Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ thường về quê Thái Bình hay đưa đón người thân ở các điểm xe dù, bến cóc.
Phát biểu tại buổi Lễ phát động chương trình cao điểm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại các bến xe vào ngày hôm qua (26/12), bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam gây bất ngờ khi chia sẻ thường về quê Thái Bình hay đưa đón người thân ở các điểm xe dù, bến cóc.
Cụ thể theo bà Hiền: Để đi xe về quê ở tỉnh Thái Bình gia đình bà mất 30 phút để ra công viên bắt xe. Tại đầu đường Tam Trinh, bà cũng hay ra đón người nhà.
"Hôm trước tôi cũng đã đi đón một người bạn ở trong Đồng Nai cũng phải ra đến đầu đường Tam Trinh để đón về. Người nhà tôi về Thái Bình tôi cũng phải đưa vào một con ngõ để bắt xe nhằm đảm bảo thuận tiện”, bà Hiền chia sẻ.
Mặt khác, theo bà Hiền: "Doanh nghiệp vận tải đang lập nhiều bến không có giấy phép nhưng họ lại đảm bảo được tiện nghi, tiện lợi và an toàn của hành khách lại đang tổ chức rất tốt. Chính vì vậy sự hấp dẫn của nhiều xe ở ngoài bến hấp dẫn hơn rất nhiều so với bến xe hiện nay.
Thực ra, câu xe dù, bến cóc đôi khi cũng có những oan sai nhất định. Có những doanh nghiệp đang mong muốn làm nhưng hiện nay chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp".
"Việc sử dụng xe dù, bến cóc với một người dân bình thường đã không đúng. Chúng ta còn đang phải khuyến khích, yêu cầu họ vào bến mua vé về quê. Huống hồ đây là một lãnh đạo quản lý vận tải, tham mưu cho Bộ GTVT trình Chính phủ nhiều thông tư, nghị định quản lý vận tải", một chuyên gia về lĩnh vực vận tải gay gắt nói.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, hành khách thường đi xe tuyến Hà Nội - Phú Thọ tại bến xe Mỹ Đình cho hay, việc bắt "xe dù bến cóc" ở ngoài bến, hành khách luôn phải đối mặt với cảnh nhồi nhét, tăng giá vé vô tội vạ thậm chí còn thả hành khách giữa đường.
"Dù nhà khá xa nhưng để đảm bảo an toàn đi đến nơi về đến chốn, tôi thường xuyên vào bến để bắt xe chứ không dám đi xe dù bến cóc ở ngoài kia. Hiện nay, bến xe cũng đã cải thiện rất khang trang, sạch sẽ và văn minh", chị Nga cho hay.
Chia sẻ về việc xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Vận tải ô tô tỉnh Điện Biên cho hay: "Chúng tôi hay gọi những chiếc xe này là limousine trá hình, xe chạy ghép chuyến không vào bến đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các đơn vị chạy tuyến cố định nghiêm túc".
"Nếu chúng ta không có những giải pháp quản lý, xử lý một cách kịp thời, kiên quyết và triệt để thì không còn lâu nữa các hoạt động vận tải trên tuyến cố định của các doanh nghiệp vận tải chắc chắn sẽ không dễ gì vượt qua sự tồn tại chứ chưa nói gì phát triển", ông Mạnh cho hay.
Theo ông Mạnh chiếc xe chứ không phải cái kim, sợi chỉ mà việc xử lý lại khó khăn đến vậy. Do đó, là một doanh nghiệp vận tải ông mong rằng sự đồng hành kiên quyết của lực lượng chức năng sớm xử lý dứt điểm.
Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội quản lý cấp phù hiệu gần 40.000 xe hợp đồng, loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ khoảng 20.000 xe, còn lại các xe trên 9 chỗ. Trong đó, xe trên 9 chỗ vận chuyển học sinh có khoảng 2.000 xe, số còn lại là hợp đồng theo chuyến. Tuy nhiên, vẫn có những xe đang lách luật, đi gom khách, vận chuyển tương tự tuyến cố định.
Còn đối với TP HCM hiện có 248.000 phương tiện được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu, biển hiệu cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá. Cụ thể, vận chuyển hành khách theo hợp đồng có hơn 87.000 phương tiện hoạt động, trong đó có hơn 23.488 xe hợp đồng trên 9 chỗ.