình xử lý rác tại đây đã xuống cấp, không còn giá trị sử dụng.
Công trình nhà nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn) được xây dựng từ năm 2012 - 2014, thuộc dự án: “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí”. Mục tiêu của dự án là xử lý rác với công suất 4 tấn/ngày do Tổng cục Môi trường chủ trì, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thực hiện với tổng kinh phí 10,8 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt tại các lưu vực sông, các thị trấn, thị tứ và các vùng nông thôn… Với mô hình này, lượng rác chôn lấp chỉ khoảng ~15% (còn có thể giảm xuống thấp hơn).
Ngoài ra, còn giảm nguy cơ phát sinh các loại ô nhiễm thứ cấp khác so với việc đốt rác tùy tiện, chôn lấp không hợp vệ sinh, hay thói quen vứt rác xuống sông, kênh, mương. Chi phí đầu tư ước tính vào khoảng 1,6 triệu đồng/tấn/ngày. Đặc biệt, công trình không phát sinh nước rỉ rác, không mất thêm kinh phí xử lý nước rỉ rác…, do đó, dự án hoàn toàn có khả năng nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Vào năm 2015, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã bàn giao công trình cho UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Hồi Ninh chịu trách nhiệm quản lý vận hành, khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, đến năm 2018, nhà máy xử lý rác này đã bị bỏ hoang, trở thành nơi tập kết rác thải trên địa bàn xã Hồi Ninh để trung chuyển lên TP Tam Điệp xử lý. Bên trong nhà máy, phần lớn các hạng mục công trình, máy móc vật tư công nghệ… đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
Theo quan sát, tại khu nhà xử lý rác hiện chỉ còn vương lại 2 chiếc lò đốt đã bị rỉ sét, cỏ mọc um tùm. Các băng chuyền đẩy rác lên lò cũng đã xuống cấp, không thể hoạt động. Phía trên, mái tôn che chắn 2 lò đốt rác đã trơ trụi, chỉ còn giữ lại được các khung sắt. Tại khu nhà điều hành, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, do đã bỏ hoang nhiều năm nên tường bao nứt toác, bám đầy rêu phong.
Được biết, để có kinh phí hoạt động thu gom rác thải, chủ đầu tư nhà máy rác tại xã Hồi Ninh đã thu mỗi khẩu 6.500 đồng/tháng. Đồng thời, cứ thứ 3 và thứ 6 hàng tuần rác thải trên địa bàn xã Hội Ninh được thu gom và chuyển ra Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh tập kết.
Ông Nguyễn Văn Tình (trú thôn Dưỡng Điềm, xã Hồi Ninh) cho biết, việc nhà máy xử lý rác vừa hoạt động được vài năm đã bỏ hoang là rất lãng phí. “Tôi hy vọng các cấp chính quyền có cách nào để hồi sinh nhà máy, chứ mỗi ngày đi qua, nhìn khối tài sản cả chục tỷ cứ hoen rỉ từng ngày, rất xót xa” - ông Tình nói.
Ông Trần Quang Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Hồi Ninh cho biết: Năm 2019, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh được bàn giao về cho UBND xã Hồi Ninh quản lý. “Nhiều năm nay, nhà máy xử lý rác của xã không hoạt động, cử tri ý kiến nên dừng hoạt động, giờ chỉ để tập kết rác và chuyển đi TP Tam Điệp cách khoảng 40 km để xử lý” - ông Đại nói.
Việc đầu tư kinh phí cả chục tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý rác tại một xã ven biển là cần thiết, tuy nhiên, việc duy trì, bảo quản hạ tầng, thiết bị tại đây lại có vấn đề. Khi kinh phí Nhà nước bỏ ra, các cá nhân, tổ chức được thụ hưởng đã không có sự quan tâm đúng mực, để rồi, khi công trình xuống cấp lại bị bỏ mặc. Liệu, để xảy ra thực trạng trên, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?