Giữa tháng 2/2018, Thanh tra TP Hà Nội đã có kết luận chỉ ra nhiều tồn tại trong việc lát đá vỉa hè. Nhiều hè phố lát đá được cho là có độ bền 50 - 70 năm nhưng đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã bị bong tróc, gãy vỡ. Tuy nhiên sau đó vẫn không thấy chuyển biến, cũng không thấy chỉ ra địa chỉ sai phạm. Vì vậy, dư luận cho rằng thay vì năm nào cũng lật vỉa hè lên lát lại thì hãy “lật lại việc lát đá vỉa hè” thời gian qua.
Mới đây, nói với báo chí, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, đã kiến nghị thành phố cho rà soát, đánh giá lại việc lát vỉa hè theo bộ quy chuẩn UBND thành phố đã ban hành.
Năm nay cũng như các năm trước, việc Hà Nội lật đá "vĩnh cửu" cũ lát lại bằng đá "vĩnh cửu" mới nhiều tuyến phố đã gây bức xúc dư luận. Đáng nói là cho dù lát đá “vĩnh cửu” mới thì chất lượng vẫn không đảm bảo. Việc đào lên - lấp xuống vỉa hè ở Hà Nội từ lâu đã diễn ra như một thông lệ, thời gian thi công kéo dài. Người dân ta thán nhưng sự việc vẫn không thay đổi.
Phải nói ngay rằng, không cần đợi đến thanh tra cũng thấy việc “đào lên - lấp xuống” gây tốn kém rất nhiều cho ngân sách. Đá cũ bỏ đi, lại càng lãng phí.
Còn nhớ vào khoảng cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định về chỉnh trang, cải tạo hè phố. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu thay gạch truyền thống bằng đá tự nhiên có độ bền lên tới 70 năm (thường được gọi là đá vĩnh cửu) để lát vỉa hè tại khoảng 900 tuyến đường thuộc 12 quận nội thành. Từ đó, “mùa lát vỉa hè” tại Hà Nội diễn ra liên miên. Chỉnh trang hè phố ở những đoạn xuống cấp đã đành, có những đoạn vỉa hè đang yên đang lành cũng bị lật lên, bị “ép” phải thay đá mới bằng được.
Lại nói về khái niệm “đá vĩnh cửu” để lát vỉa hè. Vĩnh cửu có nghĩa là rất lâu bền, chí ít cũng phải được 70 năm như UBND thành phố Hà Nội từng quy định. Nhưng tiếc thay có những tuyến vìa hè chỉ 2, 3 năm được lát mới đã bong tróc, nứt vỡ. Khi còn là Bí thư Thành ủy, ông Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) từng nêu vấn đề: Vì sao cũng cùng làm đúng quy trình, thiết kế mẫu của Sở Xây dựng nhưng có quận làm tốt, có quận chưa?
Ở đây, khâu khâu quản lý và giám sát thi công đã bị buông lỏng.
Vỉa hè rất quan trọng với những đô thị đông dân, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao. Nó là phần đệm cần thiết khi “người mặt phố” bước xuống đường, cũng là nơi dành cho người đi bộ cùng những hoạt động cần thiết khác, kể cả là nơi để trồng cây xanh.
Nhưng rồi, với Hà Nội, rất nhiều tuyến hè phố trở nên lộn xộn không chỉ do đã bị biến thành chợ, thành nơi để xe mà còn do việc đào bới liên tục, lồi lõm, gẫy vỡ. Nguyên nhân là do chất lượng đá lát không bảo đảm và thi công ẩu. Điều đó ai cũng nhìn ra nhưng nó vẫn tồn tại như một điều tất nhiên.
Cùng với Sở Xây dựng thì trách nhiệm chính phải thuộc về Phòng Quản lý đô thị, Phó Chủ tịch phụ trách khối và Chủ tịch UBND các quận. Họ phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các ban quản lý dự án, đơn vị thi công, kể cả phải giám sát cán bộ được giao theo dõi dự án. Phải xem xét kĩ lưỡng chất lượng đá, nền cốt ra sao, thi công thế nào... thì mới có thể có được một tuyến vỉa hè “vĩnh cửu”.
Đáng tiếc là vỉa hè tại hầu hết các tuyến phố chỉ được quan tâm hoạt động kinh doanh thế nào, lợi nhuận thu được ra sao, bất chấp không biết bao lần ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.
Vì thế, việc Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị thành phố cho rà soát, đánh giá lại việc lát vỉa hè theo bộ quy chuẩn UBND thành phố đã ban hành, là điều cần thiết, được người dân hoan nghênh. Không thể để tình trạng vỉa hè muốn ra sao cũng được, mà cần nhận thức sâu rằng để phục vụ chung cho người dân thì ngân sách đã phải bỏ ra rất nhiều. Số tiền rất lớn ấy phải được sử dụng hiệu quả chứ không phải để phung phí. Thay vì lật vỉa hè lên lát lại liên miên thì cần thiết hơn là phải gấp rút lật nó lên để kiểm tra chất lượng, xử lý sai phạm nếu có, từ đó mới có thể ngăn chặn được những hành vi trục lợi, tiêu cực.