Kinh tế

Lấp đầy khoảng trống nhân lực ngành bán dẫn

LÊ ANH 12/06/2024 10:00

Làn sóng các công ty ngành vi mạch bán dẫn trên thế giới đổ về Việt Nam, tập trung tại TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh… đang đặt ra vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.

anhtren.jpg
Tham quan cơ sở hạ tầng đào tạo vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hồng Phúc.

Tiềm năng lớn

Sinh viên Ngô Mạnh Dũng (23 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công thương TPHCM đã nhận được việc làm tại một công ty tư nhân trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thế nhưng, khi hay tin Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) mở khóa đào tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn, Dũng đã quyết tâm thử sức. “Em theo dõi báo chí, được biết tập đoàn hàng đầu thế giới Siemens EDA trong ngành vi mạch bán dẫn đã hợp tác với Khu Công nghệ cao TPHCM để cung cấp giải pháp, bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA). Đây là một ngành khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng hứa hẹn thu nhập cao, vì vậy em sẽ theo đuổi ngành này” - Dũng bày tỏ.

Cũng kỳ vọng sẽ thay đổi được môi trường làm việc và có mức thu nhập cao hơn, anh Đặng Văn Quý (ngụ phường Long Trường, TP Thủ Đức) đã quyết định nghỉ việc tại một công ty chuyên về sản xuất thực phẩm tại chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh) để theo đuổi khóa đào tạo ngắn hạn về vi mạch bán dẫn do Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức. “Tôi đã theo dõi sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn Hoa Kỳ, khi biết tin các doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đã tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, tôi rất muốn thử sức mình trong lĩnh vực khá mới mẻ này” - anh Quý chia sẻ.

Là một đơn vị trong ngành công nghiệp bán dẫn quan tâm đến nguồn nhân lực trẻ, TS Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Công ty Marvell Việt Nam cho biết, Marvell lựa chọn đầu tư vào Việt Nam dựa trên 3 lý do chính. Đó là sự ổn định về địa chính trị; nguồn nhân lực có kiến thức cơ bản tốt và yếu tố hiệu quả đầu tư. Theo ông Đạm, công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang có cơ hội vàng, các nước đang hỗ trợ Việt Nam để phát triển công nghiệp bán dẫn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Chính phủ cũng đang dành sự quan tâm hỗ trợ với nhiều chương trình, giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp này cả về chất lượng và số lượng.

Khu Công nghệ cao TPHCM là một trong những đơn vị tiên phong về hợp tác phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Khu Công nghệ cao TPHCM và Siemens EDA đã ký kết hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, với những chính sách đặc thù, sẽ có nhiều đột phá về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mang đến làn gió mới để kinh tế - xã hội TPHCM phát triển mạnh mẽ. Ngoài khu công nghệ cao nói trên, hiện nay TPHCM còn có hơn 50 trường đại học, nơi tập trung hàng triệu sinh viên, hàng chục nghìn kỹ sư và công nhân trình độ cao.

Được biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 kỹ sư. Riêng TPHCM cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm. Kế đến là tỉnh Bình Dương cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhiều cơ sở đào tạo quan tâm

TS Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu đầu tiên về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên. Đây là cơ hội để các giảng viên của trường được hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của Sun Edu về vi mạch điện tử. Đặc biệt, các học viên tiếp cận và làm quen với việc sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch. Từ đó, là cơ sở để Trường Đại học Thủ Dầu Một chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai cho Bình Dương, TPHCM và cả nước.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay địa phương này đang tích cực chuẩn bị, tập trung phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn. Trong đó, Trường Đại học Thủ Dầu Một đóng vai trò thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao phục vụ sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước.

Không chỉ TPHCM và Bình Dương, hồi tháng 3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu, nhằm mục tiêu đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn cho thành phố “thủ phủ” của Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các bên, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn tại TP Cần Thơ sẽ giúp đô thị này đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, DN hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên thế giới. Hiện nay, các sở ngành cũng đang tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng để UBND tỉnh Cần Thơ xây dựng chính sách riêng cho lĩnh vực đầy tiềm năng và triển vọng này...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấp đầy khoảng trống nhân lực ngành bán dẫn