N hững ngày qua, khi nước lũ sông Hồng đổ về, cùng với hàng trăm hộ dân ở khu vực Tứ Liên tất tả “chạy quất”, người dân phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng ngược xuôi gọi nhau lo cho những vườn đào. Năm nay nước về nhanh, nhanh hơn dự báo cũng như mọi sự tính toán của người Nhật Tân nên gần 20.000 gốc đào đã chìm trong nước, đối diện nguy cơ mất trắng.
Người trồng đào đứng ngồi không yên, tìm mọi cách để cứu đào. Nhưng kinh nghiệm của người trồng cho thấy, đào đã ngâm nước một ngày thì khó cứu lắm…
Nhật Tân đã lên phường lâu rồi, thế nhưng nhiều người vẫn chưa quen với danh xưng phường, họ vẫn gọi làng Nhật Tân, bởi nó thân thương, gắn bó với bờ bãi, với nghề trồng đào, trồng hoa màu nức tiếng bao đời nay.
Làng Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi. Đất đồng chủ yếu là trồng đào, còn đất bãi trồng hoa và rau màu. Hoa làng Nhật Tân “mùa nào thức đó”, quanh năm là đồng tiền, hồng trắng, hồng đỏ, vào Thu là cúc vàng, họa mi, còn Tết về là thược dược, violet....
Và làng Nhật Tân xưa có con đê dài chạy vòng quanh như một bức tường thành vững chãi chắn lũ. Bọn trẻ chúng tôi vẫn gọi đó là con đê huyền thoại, bởi nó gắn bó với bao thế hệ, với những kỷ niệm vui buồn.
Những năm làng có lũ, lớn nhất phải kể đến năm 1971. Sử sách ghi lại đó là thảm họa thiên tai nặng nề nhất thế kỷ 20. Nhiều đoạn đê vỡ, trong có đê làng Nhật Tân. Một số bậc cao niên trong làng kể lại, người dân bên trong đê còn đỡ, chứ ngoài đê chỉ thấy những mái nhà lúp xúp, dập dềnh trong dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết...
Sau năm 1971, Nhật Tân cũng có vài trận lụt nữa, mực nước chỉ mấp mé nửa chân đê. Những nhà ngoài đê vẫn phải di dời, còn hoa màu thì chạy không kịp. Ngày ấy, khi loa phát thanh vang lên “báo động số 1, báo động số 2” là người làng hối nhau ra chạy lũ. Người nhổ vội vườn cải trắng, cắt hết mấy luống rau muống, người lo đánh những cụm cây hoa đồng tiền... vớt vát được ít nào hay ít đó.
Thế nhưng, đa phần khi nước lũ rút, tất cả tài sản còn lại chỉ là bùn đất và những gương mặt thất thần vì mất mát. Thiệt hại nặng nhất là những nhà trồng đào, bởi đó là tài sản, là hy vọng vào một cái Tết đủ đầy, tươm tất.
Trên con đê làng ngày ấy là những túp lều dựng vội. Trong lều chủ yếu là chạn bát, nồi xoong, quần áo... chứ còn người dân thì vào nhà hàng xóm trong đê ở nhờ. Chiều đến, trên đê đông lắm. Sau bữa cơm là mọi người lại ra đê xem nước lũ. “Bắt mạch” xem dòng nước xuống được ít nào chưa, nhà nào bị thiệt hại nhiều nhất...
Bọn trẻ chưa ý thức được thế nào là mất mát, lũ lụt, chúng chỉ thấy nước lũ về là được nghỉ học, là ra bắt dế, vớt cá. Và thế là cười khanh khách. Nhiều đứa còn tình nguyện lên đê trông lều cho các cô, các bác vào trong làng ngủ. Buổi tối có tam cúc, có trốn tìm, chen chúc trong đống xoong nồi loảng xoảng.
Từ khi có thủy điện Hòa Bình, mùa lũ sông Hồng dường như đã đi vào ký ức. Người trồng đào, trồng hoa màu ngoài bãi không còn bị ám ảnh bởi những lần chạy lụt.
Thế nhưng, những ngày qua, ngay sau bão số 3 Yagi, người ta lại thấy một trận “đại hồng thủy”. Nước sông Hồng cuồn cuộn, tràn vào bờ bãi. Lại thấy người làng “chạy đào”, “chạy quất”. Và ký ức làng lại dội về...