Xây dựng, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín là vấn đề hệ trọng và xuyên suốt của Đảng ta. Nhưng từ thực tế thời gian qua, khi các vụ án tham nhũng về kinh tế được đưa ra xét xử ngày một nhiều và nhiều bị cáo đã nhận những mức án nghiêm khắc. Thậm chí, đã có cả các mức án chung thân, tử hình.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII. Ảnh: TTXVN.
Thế nhưng với những người để lọt cán bộ vi phạm hay nói cách khác, vi phạm trong công tác nhân sự thường chỉ được xử lý kỷ luật hành chính. Đó được coi là lỗ hổng chưa được lấp và nhân dân vẫn thường gọi, đó là vi phạm trong công tác nhân sự, hay “tham nhũng trong công tác cán bộ”- một thứ tham nhũng rất tệ hại. Khi phải “chạy” để chiếm một vị trí nào đó trong bộ máy, sẽ dẫn tới khả năng người đó sẽ tìm mọi cách để “bù” lại số tiền dùng để “chạy”; đồng thời câu kết, tạo lợi ích nhóm, bè phái để phục vụ cho “nhóm lợi ích” của họ, “trong đó có mình”. Vì thế, chừng nào những tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ chỉ dừng lại ở kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, rút kinh nghiệm thì người ta sẽ không sợ. Bởi trách nhiệm cùng lắm cũng chỉ là cảnh cáo. Những vụ việc trong thời gian qua như Trịnh Xuân Thanh, Lê Phước Hoài Bảo, hotgirl Thanh Hóa... đã cho thấy những thực tế đó.
Trong một lần trả lời phỏng vấn ĐĐK, khi đề cập đến vấn đề công tác nhân sự tại kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng làm sao để chọn được bộ máy trong sạch, vững mạnh? GS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng công tác chuẩn bị đại hội có hai vấn đề quan trọng là chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự. Dẫu không ai đặt vấn đề nào lên trên hết nhưng đều hiểu rằng nhân sự là yếu tố quyết định. Bởi nhân sự chính là đường lối, quan điểm, phong trào, phong cách, phương thức quyết định đường lối. Dù không ai đánh giá thấp báo cáo chính trị nhưng nhân sự cũng là người thực hiện đường lối ấy với phương thức, chủ trương, chương trình, kế hoạch hành động, trong đó người đứng đầu có vai trò quyết định”.
Nói vậy để thấy rằng, lựa chọn nhân sự có vai trò quan trọng và quyết định như thế nào cho sự phát triển của đất nước. Từ đó thấy rằng càng phải siết chặt và quy trách nhiệm rõ ràng đối với người giới thiệu nhân sự vào trong quy hoạch. Và mới đây tại Hội nghị công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Hiện nay cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”. Từng cơ quan, từng cấp, từng ngành phải làm cho tốt công tác đặc biệt quan trọng này. Bởi vậy, cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài dẫn đến hại nước hại dân. Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, “đừng thấy đỏ tưởng chín”, “đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”.
Cũng xin được nói thêm rằng, tại Hướng dẫn số 26/HD-BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương “Hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đã quy định: “Công tác nhân sự phải thực hiện đúng nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự theo quy định; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền theo tinh thần Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị. Đồng thời, phải đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng cấp ủy các cấp; chất lượng, hiệu quả việc rà soát, lựa chọn, giới thiệu, thẩm định, xác minh và kết luận rõ, chính xác những vấn đề về tiêu chuẩn cấp ủy, tiêu chuẩn chính trị, các nội dung liên quan đến nhân sự trước đại hội”. Chính vì lẽ đó, phải đề cao trách nhiệm cá nhân, không chỉ là người đứng đầu mà cả những người giới thiệu, bảo đảm nhân sự đó. Nếu không cam kết giới thiệu chính xác, giới thiệu cho xong, buông cho tập thể thì trách nhiệm cũng chỉ là... cảnh cáo. Mà như thế, e là chưa đủ khi nhân sự được giới thiệu sai đã gây họa cho cả hệ thống và đem lại một hệ lụy vô cùng lớn cho một ngành, một lĩnh vực hay cả nền kinh tế, cả xã hội. Cho nên, trách nhiệm tập thể phải gắn với trách nhiệm cá nhân, ai là người giới thiệu, đề cử đầu tiên thì phải có cam kết bằng văn bản không chỉ với cấp ủy cùng cấp mà với cả cấp ủy cấp trên. Nếu như vậy sau này nhân sự được giới thiệu không xứng đáng, vi phạm các quy định thì mới có thể xử lý người giới thiệu.