Sau trận lụt lịch sử năm 2008, người dân Hà Nội chứng kiến nước sông Tô Lịch xanh trong lạ thường. Khi đó, nước mưa đã làm loãng bớt bùn, dâng cao hàng mét khiến sông Tô Lịch trở nên sạch sẽ.
Thế nhưng “dòng sông xanh” ấy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Chính vì vậy, phương án lấy nước sông Hồng “cứu” sông Tô Lịch đang rất gây sự chú ý của dư luận và các nhà khoa học.
Phải tổng hòa các yếu tố
Sau rất nhiều phương án được đưa ra và thử nghiệm, mới đây Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội đã khởi công lắp đặt các ống cống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy Yên Xá. Theo dự kiến khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động, lượng nước thải sẽ chảy vào hệ thống cống gom và đưa về nhà máy để xử lý.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, trên con sông Tô Lịch dài gần 14 km, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống với gần 300 ống cống cùng nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp và rác thải ven sông.
Như vậy khi công trình này hoàn thành, sông Tô Lịch không còn phải hứng những đợt xả thải trực tiếp xuống dòng sông. Tuy nhiên, đã là sông thì phải có dòng chảy, khi nước thải đã được thu gom bắt buộc phải bổ cập nước, nếu không sẽ biến Tô Lịch thành dòng sông chết.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã đề xuất phương án dẫn nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch thông qua Hồ Tây. Theo đó, để bổ cập nước vào Hồ Tây, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - cho rằng, việc đặt cống gom nước thải sông Tô Lịch đã được nêu ra từ nhiều năm trước bởi nếu tiếp tục đổ nước thải vào dòng sông thì vấn đề ô nhiễm không thể giải quyết triệt để được. Khi không phải nhận nước thải nữa, cùng với việc bổ cập nước sông Hồng vào thì nước sông Tô Lịch có thể sẽ xanh trong trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, khi làm quy hoạch thì phải tổng hòa các yếu tố. Cùng với cải tạo dòng sông thì cảnh quan hai bên dòng sông cũng cần phải được chú trọng. “Trong quy hoạch chung năm 1998 cũng đã có quy hoạch chi tiết cảnh quan 2 bên dòng sông Tô Lịch nhằm tận dụng lợi thế của sông. Bởi không chỉ giải quyết về mặt cải tạo môi trường mà còn tạo ra những giá trị di sản nhằm phát triển văn hóa, kinh tế. Như bố trí chỗ nào làm sân chơi, vườn hoa, trồng cây xanh…” – ông KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Cần tính toán kỹ
Ở một góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nguồn nước sông Hồng chảy qua Hà Nội, liên quan đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, kể cả thượng lưu và hạ lưu. Đây là nguồn nước chính không chỉ cho nông nghiệp mà còn cho cả dân sinh, công nghiệp, môi trường…Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao “Lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình”. Vì vậy, nếu thực hiện phương án theo tôi cần xin ý kiến của Bộ quản lý nguồn nước này.
“Nếu chủ trương lấy nước sông Hồng để cứu sông Tô Lịch được các Bộ ngành, các tỉnh ven sông Hồng thống nhất thì đó là một thuận lợi, nhằm giảm ô nhiễm cho sông Tô Lịch về cả 2 mặt. Thứ nhất, nguồn nước thải của các quận nội thành được xử lý ở nhà máy Yên Xá, sẽ chảy về sông Nhụệ và sông Đáy, không tăng ô nhiễm cho các sông đó. Thứ hai, sông Tô Lịch luôn có nước sông Hồng bổ sung, sẽ giảm độ ô nhiễm của bùn ở đáy sông, do tồn đọng nhiều năm” – GS Hồng nói.
GS Hồng cũng lưu ý, muốn lấy nước từ sông Hồng bổ trợ cho sông Tô Lịch phải lập quy hoạch, trong đó tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp của sông Hồng. Ngoài ra, việc xuất hiện của nhiều công trình thủy điện và các nguyên nhân khác khiến mực nước sông Hồng đã thấp hơn trước rất nhiều. Hiện nay, mức nước này chỉ đủ đáp ứng cho nông nghiệp, còn để bổ cập cho Tô Lịch thì sẽ là một bài toán nan giải cần phải tính toán kỹ.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.