Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài cho biết, năm học 2022-2023, giáo dục tiểu học vẫn còn thiếu hơn 23.000 giáo viên, quy mô trường lớp, cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ…
Theo Bộ GDĐT, đến nay, 63/63 tỉnh, thành duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, 30/63 tỉnh, thành phố được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3 (đạt tỷ lệ 48%). Tỷ lệ trường được công nhận chuẩn quốc gia đạt 62%, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 14,2%). Năm học 2022-2023, cũng là năm đầu tiên triển khai dạy học bình thường sau dịch Covid-19 và đưa môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với lớp 3. Tuy nhiên, số lượng giáo viên các môn học và cơ sở vật chất để bố trí dạy học tại nhiều địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ.
Theo lộ trình đổi mới, đến năm học 2024-2025, học sinh các bậc học từ tiểu học đến THPT sẽ học hoàn toàn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Hiện những thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giáo viên các cấp học nói chung đang là rào cản để triển khai chương trình một cách toàn diện. Cụ thể việc thiếu giáo viên nên ở nhiều trường các thầy, cô giáo đang phải gánh công việc nhiều hơn so với số lượng công việc thực tế mà họ phải đảm nhận.
Đơn cử, việc thiếu giáo viên giảng dạy chương trình tích hợp. Tại Hà Nội, theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK GDPT của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội mới đây, địa phương hiện gặp khó khăn, thách thức khi triển khai dạy học bộ môn tích hợp ở bậc THCS. Cụ thể, Chương trình GDPT 2018 thực hiện dạy học tích hợp ở bậc THCS theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn. Kết quả giám sát khẳng định, trong việc triển khai 3 định hướng trên, thách thức đáng kể nhất là dạy các môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS. Tuy nhiên, phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện dạy học các môn học theo yêu cầu tích hợp đang là một vấn đề khó khăn trong việc thực thi chương trình, chưa có giáo viên đủ năng lực thực sự để đảm nhận.
Trước khi bắt tay triển khai chương trình mới, ngành GDĐT đã có sự nỗ lực chuẩn bị, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, bên cạnh đó là đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ. Nhưng thực tế, không phải khó khăn nào cũng khắc phục được ngay, trong đó có vấn đề con người. Tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học mới ở các cấp học nói chung, bậc tiểu học nói riêng không chỉ diễn ra ở Hà Nội, TPHCM… mà là vấn đề chung ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Trên thực tế, việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới khiến dư luận không khỏi lo lắng cho nền tảng thực hiện Chương trình GDPT 2018 và hiệu quả của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi.
Đại diện sở GDĐT các địa phương đề nghị, ngành Giáo dục cần quan tâm đến vấn đề thiếu giáo viên. Theo đó, ngành Giáo dục và các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng để có đủ giáo viên đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình GDPT mới. Chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình GDPT, vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia, việc thay SGK mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Trong đó, tập trung thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng để có đủ giáo viên đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình GDPT mới. Đồng thời, chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 5 trong năm học 2023-2024, nhất là giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học cần được chú trọng nhằm đảm bảo 100% giáo viên được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT.
Theo lộ trình từ nay cho đến năm 2026, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông, đáp ứng việc giảng dạy theo đòi hỏi thực tiễn.