Theo quy định của Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT, từ ngày 1/12023 bắt buộc các cơ sở đào tạo lái xe ôtô phải áp dụng cabin điện tử. Nhiều trung tâm đào tạo lái xe cho rằng, việc lắp đặt cabin cần thí điểm trước đối với một số trung tâm thay vì bắt buộc phải lắp đặt dù chưa biết có đạt được kết quả hay không?
Cần thí điểm
Theo Quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT, từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin điện tử để học viên học.
Theo đó, học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch và làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc.
Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Đức Thịnh cho biết, theo quy định của Bộ GTVT về lắp cabin điện tử nhằm tăng thêm giờ học cho học viên. Tuy nhiên, do 2 năm do dịch Covid-19 việc đào tạo hầu như dừng hoàn toàn mỗi năm chỉ đào tạo được vài tháng.
“Bên cạnh đó, Trung tâm cũng vừa đầu tư mới về phần mềm mô phỏng cũng như là phần thiết bị giám sát hành trình trên đường với kinh phí rất lớn. Nếu như bây giờ mà lại lắp đặt đào tạo tiếp bằng cabin nữa thì tôi nghĩ đây cũng không phải số tiền nhỏ, ít nhất đơn vị chúng tôi thì phải mất hàng chục tỷ bởi mỗi cabin hiện nay người ta đang chào hàng là 500 triệu đồng”, ông Hải phân trần.
Theo ông Hải, hiện tại việc học bằng cabin điện tử đến nay cũng vẫn chưa có quy chuẩn và cũng chưa có thí nghiệm nào để rút kinh nghiệm. Do đó Bộ GTVT nên tổ chức một số đơn vị công. Ví dụ ba miền Bắc, Trung, Nam, mỗi khu vực có ba đơn vị đầu tư cabin điện tử, sau đó cho học viên, học thí điểm từ một đến hai khóa rồi thi thử. Rồi đem so với việc không tập cabin điện tử thì có hiệu quả hơn hay không, sau đó ta nhân rộng.
Tương tự, theo ông Lại Thế Chất, Giám đốc Công ty cổ phần Thành Đạt đơn vị đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, việc ứng dụng cabin điện tử vào việc đào tạo lái xe thì nên có thời gian thử nghiệm ở một số đơn vị mà có vốn đầu tư của nhà nước. Sau đó, nếu như cabin điện tử đem lại tác dụng vượt trội thì mới nên áp dụng đại trà.
“Cho nên, tôi cũng mong muốn đề nghị các cơ quan chủ quản có đánh giá trước khi đưa vào ứng dụng nếu đem lại hiệu quả chúng ta đầu tư cũng không vội”, ông Chất chia sẻ.
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng
Nói về chi phí đầu tư ông Lại Thế Chất phân tích, thông thường đối với các đơn vị nằm ở mức trung bình nếu đầu tư theo quy định thì cũng khoảng tầm 10 cabin điện tử giá thành khoảng trên dưới 500 triệu, tùy theo xuất xứ, chất lượng. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là giá ướm của các đơn vị sản xuất.
“Hiện nay, chúng tôi nắm được thì có khoảng tầm 4, 5 nhà thầu cũng đã bắt đầu cho ra sản phẩm. Nhưng tôi nghĩ chắc cũng chưa có các đánh giá nào từ các cơ quan quản lý nhà nước nên chắc cũng chưa thể bán hàng trong thời điểm này.
Theo tôi quy định đến ngày 31/12/2022 tất cả các đơn vị phải áp dụng là không khả thi vì hiện tại bây giờ chúng tôi muốn mua, còn chưa biết mua ở đâu, giá chuẩn bao nhiêu chúng tôi cũng chưa nắm được thì không thể nói là lắp đặt trước ngày mùng 1/1/2023 được”, ông Chất cho hay.
Cùng quan điểm, theo ông Hải, hiện nay cả nước có 383 đơn vị, mỗi đơn vị phải mua khoảng 10 chiếc cabin điện tử thì số tiền phải chi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Do đó, để đỡ tốn kém mà vẫn thực hiện tốt thì Nhà nước, Bộ GTVT nên thí điểm và dùng các đơn vị công, kinh phí nhà nước để áp dụng, sau đó chúng ta tổ chức thực hiện và phải có thời gian, lộ trình.
“Nếu mua một chiếc ô tô tốn 500 triệu đồng tôi có thể dễ dàng bán được. Nhưng nếu đầu tư vào cabin điện tử không thành công thì bọn tôi biết bán cho ai và ai chịu trách nhiệm vấn đề này”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Đạt, Phó phòng quản lý phương tiện người lái (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, về việc đầu tư cabin điện tử phục vụ công tác đào tạo lái xe, trên địa bàn TP Hà Nội chưa có đơn vị nào đầu tư, lắp đặt. Nguyên nhân chính qua các cuộc đối thoại được các đơn vị đào tạo lái xe đưa ra là đại dịch Covid-19 nguồn thu từ việc đào tạo lái xe bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, thiết bị cabin điện tử đến nay chưa có đơn vị nào là nhà cung cấp chính được Bộ GTVT chấp thuận quy chuẩn. Do đó, các đơn vị đào tạo lái xe vẫn đang còn loay hoay, chưa biết mua thiết bị cabin điện tử ở đâu, thế nào là phù hợp, đúng quy định.
“Qua 2 cuộc đối thoại giữa Sở GTVT TP Hà Nội và các đơn vị thực hiện công tác đào tạo lái xe trên địa bàn, đại diện các đơn vị cũng bày tỏ mong muốn Bộ GTVT lùi thời gian bắt buộc lắp đặt, áp dụng cabin tập lái. Lý do được các đơn vị đưa ra là có thời gian để phục hồi kinh tế và đưa ra quy chuẩn đối với thiết bị cabin điện tử.
Bên cạnh đó, các đơn vị đề xuất thí điểm áp dụng cabin tập lái đối với một số trung tâm đào tạo, tôi cho rằng là phù hợp với tình hình hiện tại. Qua công tác thí điểm sẽ đánh giá được hiệu quả của việc áp dụng cabin điện tử vào đào tạo lái xe, nếu đem lại hiệu quả cao sẽ áp dụng rộng rãi ở tất cả các đơn vị” ông Đạt cho hay.
Theo ông Đạt, trong trường hợp hết năm 2022, Bộ GTVT không có đơn vị nào hợp quy về thiết bị cabin điện tử thì các đơn vị đào tạo lái xe khó có thể tiến hành lắp đặt. Trên thực tế, việc đào tạo lái xe sẽ đem lại kết quả khi học viên được di chuyển thực tế trên đường, đối với việc áp dụng đào tạo trên cabin điện tử thì cần thời gian mới có thể đánh giá được.