Tổng cục Thống kê thông tin, tính đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng, bán buôn bán lẻ có 1,1 triệu lao động, tiếp đến là dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 30% số lao động của ngành này thiếu việc làm trong tháng 4 và 50% số lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 5. Thực hiện khảo sát về tác động của Covid-19, một doanh nghiệp (DN) quy mô vừa, có khoảng 1.000 lao động mỗi tháng phải chi trả khoảng 3 – 4 tỷ đồng tiền lương. Một số DN lớn có từ 5.000 – 10.000 lao động tiền lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM lại cho hay, khi các khách hàng ở thị trường nhập khẩu chủ lực tạm ngưng nhận hàng đồng nghĩa 60 - 70% đơn hàng của DN bị ảnh hưởng. Một số DN cố gắng duy trì hoạt động sản xuất bằng cách áp dụng cho một ca nghỉ, một ca làm, luân phiên nhau. Thậm chí, khoảng 50% DN dệt may trong Hội chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Không riêng công nhân của ngành dệt may bị ảnh thất nghiệp, thiếu việc làm, ngành du lịch cũng là một trong những ngành mà người lao động lao đao với công việc. Theo đó, có khoảng 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước gần như mất việc vì dịch bệnh càn quét. Kết quả ngành du lịch rơi vào tình trạng “ngủ đông” kéo dài.
Sau một thời gian bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19, hiện nay DN đang bàn tính phương án phục hồi sản xuất. Trong đó, vấn đề nhân sự được các DN tính toán kỹ lưỡng. Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho biết, ngành dệt may đang kỳ vọng vào các thị trường EU, Mỹ sẽ hồi phục được vào cuối tháng 9 hoặc cuối năm. Riêng thị trường Nhật Bản sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh vào tháng 7, đó cũng là thời điểm các DN trong ngành quay trở lại với hoạt động sản xuất chủ lực. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, một số công ty may sẽ tập trung vào việc sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế để có nguồn thu, giữ thị trường, giữ người lao động. Khi kinh tế thật sự phục hồi DN sẽ tính đến chuyện gia tăng lượng lao động cần thiết.
Nói về kế hoạch nhân sự đại diện Việt Thắng Jeans cho hay, từ tháng 4 đơn vị đã bắt đầu tái cấu trúc lại, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động vừa rồi. Tất cả phòng ban đều lập lại bảng mô tả công việc, đánh giá lại về tính hiệu quả công việc theo mô hình hàng ngang - hàng dọc... để quyết định kế hoạch phát triển đội lao động như thế nào. Một số DN may khẳng định, DN cố gắng đầu tư công nghệ theo hướng công nghiệp 4.0. Thế nhưng, hoạt động ngành may mặc, da giày cũng phải sử dụng nhiều công đoạn truyền thống nên rất cần lao động. Các DN sản xuất lý giải, nếu lao động nghỉ 20 - 30% năng suất DN sẽ bị giảm khoảng 50 - 60%.
Bà Tiêu Yến Trinh- chuyên gia về nhân sự nhận định, trải qua thời gian đối đầu với ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động quản trị nhân sự của các DN đã có sự thay đổi. Khó khăn thúc đẩy nhiều DN thực hiện chuyển đổi số hóa nhưng vẫn phải có kế hoạch nhân sự. Vì vậy, việc xây dựng kịch bản về nhân sự đóng vai trò rất quan trọng.
“Công tác tuyển dụng nhân sự sau dịch, vừa khó vừa dễ. Sự thuận lợi sẽ đến từ nguồn ứng viên dồi dào do lượng người lao động mất việc tăng, thái độ và sự cầu thị của ứng viên đối với vị trí tuyển dụng sẽ tốt hơn trước đây. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhà tuyển dụng cần có một kế hoạch tổng thể với sự phân bổ nguồn lực hợp lý, cụ thể mới có thể tận dụng được cơ hội từ thị trường nhân lực”- bà Tiêu Yến Trinh giải thích.
Liên quan đến chiến lược hoạt động sau dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng, người lãnh đạo cần truyền cảm hứng cho người lao động, đào tạo cho nhân viên đủ năng lực để làm việc. Bên cạnh đó, cần có chính sách khen thưởng của DN cho người lao động đạt mục tiêu, khuyến khích và tạo động lực cho nhân viên. Đặc biệt, cần sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại.