TPHCM vẫn được coi là “đầu tàu kinh tế” của cả nước. Thế nhưng, hiện TPHCM đang gặp khó. Đầu tàu kinh tế rơi xuống chót bảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 8 từ dưới lên trong 63 địa phương. Chính vì thế, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn để lấy lại tốc độ cho “đầu tàu” TPHCM đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Chưa bao giờ khó khăn như bây giờ
Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố ngày 16/4, báo cáo của Thành ủy TPHCM cho biết, năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước; thu nhập bình quân đầu người 6.770 USD/người; vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD đứng đầu cả nước.
Tuy nhiên, quý I năm nay, tình hình phát triển kinh tế của Thành phố gặp khó khăn. Chỉ số IIP quý I giảm 0,9%. Nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao đang giảm sâu như: giá trị tăng thêm ngành xây dựng giảm 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khác.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I chưa đạt như mong muốn, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Những động lực tăng trưởng của thành phố vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn sau đại dịch. Cùng với đó, những vướng mắc cũ phát sinh trong và sau dịch chưa được giải quyết triệt để; những động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng và phát huy.
"Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế có phần giảm sút. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập. Quy hoạch quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện", người đứng đầu chính quyền TPHCM nhận định.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn thừa nhận giai đoạn chống dịch, chúng ta nhìn thấy một TPHCM lăn xả, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh. Khi hết dịch, ta thấy nỗ lực phấn đấu phi thường tạo nên kết quả vực dậy kinh tế quan trọng trong năm 2022. Thế nhưng, khi kinh tế sụt giảm cũng là lúc nhìn thấy rõ nét sự chậm trễ, tồn đọng, yếu kém, trì trệ của bộ máy.
"Chưa bao giờ kinh tế TPHCM trải qua giai đoạn khó khăn như bây giờ. Tổng kết Nghị quyết 16 cho thấy trong 10 năm phát triển, đà tăng trưởng của Thành phố chậm dần, đầu tàu đang mất đà. Nghị quyết 11 đã đưa ra 3 khâu đột phá kinh tế - xã hội cho Thành phố gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, song nhìn lại, 3 khâu đột phá giờ lại trở thành 3 điểm nghẽn. Đặc biệt, nguồn nhân lực đang quá tải trầm trọng. Đây là điểm nghẽn mà Thành phố sẽ khắc phục, dứt khoát phải khắc phục. Ai chậm trễ, ai yếu kém, ai trì trệ, ai không dám làm sẽ phải báo cáo để thay đổi "cầu thủ", thậm chí "huấn luyện viên" nếu kém cũng phải đổi luôn", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng
Phân tích thêm về vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế, cơ hội của TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thành phố có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại; là đô thị lớn, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía nam; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là cực tăng trưởng của Vùng và cả nước.
Thành phố có 41 khu công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, trong đó Khu công nghệ cao TPHCM. Có lực lượng lao động đông đảo (trên 5 triệu người, chiếm gần 10% lực lượng lao động cả nước), trong đó có nhiều nhân lực chất lượng cao, chuyên gia. Có 11,6 nghìn doanh nghiệp FDI, 265.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động. Có 51 trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trong hệ thống giáo dục quốc dân. TPHCM cũng có nhiều bệnh viện lớn, chuyên sâu hàng đầu cả nước…
Trước những khó khăn mà “đầu tàu kinh tế” TPHCM đang vướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản; tháo gỡ vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy đúng tình hình, sát thực tế, khả thi; tập trung làm tốt việc giao đất, định giá đất; đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; kích cầu đầu tư; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tập trung chỉ đạo cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải tích cực hỗ trợ TPHCM trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, trước hết là công tác quy hoạch. Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí… Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể.
Đồng thời, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, đền bù, tái định cư, nhất là các dự án giao thông. Làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám nhận trách nhiệm vì mục tiêu tăng trưởng chung…
“Các bộ, ngành, thành viên Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp, hỗ trợ TPHCM để thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để TPHCM phát triển nhanh, bền vững; trên tinh thần cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.