Bữa ăn học đường cần đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và ngon miệng. Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra để nâng cao chất lượng bữa ăn này là lắp camera để giám sát.
An toàn phải được đặt lên hàng đầu
Tại các địa phương, việc thực hiện bữa ăn bán trú đã được triển khai từ nhiều năm nay, đem lại sự tiện lợi cho nhiều gia đình vì buổi trưa nhiều bố mẹ phải đi làm xa, không thể về để đưa đón, chuẩn bị bữa ăn cho con. Gửi gắm con ăn trưa, nghỉ ngơi tại trường, tất cả các bậc phụ huynh đều mong muốn con có những bữa ăn sạch, ngon và lành, đủ dinh dưỡng.
Ghi nhận chỉ riêng tại TPHCM hiện có hơn 2.400 đơn vị trường học (chưa tính nhóm trẻ độc lập tư thục) với số lượng trẻ tham gia ăn bán trú là rất lớn. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM thường xuyên phối hợp với Sở An toàn thực phẩm tổ chức các lớp tập huấn đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học cho hơn 2.700 cán bộ quản lý của phòng GDĐT, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Các nội dung bồi dưỡng bao gồm quy định hiện hành về công tác an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn vận hành hệ thống tự kiểm tra…
Tuy nhiên, do điều kiện không gian, nhân lực có hạn, trừ cấp mầm non, bữa ăn học đường thường do nhà trường tự nấu thì ở cấp tiểu học, THCS và THPT phần lớn là phải hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú. Với những trường có không gian bố trí được bếp ăn để đun nấu, việc giám sát bữa ăn bán trú sẽ dễ dàng hơn cho giáo viên, phụ huynh nhà trường. Với các nhà trường có không gian eo hẹp hơn, các công ty sẽ nấu ăn tại nơi khác và vận chuyển các suất ăn đến trường. Từ đây vấn đề giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt ra cấp thiết.
Hiện nay, ý kiến đề xuất lắp camera giám sát tại đơn vị cung cấp suất ăn bán trú hay tại trường học, khu vực bếp ăn là một trong những giải pháp nhận được nhiều ý kiến đồng tình của nhà trường và phụ huynh. Điều này sẽ không chỉ giúp giám sát được thực phẩm đầu vào có đảm bảo tươi sống, đủ số lượng hay không mà quá trình chế biến, chia khẩu phần ăn và bữa ăn đến tay học sinh cũng được công khai, minh bạch có đủ dinh dưỡng hay không.
Trước đó, Sở GDĐT tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn phải hoàn thành thực hiện lắp đặt camera giám sát toàn bộ khu vực chế biến thức ăn, khu vực chia suất ăn và khu vực ăn của học sinh; tạo tài khoản và công khai tài khoản truy nhập camera để cha mẹ học sinh, tổ chức, đoàn thể, các cơ quan truy cập giám sát. Điều này xuất phát từ vụ việc báo chí phản ánh về tình trạng bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu bớt xén của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai gây bức xúc trong dư luận. Với việc lắp thêm camera, phụ huynh có thể dễ dàng cùng tham gia giám sát bữa ăn, tránh được việc bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng cũng như thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nếu có vấn đề xảy ra.
Trách nhiệm không của riêng ai
Vừa qua nhiều các trường học ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã tạm dừng cho học sinh uống sữa trong bữa ăn bán trú, sau khi có phản ánh về chất lượng của sản phẩm từ phụ huynh. Hiện tại, vụ việc đang chờ kết quả xét nghiệm chất lượng sữa từ các cơ quan có thẩm quyền.
Ghi nhận từ nhiều trường mầm non và tiểu học tại Hà Nội, việc sử dụng các sản phẩm sữa từ công ty CP sữa Núi Tản Ba Vì đã diễn ra trong thời gian dài nhưng phụ huynh không hề biết. Điều đáng nói là Giấy chứng nhận GMP của đơn vị mới chỉ được cấp từ ngày 10/9/2024.
Đơn cử tại Trường Mầm non Đức Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), các sản phẩm sữa chua Núi Tản Ba Vì đã được đưa vào sử dụng tại trường từ cách đây 1 năm. Sữa chua Núi Tản Ba Vì sử dụng làm bữa trưa và bữa phụ với tần suất khoảng 2 - 3 lần/tuần.
Trước thực trạng này nhiều phụ huynh lo ngại chính là chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào sử dụng đã được kiểm nghiệm về độ an toàn, hàm lượng dinh dưỡng hay chưa? Theo quy định, việc chọn đơn vị cung cấp sữa nào cho bữa ăn bán trú thuộc thẩm quyền trách nhiệm của hiệu trưởng các trường và phía cha mẹ học sinh, không thuộc quản lý của các phòng, Sở GDĐT.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, ban giám hiệu các nhà trường chịu nhiều áp lực khi lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú hay tổ chức căng tin trường học vì có nhiều lời giới thiệu. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, cũng cần chú ý đến tiêu chuẩn cũng như đặt chất lượng bữa ăn lên hàng đầu. Đối với các đơn vị cung ứng suất ăn, phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ.
Ở không ít trường học, việc công khai, minh bạch thực đơn bữa ăn bán trú hàng tuần theo quy định của Bộ GDĐT dường như đã không được thực thi đầy đủ. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính phụ huynh trong việc thanh kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, không thể phó mặc cho nhà trường.