Lâu nay, việc lát đá vỉa hè nhận được nhiều quan tâm của người dân Hà Nội. Có tuyến vỉa hè mới lát chưa được bao lâu đã lại bị đào lên lát lại. Điệp khúc cứ cuối năm lại thấy thay đá vỉa hè ở Hà Nội đã quá quen thuộc, không chỉ gây phiền hà cho người dân, mà còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Đã gần cả tháng nay, trời Hà Nội mờ đục, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, các chỉ số đo được đều ở mức có hại cho sức khỏe. Nhiều tòa nhà cao tầng bị ẩn lấp vì khói bụi. Có khu vực tới 11 giờ trưa nhưng bầu trời vẫn rất mù mịt. Thật đáng tiếc và đáng lo ngại khi có lúc Hà Nội đã rơi vào tốp 10 thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. Nguyên nhân đã được chỉ ra: Một phần do các dự án xây dựng, trong đó có đào đường, lát vỉa hè...
Nhưng vì sao cứ tới thời điểm cuối năm là hàng loạt tuyến đường, hè phố lại bị đào xới ngổn ngang như công trường? Tình trạng này không chỉ diễn ra tại các tuyến phố trung tâm mà còn tràn vào cả ngõ phố trong các khu dân cư vốn đã rất chật chội.
Có người giải thích rằng, do thủ tục chậm chạp, phải “đúng quy trình” nên mới ra cơ sự ấy. Nhưng nếu cứ mãi như vậy thì thì tình thế sẽ vẫn không thay đổi, vẫn gây phiền hà, làm đảo lộn cuộc sống người dân và khiến đô thị bộn bề, nhếch nhác.
Nếu như chất lượng đá lát vỉa hè tốt thì tại sao lại hay vỡ hỏng? Phải chăng khi có dự án được đầu tư lớn từ nguồn ngân sách thì người ta vội vã “làm lấy được”, chất lượng không cần biết ra sao. Vì thế mới có chuyện làm đi làm lại, lãng phí chồng lãng phí. Có con đường hai bên vỉa hè được lát toàn bộ bằng loại đá được giới thiệu có độ bền “vĩnh cửu”, tuổi thọ từ 50 - 70 năm. Nhưng không được bao lâu lại thấy công nhân hì hục lật lên làm lại vì nhiều chỗ vỡ toác, hư hỏng nặng nề, nhiều vỉa hè lát đá xuất hiện tình trạng xuống cấp trầm trọng. Phải chăng chất lượng đá có vấn đề, hay công tác thi công không được đảm bảo? Mà dù thế nào đi chăng nữa thì cũng đều là lãng phí.
Đã qua rồi cái thời người dân thấy cảnh vỉa hè hỏng đâu được sửa đấy, mặt đường bong tróc đâu được sửa đấy. Bây giờ hình như những việc duy tu, sửa chữa nhỏ ít được chú ý. Người ta phải lập dự án, phê duyệt dự án và thực hiện dự án. Mà đã dự án thì phải “hoành tráng”, phải “ra tấm ra món”… Và những dự án thay đá vỉa hè, thảm lại mặt đường xuất hiện. Bản thuyết trình nào cũng hợp tình, hợp lý; có thể biến những điều “bất thường đang trở thành bình thường”…
Người dân đòi hỏi phải là các dự án được tính toán chi tiết, tỉ mỉ, từ vật liệu cho tới thi công, bảo dưỡng. Nếu không, lãng phí sẽ tiếp tục kéo dài, người dân tiếp tục bị phiền hà, giao thông cuối năm tiếp tục trở nên khó khăn, tắc nghẽn...
Chỉnh trang, làm đẹp thành phố, trong đó có việc lát vỉa hè, cải tạo lòng lề đường là cần thiết nhưng không được để xảy ra lãng phí, nhất là khi thành phố còn nhiều việc phải làm, còn cần nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển. Các dự án thay đá vỉa hè nếu không tính toán kỹ sẽ rất lãng phí, mà điều đó là không thể chấp nhận.