Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tại thời điểm này, sức mua bán trên thị trường đã gia tăng.
Chỉ thị 16 của Bộ Công thương lưu ý, Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa và thị trường nội địa. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng được nhắc nhở tăng cường rà soát các mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng tình hình; kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.
Đã thành thông lệ, trước Tết Nguyên đán chừng một tháng thì tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm lại nóng. Theo Hội Chăn nuôi, Việt Nam có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn so với các nước trong khu vực: với đàn trâu hiện có 2,2 triệu con; đàn bò 6,41 triệu con; đàn lợn 24,83 triệu con; đàn gia cầm 532,59 triệu con. Bình quân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi/người/năm trong vòng 5 năm đối với trứng tăng dần từ 144quả/người/năm lên đến 183,8 quả/người/năm và khoảng 74,1kg thịt gia súc, gia cầm hơi/người/năm.
Nhu cầu cao dẫn đến việc nhập lậu gia súc, gia cầm cũng tăng lên, diễn biến phức tạp. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký 2 Công điện chỉ đạo: Công điện số 426 ngày 18/5/2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; và Công điện số 694 ngày 1/8/2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm cũng như các loại hàng hóa khác.
Tuy nhiên, như đã nói, đây chính là thời điểm nạn buôn lậu qua biên giới cũng như buôn lậu tại thị trường nội địa tăng mạnh, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp kiểm soát, xử lý hơn nữa. Điều đó không chỉ là trách nhiệm của Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng... mà còn là trách nhiệm của chính quyền các địa phương.
Về vấn đề này, đáng chú ý khi tại một hội nghị công tác chuyên môn, nghiệp vụ quản lý thị trường, chính Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cũng đã thẳng thắn cho rằng, dù có nhiều điểm sáng song công tác quản lý thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù chức năng, phạm vi tác nghiệp và quyền lực được giao của quản lý thị trường đủ rộng nhưng nhiều lĩnh vực, địa bàn vẫn chưa thể chạm đến. Đặc biệt, với thương mại điện tử, thì kết quả xử lý sai phạm còn quá khiêm tốn. Nhất là với các ngành hàng thực phẩm chức năng, thuốc tân dược... quản lý thị trường vẫn chưa “chạm” được đến gốc rễ vấn đề. Nói cách khác, các vụ việc kiểm tra, phát hiện mới chỉ là bề nổi.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, sẽ có nhiều diễn biến phức tạp trước Tết Nguyên đán. Tổng cục sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm. Tập trung xử lý các đối tượng đầu nậu, các kho, bãi lớn tập kết hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm… Trong đó, chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.
Để ổn định và lành mạnh thị trường đón Tết, cần phải “rà đi soát lại” ngay từ bây giờ. Nếu không, sẽ là quá muộn, hậu quả người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.